Hình thành thói quen kiểm tra hạn sử dụng của thuốc trước khi mua

“Em mua loại cơ bản, thuốc hạ sốt, cảm cúm, cảm xuyên hương, dầu, nước điện giải, thuốc nhỏ mắt, thuốc nhỏ mũi, Berberin, Bixepton cho đường ruột đều có đủ trong tủ thuốc. Lo ngại dịch Covid-19, nghe mọi người mách, tôi mua thêm thuốc của Nga, hằng ngày ngậm để dự phòng nhiễm virus” - chị Nguyễn Thùy Linh ở phố Trần Duy Hưng, Hà Nội và là chủ nhân của tủ thuốc này cho biết, trong nhà dự trữ nhiều loại thuốc là vậy nhưng chẳng mấy khi dùng đến. Thỉnh thoảng, chị Linh dọn tủ lại bỏ đi khá nhiều thuốc đã hết hạn sử dụng. Nhưng điều đáng nói, có những loại thuốc chị chỉ mới mua cách đó không lâu thì nay đã hết hạn sử dụng.

Trong khi người dân đang loay hoay với việc mua thuốc tích trữ trong nhà đề phòng ốm đau trong đại dịch Covid-19 thì thông tin về việc có một số cơ sở kinh doanh thuốc trên thị trường đã “tẩy date” và thay đổi hạn dùng của thuốc đã dấy lên lo lắng trong dư luận xã hội. Cho dù ngay sau đó, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã xử lý nghiêm một số trường hợp vi phạm nhưng có ai bảo đảm liệu không còn cơ sở làm trái pháp luật hay không? Vì vậy, việc nhận diện thuốc “tẩy date” phụ thuộc chính vào người đi mua.

PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương – Nguyên trưởng Khoa Dược lâm sàng - Đại học Dược Hà Nội cho rằng, chính thói quen không thường xuyên kiểm tra hạn sử dụng của thuốc trước khi mua nên người tiêu dùng đã tạo điều kiện cho cơ sở kinh doanh thuốc dễ dàng “tẩy xóa date” mà không bị phát hiện. “Khi hạn sử dụng in trực tiếp trên tất cả các nhãn thì nó rất sắc nét, rõ ràng và tất cả hành vi tẩy xóa về cơ bản sẽ để lại dấu vết. Mình không đề nghị kiểm tra hạn dùng nên tạo cơ hội cho những vỏ thuốc bị tẩy xóa, sửa chữa mà vẫn có thể lưu hành những viên thuốc hết hạn đính tem bán cho người tiêu dùng”.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, người tiêu dùng nên hiểu đúng về hạn sử dụng của thuốc. Ngày hết hạn sẽ là ngày cuối cùng mà nhà sản xuất bảo đảm đầy đủ hiệu lực và độ an toàn của thuốc. Chính vì vậy, về tính pháp lý, các nhà sản xuất chỉ bảo đảm chất lượng thuốc còn trong hạn sử dụng. Để không mua phải thuốc bị “tẩy date” hoặc quá hạn sử dụng, người dân nên có thói quen kiểm tra hạn dùng của thuốc trước khi mua.

“Theo quy định của luật pháp Việt Nam, hạn sử dụng sẽ được in trực tiếp trên tất cả các nhãn, bao gồm cả nhãn ngoài, nhãn trung gian và nhãn trực tiếp. Nếu mua nguyên một hộp thuốc, hạn dùng sẽ được in trên vỏ hộp. Còn trong trường hợp người tiêu dùng chỉ mua viên lẻ hay cắt rời vỉ thì yêu cầu người bán thuốc chỉ cho mình hạn sử dụng trên lọ gốc hoặc trên vỉ thuốc gốc. Vì hạn dùng in trực tiếp trên vỉ thuốc nên tất cả hành vi tẩy xóa về cơ bản thì mình có thể nhận diện được nhưng quan trọng là phải hình thành thói quen kiểm tra hạn dùng của thuốc trước khi sử dụng"– PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương cho biết.

