Theo TS.BS Lê Hồng Nhân – Phụ trách khoa phẫu thuật thần kinh, Bệnh viện E, thoát vị tủy - màng tủy là một dị tật bẩm sinh nghiêm trọng, xảy ra khi ống thần kinh đóng không kín trong thời kỳ bào thai dẫn đến tủy sống và các dây thần kinh thoát vị ra ngoài. Biến chứng của bệnh dẫn đến các rối loạn chức năng thần kinh gây liệt chi thể, rối loạn chức năng bàng quang, tình trạng não úng thuỷ gây ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất cũng như trí tuệ của trẻ, thậm chí có thể đe doạ tính mạng với các biến chứng nghiêm trọng nếu không được giải quyết sớm.

Vì vậy ngay khi tiếp nhận bệnh nhi bị thoát vị tủy, màng tủy được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên, các bác sỹ Bệnh viện E đã tiến hành hội chẩn đa chuyên khoa để đưa ra phương án điều trị tối ưu cho trẻ. 3 cuộc đại phẫu đã được tiến hành liên tiếp giúp trẻ thoát khỏi cửa tử.
“Cháu bé này phải chịu 3 cuộc mổ: Cuộc môt đầu tiên, chúng tôi phải phẫu thuật để đóng lại vùng thoát vị và đưa tổ chức tủy và các dãy thần kinh về lại vị trí vốn có của nó. Thứ hai là tạo lại màng bao bọc xung quanh của tổ chức tủy đấy, ngta gọi là màng cứng. Tiếp theo là chúng ta tái tạo lại tổ chức cân cơ để bịt lại lỗ thoát vị đấy và cuối cùng là tái tạo lại hệ thống da bởi vị khi bị thoát vị thì da đấy ko giống với da bình thường. Đấy là phẫu thuật tạo hình đối với thoát vị ở màng tủy” - TS.BS Lê Hồng Nhân cho biết.
1 tuần sau, trẻ tiếp tục được phẫu thuật đặt dẫn lưu não thất - ổ bụng và dẫn lưu bàng quang để xử lý tình trạng não úng thuỷ và bàng quang thần kinh. TS BS Nguyễn Đình Liên - Trưởng Khoa Phẫu thuật Thận tiết niệu và Nam học cho biết, thông thường các bác sỹ sẽ dùng 1 đoạn ruột thừa để dẫn lưu bàng quang ra ngoài cho trẻ. Tuy nhiên, do trước đó trẻ đã phải phẫu thuật dẫn lưu não thất - ổ bụng nên vấn đề vô khuẩn là rất quan trọng, bởi chỉ cần nhiễm khuẩn ổ bụng có thể gây viêm màng não, nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Vì vậy các bác sỹ đã phải tiến hành mở thông bàng quang trên xương mu cho trẻ để dẫn lưu nước tiểu ra bên ngoài.

Sau phẫu thuật, trẻ đã dần tỉnh táo, bú đều, kích thước đầu đã trở lại bình thường, không có dấu hiệu nhiễm trùng. Hiện trẻ được theo dõi, chăm sóc hậu phẫu và tập phục hồi chức năng vận động hai chi dưới và chức năng của bàng quang.
Tuy nhiên để trẻ có thể hồi phục bình thường sẽ cần một khoảng thời gian dài tập vật lý trị liệu, có thể là 1-2 năm. Bên cạnh đó, BS Lê Hồng Nhân khuyến cáo, dị tật thoát vị tủy, màng tủy hoàn toàn có thể được chẩn đoán trước sinh bằng siêu âm thai kỳ, xét nghiệm máu và chụp cộng hưởng từ bào thai. Việc sàng lọc và kiểm tra định kỳ trong thai kỳ là rất quan trọng, giúp phát hiện sớm các bất thường, tăng cơ hội can thiệp kịp thời, đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé.