Anh Lê Văn Huy sống tại Hà Nội vừa điều trị khỏi Covid-19. Trong hơn 7 ngày mắc bệnh anh Huy cảm thấy khó thở, tim đập nhanh và người rất mệt. Sau khi xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 được khoảng 1 tuần, anh Huy lại trở về trạng thái như người bị bệnh. Tuy nhiên, điều khiến anh cảm thấy bất an là tình trạng mất ngủ bắt đầu xuất hiện và anh đã phải đến bệnh viện để khám các triệu chứng hậu Covid-19. “Hôm vừa rồi đi khám tại bệnh viện họ cho thuốc trong đó có 1 viên thuốc ngủ. Về uống thì ngủ được khoảng 4-5 tiếng, sáng ra thấy khá ổn nhưng từ 5h chiều cho đến khoảng 11h đêm là cứ bồn chồn, chân tay tê bì, khó chịu lắm” anh Huy cho biết.

Còn với anh Nguyễn Tuấn Anh sống tại quận Hai Bà Trưng- Hà Nội, quá trình điều trị Covid-19 không mệt mỏi như anh tưởng. Chuyện ăn ngủ không bị ảnh hưởng, cơ thể không bị tác động do virus. Vậy nhưng, cả tháng sau khi khỏi bệnh tưởng như đã tạm biệt hẳn với các triệu chứng của Covid thì bỗng 3 ngày trở lại đây anh Tuấn Anh lại bị thức giấc vào khoảng 2 giờ sáng. “Đang ngủ yên thì tự dưng thức giấc chẳng vì lý do gì, khoảng 15 -30 phút sau thì ngủ lại được. Mới xuất hiện triệu chứng bất thường này nên vẫn đang theo dõi thêm” - anh Tuấn Anh nói.

Giấc ngủ chập chờn, không sâu giấc, thậm chí thức trắng đêm khiến những người đã khỏi Covid-19 luôn trong trạng thái mệt mỏi. Chính điều này lại tiếp tục nối dài những lo lắng sau khi họ đã âm tính với virus SARS-CoV-2.

Theo TS-BS Nguyễn Hồng Quân- Phó chủ nhiệm khoa Nội thần kinh- BV TƯ Quân đội 108, “những di chứng hậu Covid -19 khiến chất lượng cuộc sống của không ít người giảm sút. Theo ghi nhận sau khi khỏi Covid-19, có khoảng 60% bênh nhân bị rối loạn giấc ngủ. Trong số đó, có khoảng 30% bị rối loạn giấc ngủ từ vừa đến nặng và triệu chứng này có thể kéo dài vài tháng tiếp theo”.

Vì sao các bệnh nhân lại xuất hiện các triệu chứng khó ngủ hoặc mất ngủ sau khi âm tính với SARS-CoV-2? Đến nay, tình trạng mất ngủ hậu Covid-19 vẫn chưa được nghiên cứu rõ ràng nhưng trên thực tế có thể chỉ ra một vài yếu tố gây ra chứng rối loạn giấc ngủ ở các bệnh nhân. Đầu tiên là vấn đề liên quan đến thần kinh và các tổn thương thần kinh trong thời gian bị Covid-19. Các báo cáo cho thấy, do viêm hệ thống thần kinh trung ương đặc biệt là tình trạng giải phóng Cytokine nên bệnh nhân hậu Covid-19 thường bị rối loạn giấc ngủ. Ngoài ra, các báo cáo cũng đề cập yếu tố liên quan đến tâm lý và tâm thần (rối loạn lo âu, thầm cảm, stress…) cũng khiến người bệnh rơi vào trạng thái mất ngủ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, hiện vẫn cần thêm các nghiên cứu nữa để xác định chính xác nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ.

“Rối loạn giấc ngủ hậu Covid cũng tương tự như chứng rối loạn giấc ngủ thông thường như khó ngủ, ngủ chập chờn, thức giấc trong đêm, khó ngủ lại sau khi thức, dậy sớm… kèm theo đó là cảm giác mệt mỏi trong ngày, rối loạn lo âu, trầm cảm, khó tập trung, dễ cáu gắt, giảm trí nhớ…”- theo TS-BS Nguyễn Hồng Quân.

Triệu trứng này có thể xuất hiện ít ngày hoặc kéo dài tùy vào từng người, tuy nhiên, điều quan trọng hơn đó là chất lượng giấc ngủ của bệnh nhân. Nếu các triệu chứng rối loạn giấc ngủ gây ảnh hưởng đến cuộc sống thì nên đến gặp bác sĩ để kịp thời có những điều chỉnh phù hợp.

Việc sử dụng thuốc để cải thiện tình trạng khó ngủ, mất ngủ hậu Covid thường được người bệnh nghĩ đến, tuy nhiên, việc sử dụng thuốc ngủ không được khuyến cáo đối với các bệnh nhân. Chính vì vậy, việc sử dụng thuốc như thế nào cần được cân nhắc để không ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh. Theo TS-BS Nguyễn Hồng Quân, nếu điều chỉnh lối sống, sinh hoạt giúp nâng cao chất lượng giấc ngủ thì sẽ tránh phải dùng thuốc.

Để dự phòng và điều trị chứng rối loạn giấc ngủ hậu Covid-19, mỗi người cần thay đổi lối sống, sinh hoạt theo hướng tích cực:

-Duy trì các bài tập vận động, bài tập thở trong và sau khi khỏi Covid-19.

-Hạn chế chất kích thích như rượu, bia, trà, cà phê.

-Tránh việc ngủ ban ngày nhiều.

-Không nên ăn no, uống quá nhiều nước vào buổi tối.

-Tạo môi trường ngủ thuận lợi, nhiệt độ phòng ngủ điều chỉnh ở mức thích hợp, ánh sáng hợp lý, tránh tiếng ồn.