Phóng viên: Thưa ông, WHO xếp Việt Nam vào nhóm các nước có tỉ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới. Xin ông cho biết cụ thể hơn về thực trạng này?

TS.Cao Hưng Thái: Vấn đề kháng thuốc kháng sinh là thực trạng nghiêm trọng trên toàn thế giới, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, trong đó có VN.

Tại nước ta, hầu hết các vi khuẩn đều kháng với các thuốc kháng sinh, thậm chí là đa kháng với thuốc kháng sinh. Ví dụ như nhóm kháng sinh Carbapenem là loại kháng sinh phổ rộng, thế hệ mới, có hiệu lực cao, giai đoạn đầu khi mới xuất hiện tỷ lệ kháng rất thấp nhưng hiện ở 1 số bệnh viện như Bệnh viện Nhi TW đã có vi khuẩn kháng Carbapenem với tỷ lệ trên 30%. Với tỷ lệ kháng thuốc cao như vậy, nếu trẻ nhiễm vi khuẩn này khó có thuốc để điều trị. Như vậy thực trạng kháng kháng sinh ở VN hiện nay khá trầm trọng, thêm vào đó mô hình bệnh truyền nhiễm, nhiễm khuẩn, nhiễm trùng và Covid-19 càng làm nhức nhối hơn vấn đề kháng thuốc hiện nay.

Phóng viên: Từ năm 2013 nước ta đã có kế hoạch hành động quốc gia về phòng chống kháng thuốc, theo ông vì sao đến thời điểm này vấn đề quản lý kháng thuốc vẫn tồn tại rất nhiều bất cập?

TS.Cao Hưng Thái: Có 3 nguyên nhân chính:

Thứ nhất là do thầy thuốc kê đơn không phù hợp. Nhiều trường hợp bệnh nhân không phải dùng kháng sinh nhưng bác sĩ vẫn kê đơn, ví dụ như cúm mùa. Hoặc chỉ định kháng sinh không đúng bệnh, lạm dụng kháng sinh. Đáng lẽ bệnh nhân chỉ cần dùng kháng sinh thế hệ 1,2 đã có hiệu quả thì thầy thuốc lại kê kháng sinh thế hệ 3,4. Dùng như vậy bệnh nhân có thể nhanh khỏi nhưng nguy cơ kháng thuốc rất cao.

Thứ 2 là do người dân tự ý mua và sử dụng kháng sinh hoặc dùng kháng sinh theo đơn của người khác..

Nguyên nhân thứ 3 là vấn đề sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, trồng trọt. Hiện nay chúng ta chưa kiểm soát được, đặc biệt là tình trạng dùng kháng sinh cho mục đích tăng trưởng cây trồng vật nuôi. Tình trạng này làm trầm trọng hơn vấn đề kháng thuốc.

Vì thế mặc dù có kế hoạch từ 2013 với nhiều giải pháp nhưng mức độ kiểm soát vấn đề sử dụng, lạm dụng kháng sinh ở nước ta vẫn rất khiêm tốn.

Phóng viên: Trong số những giải pháp chúng ta đã triển khai có quy định xử phạt những nhà thuốc bán thuốc kháng sinh không theo đơn. Trên thực tế, việc triển khai thực thi quy định này hiện nay như thế nào, thưa ông?

TS.Cao Hưng Thái: Chúng ta có chế tài xử phạt người bán thuốc không có đơn nhưng vấn đề quan trọng là nhận thức của người kê đơn thuốc và người sử dụng thuốc. Hơn nữa hiện nay chế tài xử lý chung về việc kê đơn không phù hợp, lạm dụng thuốc kháng sinh, bán thuốc kháng sinh không đơn theo quy định về xử phạt hành chính chung nhưng mức xử phạt không cao, chưa đủ sức răn đe, nếu chúng ta muốn làm mạnh hơn thì phải có chế tài riêng, ví dụ khi vi phạm nhiều lần phải rút giấy phép kinh doanh, lúc đó mới có tác dụng răn đe nếu không thì họ cứ làm. Chưa kể là cơ quan quản lý NN đi kiểm tra giám sát chưa được thường xuyên.

Phóng viên: Vậy theo ông chúng ta cần làm gì để kiểm soát tốt vấn đề sử dụng kháng sinh và kháng kháng sinh ở VN?

TS.Cao Hưng Thái: Giải pháp bây giờ phải đồng bộ, thứ nhất là nâng cao nhận thức, thứ 2 là về vấn đề chuyên môn kỹ thuật, thứ 3 là nâng cao trình độ đào tạo cho đội ngũ cán bộ y tế và có chế tài xử lý mạnh đối với những vi phạm khi kê đơn không phù hợp, bán thuốc kháng sinh không theo đơn. Nếu đồng bộ được những giải pháp đó trong tương lai thì mới hy vọng có thể từng bước kiểm soát soát tốt vấn đề sử dụng kháng sinh và kháng kháng sinh ở VN.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Hãy dùng kháng sinh đúng cách vì tương lai của chính chúng ta”- là chủ đề của Tuần lễ truyền thông kháng thuốc từ 18-24/11 năm nay.

Mỗi cá nhân khi sử dụng kháng sinh cần lưu ý:

-Chỉ uống thuốc đúng theo đơn bác sĩ

-Không dùng thuốc kháng sinh thừa từ lần sử dụng trước

-Không chia sẻ thuốc kháng sinh trong toa thuốc đang dùng cho người khác uống.