Sốc, bàng hoàng, lo sợ là cảm giác của vợ chồng chị Nguyễn Thu Hà khi nhận kết quả chẩn đoán con bị thông liên thất – 1 bệnh tim bẩm sinh phổ biến, nếu không can thiệp điều trị sớm sẽ dẫn đến hở van động mạch chủ và suy tim.
Để ngăn tình trạng hở van tim tiến triển nặng, các bác sĩ đã chỉ định phẫu thuật ngay cho con chị Hà. Sau 4 tiếng, tình trạng thông liên thất của cháu đã được điều trị triệt để, tuy nhiên vẫn cần theo dõi mức độ hở van động mạch một thời gian để có hướng xử trí kịp thời.
“Bác sỹ bảo xem mức độ hở theo dõi 10-15 năm sau có hở nhiều hơn không thì sẽ tính can thiệp tiếp. Thấy con ngủ giờ cũng sâu giấc hơn…” - chị Thu Hà chia sẻ.
Cũng vô tình phát hiện con bị tim bẩm sinh là trường hợp của gia đình chị Nguyễn Thị Len ở Hải Phòng. Ban đầu chị Len đưa con đi khám được bác sỹ chẩn đoán bị viêm phổi nặng phải nhập viện điều trị. Tuy nhiên, tình trạng bệnh không mấy thuyên giảm. Chuyển ra bệnh viện tỉnh, cháu được phát hiện bị thông liên thấp bẩm sinh - làm tăng áp lực động mạch phổi khiến trẻ thường xuyên khó thở và chậm tăng cân. Về lâu dài sẽ dẫn đến suy tim và nguy hiểm tính mạng.
Chị Len cho biết, lúc sinh con nặng 2,9kg, sau 1 tháng con chỉ tăng được 3 lạng. Chị cứ nghĩ do sữa mẹ không tốt nên con chậm tăng cân chứ không hề biết con đang bị bệnh: “lúc đẻ ra con bú bình thường. Chỉ có đợt con ốm thì bú ít với khó thở, mặt hơi tái tái thôi. Bác sĩ cũng nói con không lên cân do tim bẩm sinh máu nó không lưu thông được, máu tràn sang phổi mới gây viêm phổi…”.
Theo thống kê, mỗi năm nước ta có khoảng 16.000 trẻ sinh ra mắc bệnh tim bẩm sinh, trong đó có rất nhiều bệnh lý nguy hiểm cần được phẫu thuật, can thiệp sớm. Chính vì vậy việc phát hiện sớm tình trạng bệnh ngay từ khi còn trong bào thai sẽ giúp các bác sỹ lên kê hoạch can thiệp và điều trị hiệu quả cho trẻ.
TS BS Đỗ Anh Tiến - Trưởng Khoa Phẫu thuật Tim mạch trẻ em cho biết, bệnh tim bẩm sinh có thể sàng lọc sớm thông qua siêu âm trong thai kỳ. Thông thường từ tuần thứ 20 đã có thể phát hiện ra các bệnh như lỗ thông bất thường trong tim, tổn thương bất thường ở van tim, đảo gốc động mạch....Đặc biệt với sự phát triển của khoa học kỹ thuật cùng với các bác sỹ có tay nghề cao, nhiều bệnh tim bẩm sinh đã có thể phát hiện sớm từ tuần thai thứ 16, thậm chí là tuần thứ 12.
"Điều này có ý nghĩa rất quan trọng giúp bác sĩ có thể phát hiện sớm, chỉ định can thiệp phù hợp. Bên cạnh đó, trẻ sẽ được chăm sóc tích cực với những biện pháp đặc biệt để bảo vệ sức khỏe và hạn chế khuyết tật, đồng thời giảm nguy cơ tử vong sớm" - BS Đỗ Anh Tiến cho biết.
Tầm soát bệnh tim bẩm sinh mang lại nhiều ý nghĩa quan trọng, giúp tăng cơ hội sống và nâng cao chất lượng sống của trẻ, do đó, tất cả các bà mẹ cần hiểu rõ về vấn đề này và nên thực hiện theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Tuy nhiên, những đối tượng sau nên chú trọng hơn về việc sàng lọc bệnh tim bẩm sinh:
- Đối với mẹ: Trong gia đình có người thân bị mắc bệnh tim bẩm sinh, tiểu đường thai kỳ, Lupus ban đỏ, mẹ bầu có sử dụng một số loại thuốc như thuốc chống động kinh, ibuprofen,…
- Đối với thai nhi: Thai chậm phát triển, thai có một số đặc điểm bất thường như xương đùi ngắn, bị teo thực quản, thoát vị rốn, bất thường nhiễm sắc thể, đa thai, có hội chứng truyền máu song thai, thai phù,…kết quả đo độ mờ da gáy vào tuần thứ 10 đến 12 của thai kỳ có bất thường.
Theo BS Tiến, hiện có rất nhiều biện pháp điều trị tim bẩm sinh cho trẻ, trong đó phải kể đến phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn, thay vì phải tiến hành mổ mở, cưa xương ức để sửa chữa những bất thường trong tim của trẻ, hiện các bác sỹ chỉ cần rách một đường nhỏ ở nách của trẻ và đưa các dụng cụ can thiệp vào xử trí. Phương pháp này giúp trẻ phục hồi nhanh, hạn chế biến chứng sau mổ và đặc biệt có tính thẩm mỹ cao.
Với phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn này, các bác sỹ tại Khoa Phẫu thuật Tim mạch trẻ em, Trung tâm Tim Mạch, Bệnh viện E đã có thể can thiệp điều trị cho những trẻ trong giai đoạn sơ sinh.
"Bệnh nhi nhỏ tuổi nhất tính đến thời điểm hiện tại là 11 ngày tuổi, sau phẫu thuật trẻ phát triển tốt" BS Tiến chia sẻ.
Nghe bài viết tại đây: