80 người trong nhóm nguy cơ cao ở Hải Dương được tiêm vaccine Covid-19 an toàn, chưa xác nhận trường nào gặp phản ứng phụ sau tiêm.
Trong 80 người được tiêm ngừa vaccine Covid-19 đầu tiên của tỉnh Hải Dương vào sáng nay, có 50 trường hợp ở thành phố Hải Dương, 30 trường hợp ở huyện Kim Thành. Ông Trương Văn Thạo, Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Hải Dương, cho biết: các trường hợp được tiêm sáng nay đều an toàn, không gặp phản ứng phụ. Tuy nhiên, mọi người đều được hướng dẫn tiếp tục theo dõi tại nhà trong vòng 24 giờ.
Chị Đỗ Thị Nhài (nhân viên trạm y tế phường Tân Hưng) là người đầu tiên được tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại thành phố Hải Dương. Sau 15 phút tại phòng theo dõi sau tiêm, chị Nhài cảm thấy sức khỏe tốt, vết tiêm không đau, nhiệt độ cơ thể bình thường, nhịp tim ổn định. “Mình đang nôn nóng được tiêm mũi thứ 2” – chị Đỗ Thị Nhài vui vẻ nói.
Các trường hợp được tiêm ngừa vaccine Covid-19 đầu tiên đều nằm trong diện ưu tiện theo chỉ đạo của Chính phủ. Cụ thể, tại thành phố Hải Dương là các y bác sỹ khám và điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Hải Dương, Bệnh viện Đại học kỹ thuật y tế Hải Dương và những nhân viên y tế cơ sở trực tiếp tham gia lấy mẫu bệnh phẩm tại cộng đồng. Họ đều cảm thấy vui mừng, phấn khởi và hy vọng đây sẽ là giải pháp giúp người dân Hải Dương sớm đẩy lùi dịch bệnh.
“Là điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân Covied-19 ở BV dã chiến 2, hàng ngày tiêm truyền, phục vụ bệnh nhân, đưa cơm cho bệnh nhân, di chuyển bệnh nhân từ khu dương tính sang âm tính, được tiêm vaccine Covid-19 khiến tôi cảm thấy yên tâm” chị Phạm Thị Nhẹ - điều dưỡng viên của BV Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương chia sẻ.
Sau khi dịch bệnh bùng phát ở thành phố Hải Dương, Bệnh viện Đại học kỹ thuật y tế Hải Dương trở thành Bệnh viện dã chiến số 2. Toàn bộ lực lượng y bác sỹ của Bệnh viện được huy động tham gia vào công tác chống dịch. Và hôm nay, anh Lưu Quang Kỳ - nhân viên xét nghiệm - cảm thấy may mắn khi là một trong số những nhân viên y tế đầu tiên được tiêm vaccine ngừa Covid-19.
Trong đợt 1 này, Hải Dương được phân bổ 33.000 liều vaccine ngừa Covid-19. Ngay sau buổi tiêm đầu tiên này, các đơn vị sẽ họp rút kinh nghiệm để nhanh chóng triển khai hết số lượng vaccine được phân bổ ngay trong tuần này.
Với một loại vaccine mới như Covid-19, thành phố Hải Dương đã xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể và tuyên truyền sâu rộng để nhân dân hiểu và tích cực tham gia tiêm phòng. “Hiện thành phố đã lập danh sách những nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm theo đúng chỉ đạo của Chính phủ để khi có vaccine là sẵn sàng triển khai”, bà Đặng Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Dương khẳng định.
Có mặt kiểm tra công tác tiêm phòng vaccine Covid-19, thứ trưởng Bộ Y tế Đặng Xuân Tuyên nhấn mạnh: việc triển khai tiêm phòng vaccine Covid-19 trong bối cảnh dịch bệnh nên quy trình tiêm cần phải hết sức chú ý, đảm bảo an toàn, thực hiện đúng quy trình một chiều, theo dõi sát sao và lên phương án xử lính tình huống đột xuất.
Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh: Ngày đặc biệt với 900 cán bộ nhân viên y tế
Tại khu vực phía Nam, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM là đơn vị được ưu tiên tiêm vaccine đầu tiên với 900 nhân viên y tế được tiêm. Dự kiến trong một tuần sẽ hoàn thành việc tiêm vắc xin Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM.
9h30 sáng nay, sau khi hoàn tất khâu kiểm tra, rà soát y tế, các nhân viên y tế là nữ giới được tiêm vaccine đầu tiên. Lãnh đạo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM cho biết lượng vắc xin đã được Công ty Cổ phần Vacxin Việt Nam (VNVC) bàn giao, được bảo quản trong kho lạnh theo đúng tiêu chuẩn. Việc tiêm chủng được theo dõi chặt chẽ, để kiểm soát những tác dụng phụ và những biểu hiện bất thường sau khi tiêm. Bác sỹ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM cho biết anh rất hạnh phúc là một trong những người được tiêm vaccine đầu tiên ở phía Nam.
Có mặt giám sát hoạt động tiêm chủng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng, đây được coi là bước ngoặt quan trọng trong trận chiến chống đại dịch Covid-19 khi Việt Nam đã có một trong những vũ khí chống dịch đặc hiệu.
Trong lô vaccine Covid-19 với 117.600 liều đầu tiên về Việt Nam, Bộ Y tế cấp cho Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM 900 liều, Bệnh viện dã chiến Củ Chi 150 liều, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) 8.000 ngàn liều và sẽ triển khai phương án tiêm trong những ngày tới
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW: 100 cán bộ nhân viên y tế tuyến đầu được tiêm vaccine phòng Covid-19
Cũng trong sáng nay, những liều vaccine ngừa Covid đầu tiên đã được tiêm cho 100 cán bộ, bác sĩ nhân viên y tế BV Bệnh Nhiệt đới TW-đơn vị tuyến đầu trong công cuộc phòng chống dịch Covid-19 ở nước ta trong 3 giai đoạn dịch vừa qua.
