Hôm nay đã là ngày thứ 9, Tú cậu bé 7 tuổi, quê Ninh Bình phải điều trị tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ thuộc Viện Sốt rét, Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương. Mẹ Tú – chị Nguyễn Thị Thêu cho biết: khi có chỉ định nhập viện, chị khá bất ngờ: "con cứ sốt, ngứa ở 2 bắp chân, em cũng chưa bao giờ nghĩ là có cái bệnh này. Nhà có nuôi một con chó, cháu ôm ấp, chơi với nó suốt ngày, nằm ngủ cùng".

Tú gầy, thể trạng ốm yếu, thường hay sốt, những lần như thế, mẹ chỉ cho Tú uống thuốc hạ sốt. Những ngày sát Tết, Tú sốt cao và kéo dài, nhưng chần chừ mãi đến rằm tháng Giêng, gia đình mới cho Tú đi khám và làm xét nghiệm. Các bác sĩ ở tỉnh Ninh Bình khuyến cáo, nên chuyển em về đây để khám chuyên sâu. Tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ thuốc Viện sốt rét, ký sinh trùng và côn trùng Trung ương, sau khi làm các xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán cháu nhiễm ấu trùng giun đũa chó.

"Cháu bị nhiễm ấu trùng giun đũa trong máu, khám phát hiện ra bệnh thì em mới nghĩ đến đứa thứ hai ở nhà, con bé con cũng bị ngứa suốt, chắc mấy hôm nữa về em cũng phải cho cháu đi khám", chị Nguyễn Thị Thêu kể.

Nhiều năm liền, bà Lê Thị Kim Anh xuất hiện tình trạng da mẩn ngứa, thường xuyên buồn nôn chóng mặt, đi khám nhiều nơi nhưng không khỏi. Cách đây 5 tháng sau khi được xét nghiệm máu, bà được chẩn đoán cơ thể có ấu trùng giun đũa chó mèo. Bà chưa bao giờ nghĩ những vật nuôi trong nhà lại có thể lây bệnh cho người.

"Da cảm giác như bị xát ớt vào da, có lúc mắt nhức kinh khủng, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn", bà Lê Thị Kim Anh mô tả triệu chứng

BS Tạ Huy Hải, Khoa Điều trị, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ cho biết: không phải ai nhiễm ấu trùng chó mèo cũng được chẩn đoán chính xác, mà bị chẩn đoán nhầm, điều trị nhầm kéo dài nhiều năm khiến bệnh tình chuyển biến nặng: "đa phần mọi người nghĩ là các bệnh liên quan đến da liễu vì chẳng ai nghĩ là nhiễm từ chó mèo".

Nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo là tình trạng phổ biến nếu người nuôi không có cách vệ sinh phòng bệnh đúng cách. Bệnh không chỉ dừng lại ở các biểu hiện ngứa, nổi mề đay mà còn có thể ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng như gan, thận, tim, thậm chí gây tổn thương hệ thần kinh - theo PGS.TS Đỗ Trung Dũng – Trưởng khoa Ký sinh trùng- Viện Sốt rét và Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương.

Tại sao chúng ta lại nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo?

Khi chó mèo nhiễm các loại giun đũa trong cơ thể. Trứng theo phân chó mèo ra ngoài môi trường và sau 1 - 2 tuần lễ, các trứng này sẽ hoá phôi - giai đoạn có thể gây bệnh cho người nếu nuốt phải trứng. Tiếp theo, các ấu trùng giun đi xuyên qua thành ruột và theo đường máu di chuyển đến gan, phổi, hệ thần kinh trung ương - nơi các ấu trùng có thể sống sót trong cơ thể người trong nhiều tháng.

Ấu trùng giun đũa chó mèo khi đi vào cơ thể con người, dù không phát triển thành con trưởng thành, nhưng ấu trùng này lại đi khắp cơ thể chúng ta. Ấu trùng giun đũa chó mèo có thể ở ngoài da, ở trong gan, trong tim, phổi và lên não. Tại mỗi vị trí khác nhau sẽ có những biểu hiện, triệu chứng khác nhau.

"Chúng tôi đã gặp những bệnh nhân có tổn thương gan do ấu trùng giún đũa chó mèo ký sinh ở trong gan. Ấu trùng giun đũa có thể kết thành những cái nang ở trong tim,. Đặc biệt khi ấu trùng ký sinh ở trong não thì có biểu hiện đau đầu kéo dài bệnh nhân có thể bị co giật, động kinh, có thể bị liệt. Và khi ký sinh trong tim thì có biểu hiện của tim mạch rất là phức tạp" - PGS.TS Đỗ Trung Dũng cho biết.

Được biết, hằng ngày có hàng trăm bệnh nhân đến khám bệnh ấu trùng giun đũa chó mèo tại Bệnh viên Đặng Văn Ngữ thuộc Viện sốt rét ký sinh trùng, côn trùng Trung ương. Với ấu trùng giun đũa chó mèo hiện nay, chúng ta không gặp nhiều khó khăn trong chẩn đoán bệnh. Tuy nhiên quá trình điều trị bệnh thường kéo dài, và do những ảnh hưởng của thuốc điều trị lên chức năng gan, chức năng thận nên bệnh nhân buộc phải có sự theo dõi của các bác sĩ.

Để phòng nguy cơ nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo, PGS.TS Đỗ Trung Dũng – Trưởng khoa Ký sinh trùng- Viện Sốt rét và Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương khuyến cáo, những gia đình nuôi chó mèo phải vệ sinh, tắm rửa cho chó mèo thường xuyên. Thứ 2 là phải tẩy giun sán cho chó mèo định kỳ, 3-6 tháng/1 lần. Thứ 3 là phải giữ vệ sinh phân chó mèo, không để phát tán ra môi trường bởi vì trong phân chó mèo có rất nhiều trứng của giun đũa chó mèo, vô tình phát tán ra ngoài môi trường, chúng ta sẽ vô tình nhiễm phải trong quá trình sinh hoạt.