Tại buổi đàm phán, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, từ tháng 8/2020, Việt Nam đã có thư ngỏ đề xuất mua vắc xin phòng COVID-19 của Nga, tuy nhiên vì điều kiện sản xuất nên chưa đảm bảo cung ứng cho các nước, trong đó có Việt Nam.

Từ đó đến nay Bộ Y tế đã liên tục chủ động đàm phán với phía Nga để có vắc xin sớm nhất phục vụ nhu cầu tiêm chủng của nhân dân. Đến hôm nay, phía Nga đã chính thức đồng ý cung ứng cho Việt Nam 20 triệu liều vắc xin trong năm 2021.

Bộ Y tế sẽ giao cho Công ty TNHH MTV Vắc xin và sinh phẩm số 1 Vabiotech hợp tác với phía Nga.

Đây là một kết quả tích cực cho quá trình đàm phán liên tục, không ngừng của Bộ Y tế để có vắc xin”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Cùng với vắc xin của Nga, Bộ Y tế đã nỗ lực đàm phán để tăng thêm nguồn cung ứng vắc xin, nhằm giúp Việt Nam đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021 đầu năm 2022.

Bên cạnh đó, để đảm bảo duy trì nguồn vắc xin trong những năm tiếp theo, Bộ Y tế Bộ Y tế đã yêu cầu các đơn vị của Bộ và các doanh nghiệp, tập đoàn tiếp tục trao đổi, hợp tác chặt chẽ với phía Nga trong chuyển giao công nghệ để có thể thiết lập nhà máy sản xuất vắc xin công suất lớn tại Việt Nam nhằm đảm bảo thị trường trong nước cũng như hướng đến xuất khẩu trong tương lai.

Thời gian qua, Công ty Vabiotech là đơn vị đầu tiên của Bộ Y tế đã hợp tác với phía Nga, dự kiến tháng 7 năm nay sẽ tiến hành đóng ống, gia công vắc xin phòng Covid-19 của Nga tại Việt Nam với công suất dự kiến 5 triệu liều/tháng. Đây là kết quả rất quan trọng để phía Nga có thể tiến hành chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin cho Việt Nam trong thời gian tới.


Trưa 2/6, Bộ Y tế công bố 36 đơn vị được cấp phép chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh phạm vi nhập khẩu, bảo quản vaccine, trong đó có vaccine Covid-19.


“Bộ Y tế sẽ cắt giảm tối đa thời gian xử lý thủ tục hành chính, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng vaccine, đảm bảo an toàn và chống việc giả mạo vaccine”. Bộ trưởng Long cho biết.


Bộ Y tế lưu ý khi làm thủ tục nhập khẩu vaccine vào Việt Nam, các đơn vị gửi hồ sơ chất lượng theo quy định, bao gồm: Giấy chứng nhận xuất xưởng của cơ sở sản xuất hoặc Giấy chứng nhận chất lượng của cơ quan quản lý. Viện Kiểm định quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế (NICVB) thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận xuất xưởng trong vòng 48 giờ theo khuyến cáo của WHO. Việc này nhằm bảo đảm chất lượng, tránh việc nhập khẩu vaccine không rõ nguồn gốc.