Thống kê từ Bộ Y tế cho thấy, tỷ lệ trẻ em mắc tật cận thị vào khoảng 20-40% ở khu vực thành thị và 10-15% ở khu vực nông thôn. Nếu không được phát hiện sớm, can thiệp kịp thời, cận thị sẽ tiến triển nhanh, khiến trẻ bị suy giảm thị lực và có thể dẫn tới mù lòa.
TS.BS Nguyễn Thị Thu Hiền – Trưởng khoa Khúc xạ, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh hướng dẫn, khi thấy trẻ có dấu hiệu nhức mỏi mắt, nhìn xa không rõ, khi học thường phải cúi sát mặt vào sách vở, thích đứng gần khi xem TV … thì các bậc cha mẹ nên đưa trẻ đi khám mắt ngay.
“Tốt nhất, các bậc cha mẹ nên đưa trẻ đến phòng khám chuyên khoa mắt tại các bệnh viện, không nên cho trẻ đến các cửa hàng kính. Bởi có thể trẻ chỉ bị rối loạn điều tiết, chưa bị cận thị, hay chúng tôi gọi là cận thị giả. Việc khám mắt để chẩn đoán trẻ có bị cận thị hay không và mức độ cận như thế nào rất quan trọng. Nếu trẻ không được khám khúc xạ đúng quy cách có thể khiến trẻ phải đeo kính không đúng số. Nhiều cơ sở bán kính chỉ đo khúc xạ bằng máy đo khúc xạ tự động và thử kính chủ quan cho trẻ. Thông thường trẻ em là đối tượng có khả năng điều tiết tốt nên việc thử kính chủ quan có khả năng sai số rất cao. Vậy để có được số kính chính xác, tốt nhất nên đo khúc xạ khách quan và dùng một số thuốc làm liệt điều tiết và khi đó sẽ có kết quả chính xác”- TS.BS Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết.

Sau khi trẻ đã được kiểm tra thị lực, được bác sĩ kết luận mắc cận thị và kê đơn thì trẻ mới cần đeo kính. Việc lựa chọn kính sao cho đúng và phù hợp cũng là điều rất quan trọng. Kết quả một số cuộc khảo sát cho thấy nhiều trẻ mắc mới các tật khúc xạ nhưng chưa được chỉnh kính, đeo kính. Bên cạnh đó số trẻ đeo kính không đạt tiêu chuẩn như sai khoảng cách đồng tử, lệch tâm; sai công suất so với đơn kính; gọng kính quá rộng so với khuôn mặt cũng chiếm tỉ lệ khá cao.
“Việc quan trọng đầu tiên là phải cho trẻ đeo kính đúng số sẽ giúp trẻ nhìn rõ, thị lực sẽ đạt tốt đa 10/10. Nếu trẻ không đeo đúng kính thì thị lực bị ảnh hưởng và trẻ có thể bị nhược thị. Nếu gọng kính quá rộng hay kính bị lệch tâm sẽ khiến trẻ khó chịu, nhức mắt, nhức đầu, thậm chí có trẻ nhất quyết không chịu đeo kính. Do đó, cần lựa chọn mắt kính đúng số và gọng kính phù hợp với gương mặt của trẻ. Hiện nay, thị trường kính mắt rất phong phú, kính không được kiểm soát về chất lượng vẫn tràn lan. Do đó, các bậc cha mẹ nên lưu ý chọn mua kính tại những cửa hàng uy tín, chất lượng”- TS.BS Nguyễn Thị Thu Hiền đưa ra lời khuyên.
Cận thị ở trẻ em thường tiến triển tăng dần. Thông thường, các bác sĩ sẽ hẹn trẻ tái khám 6 tháng/ lần. Tuy nhiên, một thực tế cũng rất hay gặp là các bậc cha mẹ thường quên không đưa trẻ đi tái khám hoặc yên tâm là trẻ được đeo kính rồi thì cứ thế mà đeo trong thời gian dài.
Theo TS.BS Nguyễn Thị Thu Hiền, với trẻ bị cận thị từ 6 diop trở lên có nguy cơ cao dẫn đến biến chứng bong võng mạc. Do đó, các bậc cha mẹ nên cho trẻ đi khám mắt định kỳ để phát hiện sớm biến chứng ở đáy mắt. Trong quá trình sinh hoạt hàng ngày, trẻ mắc cận thị nặng nên tránh lao động quá sức, tránh các môn thể thao đối kháng, tránh các hoạt động có thể gây va đập vào mắt, gây tổn thương mắt và bong võng mạc.