Tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, bác sĩ ghi nhận tình trạng thóp phồng, nghi ngờ trẻ bị viêm màng não nên chọc dò dịch não tủy để xác định. Kết quả ghi nhận bạch cầu trong dịch não tủy tăng (từ 81 tế bào lên 194), đạm tăng, đường giảm, phù hợp chẩn đoán viêm màng não do vi khuẩn.

Bác sĩ Dương Anh Dũng, Trưởng khoa Nhi tổng hợp, cho biết viêm màng não vi khuẩn cần được phát hiện sớm, điều trị đúng và kịp thời. Tuy nhiên, ngay cả khi được chẩn đoán và điều trị phù hợp, viêm màng não vi khuẩn vẫn có thể để lại những di chứng nặng nề cho trẻ, thậm chí tử vong.

Bệnh diễn tiến trong vài ngày với biểu hiện sốt, kèm triệu chứng đường hô hấp trên hoặc đường tiêu hóa, sau đó là các triệu chứng thần kinh, biểu hiện thay đổi tùy theo lứa tuổi.

Trẻ lớn thường đau đầu, nôn ói, sợ ánh sáng, co giật, cổ gượng. Nhưng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhũ nhi, biểu hiện không đặc trưng và rõ ràng, khó phân biệt với các bệnh nhiễm trùng khác. Trẻ thường sốt cao, quấy khóc, ngủ gà, bú kém hoặc bỏ bú, giảm vận động, thóp phồng. Mặt khác, ở tháng tuổi này, trẻ chưa biết nói nên không thể diễn tả tình trạng sức khỏe của bản thân.

Do đó, nếu trẻ dưới 3 tháng tuổi sốt cao trên 38,5 độ C, cần được lưu ý. Phụ huynh nên cho trẻ đến khám sớm ở các cơ sở y tế để xác định chẩn đoán, tránh chủ quan gây chậm trễ, có thể ảnh hưởng tính mạng hoặc để lại biến chứng.

Ngoài ra, trẻ cần được tiêm phòng vaccine viêm màng não như Hib, phế cầu, não mô cầu đúng và đủ liều.