Ngày 26 tháng 6, bệnh viện Phụ sản Hà Nội tiếp nhận một thai phụ có dấu hiệu sinh non. Thai nhi mới được 24 tuần tuổi. Và sau 2 giờ vượt cạn, em bé ra đời chỉ nặng 550 gram. Đánh giá đây là ca sinh thiếu tháng, nhẹ cân nhất từ trước đến nay nên một ekip cấp cứu hồi sức tích cực ngay lập tức được thành lập. Toàn bộ các y bác sỹ được giao nhiệm vụ đã dành hết tâm huyết và áp dụng tất cả các kỹ thuật mới nhất để cứu sống em bé.

Ngay khi ra khỏi tử cung mẹ, em bé được đưa vào túi plastic để giữ thân nhiệt và được dùng máy CPAP để hỗ trợ hô hấp. Em bé được nuôi trong lồng ấp với điều kiện môi trường tương tự như trong bụng mẹ. Để tránh phổi bị xẹp, các bác sỹ đã bơm surfactant bằng phường pháp isure. Sau đó, tiêm kháng sinh để kiểm soát nhiễm khuẩn.

“Bé như vậy nhưng ngay khi ra đời các bác sỹ đã cho ăn sữa mẹ sớm. Những giọt sữa mẹ chắt chiu từ ở nhà, mang lên đến Bệnh viện, các cô chăm sóc tại Khoa mớm cho con ăn từng chút một. Mỗi bữa chỉ 0.5ml thôi và cứ 3 tiếng lại ăn một lần”, BS CKII Nguyễn Quỳnh Hương- công tác tại Khoa Sơ sinh – BV Phụ sản HN, nhớ lại.

Ngày đầu mọi thứ vẫn ổn nhưng đến ngày thứ hai em bé xảy ra liên tiếp các vấn đề. Em bé hạ đường huyết liên tục, phải sử dụng thuốc nâng đường huyết trong khi vẫn phải tiếp tục duy trì hô hấp. Ngoài ra, em bé bắt đầu có dấu hiệu bị viêm ruột hoại tử. Đây là bệnh lý rất thường xảy ra ở trẻ thiếu tháng, nhẹ cân và khi đã mắc thì lại rất nặng. Vì vậy, các bác sỹ phải hội chẩn lãnh đạo Khoa và đưa ra các phác đồ điều trị.

Mặc dù em bé được nuôi bằng sữa mẹ nhưng vẫn không đủ, nên đồng thời phải nuôi qua đường tĩnh mạch. Nhưng vấn đề đặt ra là không thể nào lấy được ven, và giữ nó trong vòng vài ngày, khi mà ven của em bé chỉ nhỏ như một sợi chỉ. Các y bác sỹ quyết định sử dụng tĩnh mạch rốn - tĩnh mạch to nhất trên cơ thể. Nhưng cũng chỉ được 1 tuần đầu, ven tĩnh mạch rốn cũng không thể lấy được nữa.

“Chúng tôi phải áp dụng kỹ thuật Longline tức là dùng một dụng cụ như sợi chỉ luồn từ tĩnh mạch ngoại biên vào. Đây là một kỹ thuật cực kỳ khó và chưa được áp dụng nhiều”, BS CKII Nguyễn Quỳnh Hương chia sẻ.

Bằng việc thiết lập đường truyền này, dung dịch, thuốc được đưa vào cơ thể bé một cách thuận lợi hơn.

Sau 1 tháng ròng rã điều trị, ngày 21/7, em bé được bỏ máy hỗ trợ thở oxy. Nhưng niềm vui của gia đình và các y bác sỹ chưa lâu thì 5 ngày sau thì em bé lại phải sử dụng máy trợ thở CPAP do bị nhiễm trùng. Mặc dù được sử dụng kháng sinh từ rất sớm nhưng điều này không tránh khỏi vì khả năng miễn dịch ở trẻ sinh non là rất kém.

Tình trạng nhiễm trùng tuy không nặng nhưng diễn biến dai dẳng. Lại thêm 1 tháng điều trị kháng sinh và duy trì các kỹ thuật chăm sóc khác, sức khỏe em bé dần ổn định và được chuyển đến Khoa Hồi sức.

Sau gần 3 tháng được chăm sóc điều trị tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, em bé có phần cứng cáp hơn, nhưng “cuộc chiến” chưa kết thúc. Em bé được ra viện nhưng không phải để về nhà mà chuyển sang Bệnh viện Nhi Trung ương để tiếp tục điều trị bệnh lý võng mạc.

“Đối với những trẻ non tháng nhẹ cân thường chúng tôi phải chăm rất lâu, nên nói thật khi ra viện ai cũng lưu luyến. Chúng tôi coi các bé như con, như cháu mình. Có y bác sỹ còn khóc vì phải xa con”, BS CKII Nguyễn Quỳnh Hương xúc động chia sẻ.

Vì đây là một ca sinh non, nhẹ cân đặc biệt nhất từ trước đến nay, nên kể cả khi ra viện, các y bác sỹ vẫn dõi theo tình hình của em bé. Theo thông tin từ gia đình, sức khỏe của em bé đã ổn định hơn rất nhiều, các chức năng cơ thể đã phát triển hầu như toàn diện và hiện đã được về nhà. Sự tận tâm của đội ngũ y bác sỹ đã tạo nên kỳ tích.