Phát hiện sớm – Mở ra cơ hội sống khỏe
Theo Ths.BS Trương Thị Kiều Oanh – Phó Trưởng khoa Khám bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội – ung thư vú là loại ung thư phổ biến nhất ở nữ giới. Tuy nhiên, hiện nay nhờ việc nâng cao nhận thức, tầm soát định kỳ và cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ y tế, ngày càng nhiều bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn sớm tức là khi khối u còn nhỏ, chưa di căn hạch hoặc di căn tối thiểu.
“Ở giai đoạn I, tỷ lệ sống không tái phát sau 5 năm có thể lên đến trên 90%. Nhìn chung, tỷ lệ này dao động từ 70% đến 90% tùy theo phân nhóm bệnh” BS Kiều Oanh chia sẻ.
Trước đây, điều trị ung thư vú giai đoạn sớm chủ yếu dựa trên 4 trụ cột: phẫu thuật, hóa chất, xạ trị và nội tiết. Nhưng ngày nay, nhờ vào sự phát triển của sinh học phân tử và công nghệ gen, đã xuất hiện thêm nhiều phương pháp hiện đại như:
- Thuốc nhắm trúng đích (targeted therapy): Tác động trực tiếp vào các phân tử đặc hiệu của tế bào ung thư như HER2.
- Thuốc miễn dịch (immunotherapy): Tăng cường khả năng nhận diện và tiêu diệt tế bào ung thư của hệ miễn dịch, áp dụng trong nhóm ung thư bộ ba âm tính.
- Thuốc ADC (Antibody-Drug Conjugates): Là phức hợp giữa kháng thể đơn dòng và hóa chất, giúp đưa thuốc đến đúng tế bào ung thư mà ít ảnh hưởng đến tế bào lành.
- Đặc biệt, nhóm thuốc ức chế CDK4/6, ức chế PARP đang mang lại hiệu quả đáng kể trong điều trị bổ trợ, nhất là với các bệnh nhân có nguy cơ tái phát cao hoặc mang đột biến gen BRCA.
Ngoài ra, cách tiếp cận điều trị cũng có nhiều thay đổi: nếu trước đây hầu hết bệnh nhân được phẫu thuật trước, thì hiện nay nhiều trường hợp được hóa trị trước để thu nhỏ khối u, tạo điều kiện cho phẫu thuật bảo tồn tuyến vú.
Xét nghiệm gen – Công cụ hỗ trợ ra quyết định điều trị
Một điểm mới đáng chú ý là xét nghiệm gen giúp phân loại chính xác hơn nguy cơ tái phát, từ đó hỗ trợ bác sĩ cân nhắc việc có nên sử dụng hóa trị hay không – đặc biệt trong nhóm bệnh nhân ung thư vú thể nội tiết dương tính (ER+, PR+), HER2 âm tính.
“Không phải ai cũng cần làm xét nghiệm này. Theo khuyến cáo hiện hành, xét nghiệm gen nên áp dụng cho những bệnh nhân đã mãn kinh, ung thư vú thể nội tiết dương tính, HER2 âm tính, không di căn hạch vùng hoặc chỉ di căn tối đa 1-3 hạch” BS Oanh cho biết. Tuy nhiên, tại Việt Nam, do chi phí còn cao nên xét nghiệm này chưa được triển khai rộng rãi.
Cá thể hóa điều trị – mỗi người một phác đồ riêng
Điều trị ung thư vú không còn áp dụng cùng một công thức cho tất cả bệnh nhân. Việc “cá thể hóa điều trị” – tức lựa chọn phác đồ theo từng đặc điểm riêng của từng người – đang là xu hướng quan trọng.
Bác sĩ sẽ dựa trên: giai đoạn bệnh, kích thước khối u, mức độ di căn hạch, tuổi tác, tình trạng mãn kinh, bệnh lý đi kèm và đặc điểm sinh học của khối u (hệ thống thụ thể nội tiết, chỉ số Ki-67, nhóm phân tử...) để đưa ra quyết định phù hợp.
“Cùng là ung thư vú giai đoạn sớm nhưng người có HER2 dương tính, người có bộ ba âm tính hay nội tiết dương tính sẽ có hướng điều trị khác nhau, loại thuốc khác nhau” BS Kiều Oanh giải thích.
Phẫu thuật thẩm mỹ và tâm lý bệnh nhân – hai điều không thể tách rời
Một trong những nỗi lo lớn nhất của bệnh nhân ung thư vú là khả năng phải cắt toàn bộ tuyến vú, ảnh hưởng lớn đến ngoại hình và tâm lý. Tuy nhiên, nhờ kỹ thuật mổ tiên tiến, hiện nay nhiều bệnh nhân có thể: Phẫu thuật bảo tồn tuyến vú (chỉ cắt phần có u); Phẫu thuật tái tạo tuyến vú sau khi cắt toàn bộ
Bên cạnh đó, kỹ thuật sinh thiết hạch cửa cũng giúp hạn chế việc nạo vét hạch nách, giảm biến chứng sau mổ.
Để phát hiện ung thư vú ở giai đoạn sớm, phụ nữ cần chủ động tự khám vú mỗi tháng. Ngoài ra, nên thực hiện khám lâm sàng, siêu âm hoặc chụp X-quang vú định kỳ, đặc biệt từ sau tuổi 40. Những người có nguy cơ cao (tiền sử gia đình có người mắc ung thư vú, mang gen BRCA...) có thể tầm soát sớm hơn, từ sau 30 tuổi.
Ung thư vú giai đoạn sớm hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng hướng. Quan trọng nhất là chị em không chủ quan, cần thường xuyên lắng nghe cơ thể, duy trì kiểm tra sức khỏe định kỳ và tinh thần lạc quan nếu chẳng may mắc bệnh.