Theo lời kể của chị Nguyễn Thị Thanh, mẹ bé Lê Lan Anh ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội, bé Lan Anh bị ngã vào một hàng sắt bên đường. Một thanh sắt đâm trúng 1 ngón tay trái đeo nhẫn, do quá hoảng sợ, bé cố gắng giằng tay nhưng càng cố giằng thì vô tình cái nhẫn lại càng kéo tụt toàn bộ phần thịt và gân tay:
“Chiều hôm đó 2 chị em đi xe đạp tập thể dục thì chẳng may bị ngã xuống, vướng vào thanh sắt, thanh sắt chọc vào ngón tay của cháu, ngón tay của cháu lại đeo nhẫn, cháu muốn giằng ra để đi về thì tụt hết cả thịt, cả gân, còn mỗi xương không. 2 vợ chồng cuống quá thì cho ra phòng khám gần nhà sơ cứu rồi đưa xuống BV Đa khoa Xanh Pôn” – Chị Thanh kể lại.
Ths.BS nội trú Đỗ Quang Hưng – Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, BV Đa khoa Xanh Pôn cho biết: Trường hợp bị đứt rời ngón tay như bé Lan Anh khác với tổn thương do dao, vật sắc nhọn cắt vào. Đây là tổn thương đặc trưng của lột găng.
Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, xác định đây là tổn thương phức tạp, TS.BS Uông Thanh Tùng – Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ cùng ê kip bác sĩ đã quyết định phẫu thuật nối ngón tay ngay cho bé. Yêu cầu của cuộc phẫu thuật là phải khôi phục lại tất cả các thành phần bị đứt như: khâu nối gân cơ và đặc biệt là phải khâu nối lại các mạch máu, thần kinh.

“Nối ngón là ưu tiên hàng đầu. Khó khăn là mạch máu quá bé vì cháu còn nhỏ tuổi nên máu ở ngón tay khó lưu thông. Đầu tiên, chúng tôi sẽ phải xử lý gân xương đầu tiên, khi bộc lộ những mạch máu ở phần trung tâm ngón tay và của phần rời thì sẽ phải bơm rửa sạch mạch máu đấy, nếu không máu sẽ bị tắc. Thường ưu tiên nối động mạch trước. Nối động mạch xong sẽ đánh giá xem là với tĩnh mạch nào máu về tốt thì chúng tôi sẽ nối lại tĩnh mạch đấy” – Ths.BS Đỗ Quang Hưng cho biết.
Toàn bộ quá trình phẫu thuật cho bệnh nhân, các bác sĩ đều thực hiện dưới kính hiển vi có độ phóng đại nhiều lần cùng với các trang thiết bị chuyên dụng cho phép phẫu thuật các mạch máu có đường kính nhỏ hơn 1mm tức là nhỏ hơn cả sợi tóc.
Nối mạch máu xong, các bác sĩ mới chuyển sang nối thần kinh. Các kỹ thuật nối đều sắp xếp cấu trúc đúng hướng đúng chiều, đúng tiết diện nên chỉ trong vài giờ đồng hồ sau phẫu thuật, ngón tay của bé đã được hình thành như trước khi xảy ra tai nạn:
“Hiện nay, sức khỏe của bé ổn định không có gì là bất thường, đương nhiên là vẫn cần sự hỗ trợ của bố mẹ cho việc sinh hoạt hằng ngày bởi vì ngón tay sau khi nối xong cần vận động 5-7 ngày để ổn định việc nối, mạch máu và hạn chế nguy cơ bị tắc” – BS Nguyễn Quang Hưng đánh giá.
Gia đình bé Lan Anh quá bất ngờ về ngón tay của bé có thể liền lại sau khi bị đứt rời chỉ sau chưa đến một ngày:
“Khi sự việc xảy ra, gia đình nghĩ sẽ khó cứu vãn. Nhưng đến nay cháu bình phục nhiều. Gia đình cảm ơn bệnh viện và bác sĩ đã giúp đỡ vợ chồng điều trị cho cháu, đứt rời như thế, không nghĩ là vẫn giữ được ngón tay cho cháu thế này. Giờ ngón tay đã liền tốt” – Chị Thanh nói.
Dù khả năng vận động của ngón tay này không thể như trước đây nhưng bé có thể gập duỗi, cầm nắm, cảm giác được khi sờ, cầm vào đồ vật thì đó đã là thành công đáng mừng.
Theo các bác sĩ, thời gian vừa qua xảy ra nhiều trường hợp trẻ chơi, bất cẩn thò tay vào cánh quạt đang quay hay ngã vào vật sắc nhọn mà đứt ngón tay để xảy ra hậu quả đáng tiếc. Do đó vẫn nên nhắc bố mẹ trông con cẩn thận hơn. Còn nếu chẳng may xảy ra tình huống đáng tiếc thì các mẹ nhớ băng vết thương cầm máu ngay lập tức, sau đó dùng nylong sạch bọc ngón tay đứt rời rồi vào ngâm vào nước đá lạnh để kịp thời mang đến bệnh viện mới có khả năng giữ được ngón tay cho các bé.