Để chuẩn bị kế hoạch sinh con, các mẹ luôn mong muốn sức khỏe phải thật tốt. Thường trước đó vài tháng sẽ phải chăm sóc về dinh dưỡng, không uống các loại thuốc có thể ảnh hưởng đến thai nhi và tất nhiên, luôn cố gắng để không bị ốm. “Mình cũng rất ý thức, chịu khó bồi bổ, giữ sức khỏe. Khi có thai ít khi ra đường hạn chế tiếp xúc đám đông”- chị Hoàng Thanh Mai ở quận Tây Hồ, Hà Nội cho biết.
Thời gian gần đây, các phòng tiêm chủng cũng đón khá nhiều chị em đến tiêm. Có người chuẩn bị lập gia đình, có người đang lên kế hoạch sinh con, tất nhiên, cũng có cả các mẹ bầu. Cho đến thời điểm này, chị Lê Thúy Lan ở quận Đống Đa, Hà Nội đã cảm thấy rất tự tin và thoải mái cho kế hoạch sinh con của mình. “Dự định có em bé thì trước đó vài tháng mình đã phải lên lịch tiêm hết các mũi phòng bệnh như sởi, quai bị, rubella, cúm, thủy đậu, viêm gan B…”- chị Lan chia sẻ.
Theo TS-BS Vũ Quốc Đạt- Phó trưởng khoa Bệnh nhiệt đới và can thiệp giảm hại- BV Đại học Y HN, phụ nữ mang thai có nguy cơ mắc nhiều bệnh trong quá trình mang thai và có thể lây nhiễm cho con.
Các bệnh lý mắc trước khi mang thai có thể lây truyền cho con phải kể đến bệnh viêm gan, các bệnh lý về HIV, viêm gan C. Ngoài ra, có những bệnh lý lây truyền từ mẹ sang con gây ra những hậu quả nặng nề hơn, thậm chí là dị tật bẩm sinh ở trẻ ví dụ như bệnh giang mai, nhiễm ký sinh trùng toxoplasma, herpes… Ngoài ra, trong quá trình mang thai, người mẹ có thể mắc thêm bệnh có thể khiến cho quá trình thai nghén gặp rủi ro, ví dụ như bệnh cúm. Hoặc cũng có thể gặp các trường hợp bà mẹ sinh con ra có những can thiệp y tế mà không đảm bảo vệ sinh có nguy cơ bị uốn ván...
Chính vì vậy, TS-BS Vũ Quốc Đạt cho rằng, trước khi mang thai, chị em cần được thăm khám và tư vấn để chẩn đoán các bệnh truyền nhiễm có khả năng lây truyền từ mẹ sang con để kịp thời điều trị. Đầu tiên phải giúp cho mẹ không mắc bệnh, nếu mắc bệnh phải được chữa khỏi. Đồng thời, hạn chế mức thấp nhất nguy cơ lây truyền từ mẹ sang con, đảm bảo người phụ nữ sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh.
“Đối với các trường hợp phụ nữ có kế hoạch mang thai, việc tiêm phòng vaccine là cần thiết vì có những bệnh lý hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng vaccine, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được khuyến cáo nên tiêm phòng trước khi mang thai. Vaccine rubella, vaccine sởi giúp phòng ngừa được các bệnh lý này cho trẻ cũng như giảm thiểu được nguy cơ trẻ mắc bệnh khi ra đời. Ngoài ra, đối với những trường hợp người phụ nữ mang thai bị mắc viêm gan B, một bệnh rất phổ biến ở Việt Nam (8% dân số của chúng ta viêm gan B) thì chúng ta hoàn toàn có thể sàng lọc, nếu cần có thể tiêm phòng cho mẹ, còn nếu mẹ đã mắc viêm gan B thì có thể điều trị để dự phòng lây truyền từ mẹ sang con".
BS Vũ Quốc Đạt khuyến cáo các nguyên tắc trong sinh hoạt để phòng bệnh truyền nhiễm cho phụ nữ mang thai:
- Giai đoạn thứ nhất là giai đoạn trước sinh, các chị em phụ nữ nên được thăm khám, tư vấn, điều trị cũng như là có thể sử dụng vaccine có khả năng phòng được các bệnh lây truyền từ mẹ sang con, giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh cho trẻ khi sinh ra.
- Thứ hai là trong quá trình mang thai, các mẹ bầu cần tuần thủ chế độ tiêm chủng đầy đủ, đồng thời hạn chế tiếp xúc với những người có khả năng nhiễm bệnh trong quá trình mang thai. Việc mẹ bầu tránh được các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp sẽ làm giảm nguy cơ lây bệnh cho con cũng như giảm thiểu các biến cố liên quan đến thai sản trong quá trình mang thai.
- Giai đoạn thứ ba là ngay sau khi sinh, các mẹ có nguy cơ mắc các bệnh lý khác, do vậy, giai đoạn sau sinh, nên hạn chế hoặc không tiếp xúc với những người mắc bệnh lý truyền nhiễm. Đảm bảo cho phụ nữ sau sinh một chế độ ăn uống đầy đủ chất để hạn chế nguy cơ mắc bệnh. Tăng cường nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ thông qua bú sữa mẹ.
Ngoài ra, để phòng bệnh hô hấp hiệu quả, các mẹ bầu nên đeo khẩu trang khi đến chỗ đông người, thường xuyên rửa tay bằng nước và xà phòng.