Mới đây, 2 con của chị Nguyễn Hồng Nhung ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đã phải đi hàn và tráng lại toàn bộ men răng vì răng bị sâu khiến chị Nhung không khỏi xót xa. “Cả 2 con, một cháu 4 tuổi và một cháu 2 tuổi đều bị sâu răng nhưng cháu lớn thì bị nặng hơn. Đi khám bác sĩ nha khoa thì bác sĩ khuyên làm trị liệu tráng men răng để bảo vệ răng còn 4 cái răng cửa bị sâu thì phải hàn lại. Không biết vì sao, ngày nào tôi cũng vệ sinh răng miệng cho trẻ, không cho uống sữa vào buổi tối vì sợ sâu răng, thế nhưng vẫn bị” – Chị Nhung chia sẻ.

Theo TS.BS Phùng Thị Thu Hà – Phó Trưởng khoa Răng miệng – BV Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba thành phố Hà Nội, thói quen ăn vặt và ăn đồ ngọt không phải là nguyên nhân duy nhất gây sâu răng ở trẻ mà còn các yếu tố khác gây bệnh răng miệng ở trẻ như: chưa được hướng dẫn và không duy trì thói quen vệ sinh răng miệng đều đặn, đặc biệt là sau khi ăn, trước khi đi ngủ… Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng không cân bằng và cách vệ sinh răng miệng không đúng cách cũng gây ra tình trạng sâu răng.

“Chế độ dinh dưỡng thiếu các chất dinh dưỡng cần thiết cho răng miệng như canxi, vitamin D cũng có thể làm tăng nguy cơ sâu răng, đặc biệt nếu trẻ thường xuyên ăn vặt trong ngày mà không chải răng ngay cũng tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và gây ra bệnh sâu răng. Một số sai lầm của cha mẹ là chỉ nhắc nhở nhưng không giám sát trẻ đánh răng, kem đánh răng không chứa thành phần Fluoride, trẻ uống sữa hoặc nước ép trái cây vào ban đêm, cha mẹ thấy đốm trắng trên răng của trẻ nhưng bỏ qua hoặc cha mẹ nghĩ răng sữa bị sâu không quan trọng nên không quan tâm” – TS.BS Phùng Thị Thu Hà chỉ ra những sai lầm của cha mẹ trong cách chăm sóc răng cho trẻ.

TS.BS Phùng Thị Thu Hà cho rằng, trẻ có thể bị sâu răng từ 6 tháng tuổi, bắt đầu từ khi mọc răng sữa. Vì vậy, cha mẹ nên có phương pháp phòng ngừa sâu răng cho trẻ ngay từ giai đoạn này.

Vì sao cần phòng ngừa sâu răng cho trẻ?

Khi bị sâu răng, không chỉ gây mất thẩm mỹ răng miệng mà còn gây ra ảnh hưởng nhất định cho bộ răng vĩnh viễn sau này.

“Sâu răng với những đốm đen trên bề mặt gây mất thẩm mỹ. Khi thức ăn va chạm vào những răng bị sâu, tiếp xúc với những lỗ sâu thì trẻ bị ê buốt làm trẻ không ăn uống được, khi tình trạng sâu răng diễn biến nặng có thể đau vào tủy, gây ra tình trạng đau cấp tính, sưng mặt thì có thể khám cấp cứu ngay. Nếu không chữa nữa thì có thể gây ra tình trạng mất răng sớm, ảnh hưởng đến mọc răng vĩnh viễn bởi vì vai trò của răng sữa kích thích mầm răng vĩnh viễn và giữ chỗ cho mầm răng vĩnh viễn để đủ khoảng trống mọc lên sau này. Ngoài ra, khi bị mất răng sữa sớm sẽ làm chậm quá trình phát triển của xương hàm, dẫn đến sự khác biệt giữa kích thước răng vĩnh viễn so với sự phát triển của kích thước xương hàm, khiến răng mọc lệch lạc, thiếu sự ăn khớp” - TS.BS Phùng Thị Thu Hà cho biết thêm.

Một số trường hợp sâu răng sữa nặng có thể gây ra biến chứng viêm mô tế bào, hơi thở hôi, thức ăn lắng đọng ở kẽ răng gây ra kích hoạt sự phát triển của vi khuẩn thì ngoài sâu răng còn có việc sưng lợi, sưng niếu, viêm lợi, xuất hiện ở răng bị sâu, đôi khi còn gây mủ và áp se ảnh hưởng đến sức khỏe toàn thân của trẻ, gây ra những cơn sốt, ảnh hưởng đến giấc ngủ, vấn đề dinh dưỡng và gia đình phải mất nhiều thời gian, chi phí để đi điều trị phục hồi bệnh lý do sâu răng.

Những phương pháp phòng ngừa sâu răng cho trẻ.

- Đánh răng đúng cách: Giúp trẻ đánh răng ít nhất 2 lần/ngày với kem đánh răng chứa fluoride. Mỗi lần đánh răng tối thiểu 3-5 phút. Sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch kẽ răng.

- Kiểm soát chế độ ăn uống: Hạn chế đồ ngọt, nước ngọt và đồ ăn vặt. Khuyến khích ăn nhiều rau xanh, trái cây và các thực phẩm giàu canxi.

- Sử dụng fluoride trong kem đánh răng, nước xúc miệng, hoặc trong các sản phẩm chứa fluoride như sữa.

- Đưa trẻ đi khám răng định kỳ: Tạo thói quen đưa trẻ đi khám răng ít nhất 2 lần/năm để kiểm tra và phát hiện sớm các vấn đề.