Hành trình của những bệnh nhân vượt lên số phận

Chị Vân Chi ở Hà Nội, một bệnh nhân từng trải qua cơn bạo bệnh nghiêm trọng, hiểu rõ hơn ai hết giá trị của phục hồi chức năng. Hơn hai năm trước, chị phải chống chọi với cơn cúm nặng và nhiễm khuẩn, dẫn đến hôn mê suốt 42 ngày và phải chạy ECMO tim phổi nhân tạo hơn 30 ngày tại khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai. Vượt qua cửa tử, sau khi xuất viện, chị đối mặt với thực tế rằng hành trình hồi phục vẫn còn rất gian nan.

“Ra viện không có nghĩa là cơ thể đã khỏe mạnh hoàn toàn. Hai năm sau điều trị, phổi của tôi vẫn chỉ đạt khoảng 70% chức năng so với người bình thường. Tôi cần tập luyện để cải thiện sức bền và phục hồi khả năng hô hấp”, chị Vân Chi chia sẻ.

Tại Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng Myrehab – Matsuoka, chị được các bác sỹ và kỹ thuật viên phục hồi chức năng lên phương án điều trị, hướng dẫn tập luyện phục hồi phổi, rung vỗ đờm và cải thiện những di chứng của quá trình điều trị kéo dài. Nhờ kiên trì luyện tập, sức khỏe của chị đã phục hồi gần 80% so với trước khi mắc bệnh.

Giúp bệnh nhân lấy lại niềm vui – Niềm vui của những người làm ngành hồi chức năng

Những tiến bộ của bệnh nhân như chị Vân Chi là nhờ vào sự tận tâm của các bác sĩ, kỹ thuật viên phục hồi chức năng. Anh Nguyễn Thái Thụy, một kỹ thuật viên phục hồi chức năng với hơn bảy năm kinh nghiệm, chia sẻ rằng công việc của anh không chỉ dừng lại ở đánh giá tình trạng bệnh nhân và xây dựng kế hoạch trị liệu, mà còn là nguồn động viên tinh thần cho họ.

“Nhìn thấy bệnh nhân tiến bộ từng ngày là động lực lớn nhất khiến tôi gắn bó với nghề. Tôi từng chứng kiến một bệnh nhân đột quỵ từ những ngày đầu mất tinh thần hoàn toàn, đến khi có thể tự đi lại và nở nụ cười hạnh phúc. Đó là khoảnh khắc tôi không bao giờ quên”, anh Thụy chia sẻ.

Thạc sỹ. Bác sĩ Vũ Thị Hằng, hiện làm việc tại Trung tâm Myrehab – Matsuoka, cũng nhấn mạnh rằng, bên cạnh chuyên môn, người làm phục hồi chức năng cần có sự đồng cảm, kiên nhẫn và nhiệt huyết. “Chỉ một lời động viên đúng lúc cũng có thể giúp bệnh nhân có thêm nghị lực để tiếp tục cố gắng” bởi thời gian bệnh nhân phục hồi không chỉ sau vài ngày hay vài tuần, mà có khi kéo dài đến hàng năm.

BS. Vũ Thị Hằng cho biết, Phục hồi chức năng đóng góp trong rất nhiều các chuyên ngành khác nhau, không chỉ là cơ xương khớp, không chỉ là đột quỵ mà nó còn lấn sang như tim mạch, hô hấp hay phục hồi chức năng sau ung thư hay thậm chí là phục hồi cả chức năng sau sinh.

Tương lai của ngành Phục hồi chức năng

Theo TS.BS CKII Trịnh Quang Dũng, nguyên Trưởng khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Nhi Trung ương, lĩnh vực này đang phát triển mạnh mẽ với nhiều chuyên ngành như vận động trị liệu, hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu, vật lý trị liệu, thủy trị liệu, điện trị liệu và dụng cụ chỉnh hình.

Phục hồi chức năng không chỉ dừng lại ở vấn đề là khắc phục các bệnh tật, khắc phục sau chấn thương, sau bệnh lý, sau tai biến, sau các hiểm họa mà nó còn liên quan đến chất lượng cuộc sống. “Nhìn một cách đầy đủ tổng thể, song hành cùng các tiến bộ của ngành Y tế thì ngành Phục hồi chức ngày càng trở nên quan trọng và đáp ứng tốt cho cuộc sống của mọi người”, BS Trịnh Quang Dũng chia sẻ.

Với nhu cầu ngày càng lớn do tốc độ già hóa dân số và số lượng người mắc bệnh mãn tính gia tăng, cơ hội việc làm trong lĩnh vực phục hồi chức năng cũng rất rộng mở. Các bác sĩ và kỹ thuật viên phục hồi chức năng có thể làm việc tại các bệnh viện công, cơ sở tư nhân hoặc mở trung tâm trị liệu riêng. Tuy nhiên, để gắn bó lâu dài với ngành này, người theo nghề cần có tình yêu thực sự với công việc, sự kiên trì và lòng tận tâm với bệnh nhân.

Phục hồi chức năng không chỉ giúp bệnh nhân lấy lại sức khỏe, mà còn trao cho họ cơ hội tiếp tục sống một cuộc đời trọn vẹn hơn. Đó là hành trình dài đầy thử thách, nhưng cũng tràn đầy ý nghĩa, nơi mà mỗi tiến bộ nhỏ bé đều mang đến niềm hy vọng lớn lao cho cả bệnh nhân và những người làm nghề.