7h30’ sáng, xe vận chuyển vaccine từ kho bảo quản tại quận Đống Đa đã có mặt tại BV Bệnh nhiệt đới TW cơ sở 2. PGS.TS Nguyễn Văn Thạch – GĐ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW cho biết, trước đó, bệnh viện đã chuẩn bị đầy đủ kho lưu trữ với các tủ lạnh âm sâu, đảm bảo đúng nhiệt độ bảo quản vắc xin. Quy trình tiêm được thực hiện theo quy định của Bộ Y tế, sàng lọc và kiểm tra sức khỏe kỹ lưỡng cho những cán bộ, nhân viên y tế tiêm trong đợt đầu.
Để việc triển khai tiêm vắc xin diễn ra an toàn và đạt hiệu quả cao, bệnh viện đã bố trí 3 bàn tiêm cùng đầy đủ các phương tiện kỹ thuật cần thiết để theo dõi, xử trí các sự cố sau tiêm (nếu có). Bệnh viện cũng tổ chức tiêm theo từng nhóm nhỏ nhằm đảm bảo giãn cách và các quy định phòng chống dịch Covid-19.
8h30’ mũi vaccine đầu tiên đã được tiêm cho cán bộ y tế tại BV - những người trực tiếp tiếp nhận, chăm sóc, điều trị hoặc tiếp xúc với các nguy cơ lây nhiễm tại các khoa: Cấp cứu, Hồi sức tích cực, nội tổng hợp, virus ký sinh trùng, khoa khám bệnh, khoa Nhi, nhiễm khuẩn tổng hợp, viêm gan, dược, chẩn đoán hình ảnh, vi sinh và sinh học phân tử, huyết học truyền máu, gây mê.
Đối với 100 y bác sĩ, nhân viên y tế được tiêm trong đợt này đây là một điều rất vui mừng, là động lực để họ tiếp tục nỗ lực trong cuộc chiến phòng và điều trị cho bệnh nhân Covid – 19 ở nước ta. BS Đặng Hồng Hải – Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, một trong những bác sĩ đầu tiên được tiêm cho biết anh rất yên tâm và tự tin về độ an toàn cũng như hiệu quả bảo vệ trước virus SARS-CoV-2 của vaccin phòng Covid-19.
PGS.TS Nguyễn Văn Kính – thành viên Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống Covid-19 cho biết, cuộc tiêm chủng này rất đặc biệt, là sự kiện mở màn cho chiến dịch tiêm chủng vaccin phòng Covid-19 lớn nhất từ trước đến nay với hơn 100 triệu mũi tiêm được thực hiện trên toàn quốc. Đây là sự đầu tư rất lớn của Chính phủ để phòng, chống dịch hiệu quả, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân.
Trực tiếp chỉ đạo và kiểm tra công tác tiêm chủng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW, PGS.TS Trần Văn Thuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế sẽ đảm bảo chuyển vaccine về các tỉnh, thành. Các địa phương tiếp nhận theo quy trình, sau đó triển khai tiêm theo kế hoạch. Bộ Y tế sẽ hỗ trợ trong trường hợp cần thiết, đánh giá và theo dõi quá trình trước, trong và sau tiêm vaccine.“Với những mũi tiêm chủng cho các thầy thuốc của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư hôm nay, chúng tôi hy vọng rằng tập thể thầy thuốc của Bệnh viện sẽ thêm vững tâm để cống hiến trí lực và tâm huyết cho cuộc chiến chống COVID-19” - TS Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.
TS Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho biết, vaccine Astrazeneca phòng COVID-19 sử dụng tiêm hôm nay tại Việt Nam đã được cấp phép và sản xuất tại Hàn Quốc. Vaccine này đã qua quá trình nghiên cứu và thử nghiệm rất khắt khe, đảm bảo an toàn để triển khai tiêm trong chiến dịch này. Ông Kidong Park cũng hoan nghênh kế hoạch cung ứng vaccine ở Việt Nam, ưu tiên cho cán bộ y tế tuyến đầu chống dịch và những khu vực có nguy cơ cao.
" Tôi cũng lưu ý 2 vấn đề khi thực hiện tiêm vắc xin đối với Việt Nam cụ thể:Thứ nhất: Hiện nay, nguồn cung ứng vắc xin Covid-19 trên thế giới chưa đủ đáp ứng. Vì vậy, việc tiêm vắc xin nên thực hiện cho các đối tượng ưu tiên (cán bộ tuyến đầu chống dịch).
Thứ hai: Dù vắc xin AstrZeneca đã được thử nghiệm và an toàn. Tuy nhiên, lần đầu tiên trong dịch sử một loại vắc xin được tiêm chỉ sau 1 năm. Vì vậy cần phải có sự theo dõi phản ứng sau tiêm vắc xin trong 48 giờ, đảm bảo theo dõi để đánh giá vắc xin có an toàn hay không". Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh.
Theo bà Bà Rana Flowers - Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam - UNICEF đã và đang cố gắng đàm phán với các nhà sản xuất để có vaccin cung cấp cho các nước nghèo theo cơ chế COVAX. Trong tháng 3 sẽ có 1,2 triệu liều vaccin phòng Covid-19 theo cơ chế này về Việt Nam. Tháng 4 nước ta sẽ được phân phối thêm 2,8 triệu liều nữa.