Thay vì nghỉ ngơi, nhiều trí thức cao tuổi vẫn miệt mài làm việc, góp phần thúc đẩy sự phát triển của xã hội.

Nghe bài viết dưới đây:

PGS.TS Lê Xuân Cảnh, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, về hưu đã nhiều năm nay. Tuy nhiên nhắc đến tên ông, những trí thức trong lĩnh vực này đều biết đến. PGS.TS Lê Xuân Cảnh là một trong những nhà khoa học tiêu biểu về sinh thái học và bảo tồn đa dạng sinh học. Tên tuổi của ông gắn liền với hàng trăm công trình nghiên cứu về hệ sinh thái rừng, động thực vật quý hiếm.

Trăn trở với sự phát triển của đất nước nên dù tuổi cao, ông vẫn miệt mài nghiên cứu với mong muốn không chỉ bảo tồn sự đa dạng sinh học mà còn phát huy được tiềm năng, lợi thế của từng địa phương.

Những năm qua, ông luôn quan tâm đến việc đào tạo thế hệ trẻ. Nhiều học trò hiện đang là cán bộ nòng cốt của các chương trình nghiên cứu quốc gia, giảng viên các trường đại học lớn như Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Lâm nghiệp, hoặc đại diện của Việt Nam trong các tổ chức quốc tế về bảo tồn.

Ngoài ra, PGS.TS Lê Xuân Cảnh còn tham gia các hội đồng khoa học, là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam. Thời gian rảnh, ông lại viết sách, tham gia các sự kiện nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc bảo tồn đa dạng sinh học. “Tôi cho rằng việc nâng cao nhận thức của người dân, thậm chí là các nhà quản lý về đa dạng sinh học là rất quan trọng, vì họ là người sống cùng và trực tiếp bảo vệ sự đa dạng sinh học”, PGS.TS Lê Xuân Cảnh chia sẻ.

Cứ như vậy, thay vì ngơi nghỉ ngơi, PGS.TS Lê Xuân Cảnh vẫn miệt mài làm việc và không ngừng nghiên cứu, tất cả đều với tinh thần “phụng sự tự nhiên như phụng sự tổ quốc”.

Ở tuổi U80, kỹ sư Hà Trọng Dũng, ở phố Hàng Đậu, Hà Nội cũng vẫn miệt mài với những sáng chế hữu ích cho cộng đồng. Có thể kể đến là sản phẩm “tay nắm trị liệu”.

Năm 2015 - khi bước sang tuổi 70, ông gặp một biến cố về sức khỏe, trái tim bị tổn thương khiến ông đi lại khó khăn.

Vốn bị chứng đau mỏi tay chân, trong thời gian này, ông đã tìm tòi, nghiên cứu và cho ra đời sản phẩm tay nắm trị liệu nhằm cải thiện tình trạng bệnh. “Một hôm tôi đi dạo ở phố Hàng Đậu, tôi nhìn thấy một đoạn ống cao su xốp, màu đen ai đó vứt đi. Tôi nhặt lên, cầm bóp thử và với tư duy khoa học, tôi nghĩ đây là cái ta cần hay sao? Tôi mang về rửa sạch, cắt làm bốn đoạn và bắt đầu nghiên cứu và sử dụng. Đến cuối năm 2017, tôi cảm nhận rõ sự thay đổi tích cực trong cơ thể nhờ sử dụng những đoạn ống này”, ông Dũng kể.

Ông Dũng từng nghiên cứu và sản xuất các loại đồ chơi cho trẻ em. Ngoài ra, ông còn từng làm phiên dịch viên y tế tại bệnh viện Badush tại Iraq, làm việc với các bác sĩ trong việc chăm sóc bệnh nhân. Đây là nền tảng giúp ông sáng chế ra sản phẩm tay nắm trị liệu. Sau nhiều lần cải tiến, năm 2023, ông hoàn thiện phiên bản cuối cùng.

Ông Dũng chia sẻ, sản phẩm đã được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp. Tuy nhiên, ông sẽ vẫn không ngừng nghiên cứu, cải tiến để sản phẩm ngày càng trở nên hoàn hiện và hữu ích trong việc chăm sóc sức khỏe. “Tôi muốn sản phẩm hoàn thiện hơn để góp phần thay đổi nhịp sống của con người chứ không phải để kinh doanh”, ông Dũng chia sẻ.

Thực tế cho thấy, không chỉ riêng PGS.TS Lê Xuân Cảnh hay kỹ sư Hà Trọng Dũng mà rất nhiều trí thức, dù đã nghỉ hưu nhưng không nghỉ việc. Bằng kiến thức, kinh nghiệm, những tri thức cao tuổi vẫn miệt mài lao động, sáng tạo để cống hiến cho đời.