Sau khi Thủ tướng Chính phủ đăng ký hiến tạng, danh sách hiến tạng tăng thêm 10 nghìn người
Mới đây, tại lễ phát động “Đăng ký hiến tặng mô, tạng - Cho đi là còn mãi”, vào ngày 19/5 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đăng ký hiến mô, tạng sau khi chết, chết não và kêu gọi người dân chung tay tình nguyện thực hiện nghĩa cử này nhằm cứu sống người bệnh. Đây là một sự kiện đặc biệt thể hiện sự quan tâm sâu sắc cũng như hành động cụ thể của người đứng đầu Chính phủ nhằm chuyển tải sâu rộng hơn ý nghĩa nhân đạo, nhân văn cao cả của việc hiến tặng mô, tạng cứu người.
Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, cho biết, sau lễ phát động “Đăng ký hiến tặng mô, tạng - Cho đi là còn mãi”, tính đến nay đã có thêm khoảng 10.000 người đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não.
“Chúng tôi còn nhớ cách đây hơn 10 năm, lúc Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia mới được thành lập thì chúng tôi kỳ vọng và mong ước sẽ có một ngày Thủ tướng Chính phủ trực tiếp ký vào đơn đăng ký hiến tặng mô tạng thì chắc chắn đó là một sự lan tỏa cũng như lời hiệu triệu tốt đẹp. Đó cũng là một chặng đường dài, chúng ta đã ghép tạng thành công cho rất nhiều trường hợp và đây là một hướng đi rất đúng. Gần 100.000 người đã đăng ký hiến tặng mô tạng - đó là việc làm vô cùng có ý nghĩa và giá trị, nó chạm vào trái tim của mỗi người dân Việt Nam.” – Ông Nguyễn Hoàng Phúc chia sẻ.
Ghép tạng là biện pháp cuối cùng để giành lại sự sống cho những bệnh nhân không còn lựa chọn điều trị nào khác. Đó là phép màu tuyệt vời mà những tấm lòng cao cả của những người không may mắn phải ra đi vì một lý do nào đó và sự nỗ lực của các y bác sĩ mang lại cho người bệnh.
Sau 32 năm kể từ khi thực hiện thành công ca ghép thận đầu tiên trên người, đến nay, ngành y tế nước ta đã làm chủ được kỹ thuật ghép các loại tạng, công nghệ, kỹ thuật ghép tạng được đánh giá ngang tầm với các nước có nền y học tiên tiến, phát triển trên thế giới. Hàng nghìn bệnh nhân suy tạng đã được cứu chữa, trở lại với cuộc sống bình thường.
Theo Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, hiện nay cả nước có gần 100.000 người đã đăng ký hiến mô tạng sau khi chết. Con số này cho thấy hiện nay nhiều người đã vượt qua được sự sợ hãi của cái chết, qua định kiến chết phải toàn thây để mở lòng hiến tạng cho những người bị suy tạng.
Cần làm gì để gia tăng số người đang ký hiến tạng?
Theo báo cáo của Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, tỉ lệ người đã đăng ký hiến mô tạng sau khi chết chỉ chiếm khoảng 1% dân số. Chỉ số người chết não hiến mô tạng tại Việt Nam là 0,15. So với nhiều quốc gia trên thế giới, số người đăng ký hiến tạng ở nước ta rất thấp.
Hiện nay số lượng các ca ghép tạng từ người cho sống vẫn chiếm tới hơn 94% (chủ yếu hiến thận và gan)... ngược lại hoàn toàn so với các nước phát triển, khi tỷ lệ các ca ghép tạng chủ yếu là từ người chết não, chết tim hiến tặng.
Theo tiến sĩ Nguyễn Hoàng Phúc, nguyên nhân đầu tiên là những thông tin về ý nghĩa tốt đẹp và nhân văn của việc hiến tạng chưa được truyền thông một cách thường xuyên và rộng rãi đến mọi người dân trong cộng đồng. Bên cạnh đó, nhiều người vẫn quan niệm chết phải toàn thây nên chưa sẵn sàng đăng ký hiến tạng cũng như chưa đồng ý với quyết định hiến tạng của người thân sau khi chết.
“Tôi nghĩ rằng, sau khi chết, nếu chúng ta để lại một phần cơ thể cứu sống nhiều người bệnh thì đó là một điều hết sức có ý nghĩa. Câu chuyện bé Hải An cho dù ra đi rồi vẫn còn đem lại ánh sáng cho những bệnh nhân mù lòa hay những câu chuyện về những người không may chết não vẫn mang lại sự sống cho nhiều bệnh nhân khác đã thắp lên ngọn lửa nhân ái và thực sự lay động cảm xúc của nhiều người. Do đó, nếu chúng ta thường xuyên chia sẻ, cập nhật những câu chuyện nhân ái như vậy thì chắc chắn mọi người sẽ thay đổi nhận thức. Chúng ta sẽ mở lòng với nhau hơn, những câu chuyện về hiến tạng sẽ không còn là vấn đề xa lạ mà từng bước chúng ta sẽ cùng tạo nên một dòng chảy văn hóa tận hiến trong mỗi người dân Việt Nam.” – TS Nguyễn Hoàng Phúc nói.
Cũng theo TS Nguyễn Hoàng Phúc, hiện nay, những điều kiện liên quan chẩn đoán chết não cũng có những điểm không còn phù hợp. Những năm qua, nhiều nước trên thế giới phát triển nhanh, tăng nguồn hiến mô tạng từ người chết tim. Tuy nhiên tại nước ta, Luật Hiến ghép mô tạng năm 2006 chỉ đề cập hiến mô tạng từ người chết não, chưa đề cập hiến mô tạng từ người chết tim.
Bộ Y tế đang phối hợp các cơ quan chức năng tiến hành sửa đổi Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác. TS Nguyễn Hoàng Phúc cho biết, về phía Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia đã tham gia nhiều hội thảo khoa học và có những ý kiến đóng góp để sửa đổi, bổ sung một số điều luật nhằm khắc phục những bất cập này.
“Chúng tôi đã đề xuất không nên giới hạn độ tuổi của người hiến tạng. Để hạn chế tình trạng mua bán tạng, đối với người hiến sống chúng ta cũng cần phải có những rào cản cao hơn. Ví dụ, nâng độ tuổi người hiến tạng sống có thể lên 30 tuổi, thậm chí là 35 tuổi. Bởi vị ở độ tuổi đó, người dân đã nhận thức tốt hơn, sâu sắc hơn về cuộc sống và như vậy hạn chế được việc trao đổi, mua bán tạng.” – TS Nguyễn Hoàng Phúc cho biết.
Đồng thời, các chuyên gia cũng đề xuất cần có những chế độ, quyền lợi cho người hiến tạng sau khi chết não như truy tặng kỷ niệm chương, ưu tiên ghép tạng cho người thân nếu như không may bị suy tạng, tặng thẻ bảo hiểm y tế suốt đời cho cha mẹ hoặc con cái của người hiến tạng.
Hiện nay, người hiến tạng đang được hưởng chế độ mai táng phí tương đương 10 tháng lương cơ sở. Song theo TS Nguyễn Hoàng Phúc, mức hỗ trợ mai táng phí cũng cần được tăng lên.
Thời gian qua, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia đã tổ chức các lớp đào tạo tư vấn viên và vận động hiến tặng mô tạng sau chết/chết não. Tuy nhiên, việc thiết lập được mạng lưới tư vấn viên được đào tạo bài bản, thống nhất, đồng bộ về chuyên môn và phối hợp nhịp nhàng với đơn vị cấp cứu trong bệnh viện cũng đang là vấn đề cần quan tâm.