Tuyệt đối không sử dụng thuốc đã hết hạn sử dụng

Người dân không nên tiếc mà uống thuốc đã hết hạn bởi vì theo giải thích của PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, khi thuốc quá hạn sử dụng có nghĩa là không còn đảm bảo tính ổn định và khi đó thì sẽ có nguy cơ hoạt chất bị phân hủy dẫn đến phần còn lại không đủ hàm lượng, không bảo đảm hiệu quả đồng thời hoạt chất có nguy cơ bị phân hủy, tạo ra các sản phẩm độc hại cho sức khỏe nghĩa là không an toàn. Rất nguy hiểm là quan sát bên ngoài, người dân sẽ không phát hiện ra tình trạng biến chất của thuốc hết hạn bởi vì không phải lúc nào thuốc hết hạn cũng có tình trạng biến màu hay biến mùi khi bị phân hủy nên khi cầm viên thuốc lên thì việc đầu tiên, người tiêu dùng kiểm tra hạn sử dụng và dùng thuốc còn trong hạn.

Không nên tự ý tích trữ thuốc điều trị Covid-19 trong nhà

Việc tích trữ thuốc điều trị Covid-19 trong nhà đã và đang trở thành tâm lý phổ biến trong một bộ phận nhân dân. PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương khuyến cáo, tâm lý này có thể gây ra tác dụng ngược lại bởi mỗi bệnh nhân F0 sẽ có tình trạng bệnh khác nhau, do đó cũng có phác đồ điều trị khác nhau. “Trong những gói F0 điều trị tại nhà thì bệnh nhân có thể thấy trên các phương tiện truyền thông của Bộ Y tế có gói này gói khác, trong đó có thuốc chống đông, thuốc corticoid và thuốc kháng virus. Những thuốc đó đều phải dùng theo đơn và có sự giám sát của cán bộ y tế, còn nếu tùy tiện sử dụng thì những thuốc đấy lợi bất cập hại, con dao hai lưỡi nhiều khi tác dụng phụ còn nhiều hơn tác dụng chính và những thuốc như là thuốc chống đông dùng sai thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng”.

Vì vậy, người dân chỉ nên dự trữ các loại thuốc mang tính chất dự phòng, điều trị đơn giản như nước muối sinh lý dùng để súc họng, nước sát khuẩn tay, vitamin khoáng chất, thuốc giảm sốt, giảm ho. Tuy nhiên, đã là thuốc thì tuân thủ hướng dẫn của nhân viên y tế cũng như đọc hướng dẫn cẩn thận trong tờ thông tin đi kèm. Những thuốc đơn giản như thuốc hạ sốt thôi nhưng cũng phải đảm bảo liều lượng. “Uống thuốc hạ sốt quá nhiều hay quá dày, uống mà thân nhiệt không hạ lắm nhưng chưa đủ giãn cách đã uống tiếp sẽ dẫn đến quá liều, có thể gây ra những tác dụng phụ nguy hiểm” – PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương khuyến cáo.

Bảo quản thuốc theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất

Vấn đề bảo quản thuốc rất quan trọng. Thuốc chỉ giữ được sự ổn định trong hạn dùng với điều kiện được bảo quản đúng cách. Còn thuốc bảo quản không đúng cách thì ngay cả khi còn hạn dùng thì có thể thuốc đã bị hỏng rồi.

Khi thấy trên vỏ thuốc ghi là bảo quản ở nơi thoáng mát nhiệt độ phòng thì chỉ cần để nơi không quá nóng hay quá ẩm. Hiện nay, người dân có một số thói quen không tốt như là bỏ thuốc vào túi rồi lại bỏ vào trong cốp xe, mang đi làm. Như vậy, cả thời gian di chuyển, nhiệt độ trong cốp xe nóng lên sẽ làm hỏng thuốc kể cả khi thuốc vẫn còn hạn sử dụng.

Một số thuốc đặc biệt hơn yêu cầu bảo quản ở nhiệt độ 2-8°C thì khi mua về, người tiêu dùng nên bảo quản ở trong ngăn mát tủ lạnh.

Trong tờ hướng dẫn sử dụng thuốc bao giờ, nhà sản xuất cũng ghi nhiệt độ bảo quản thì người tiêu dùng nên tuân thủ để đảm bảo chất lượng trong thời hạn sử dụng của thuốc.