Kết quả giải trình tự gene này được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU).

Theo đó, cả 6 mẫu bệnh phẩm của các bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng có triệu chứng nặng đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 đều có kết quả PCR dương tính với EV 71 và đều có kiểu gene B5.

Được biết kiểu gene B5 của EV 71 lần đầu tiên được tìm thấy ở Đài Loan, Trung Quốc vào năm 2007 và tại TP.HCM vào năm 2015, 2018.

Năm 2011, EV71 gây đợt bùng phát tay chân miệng tại TP HCM với nhiều trường hợp nặng và tử vong. Khi ấy, type gene phổ biến là C4. Năm 2018, số ca nặng giảm, type chủ yếu là B5. Gene B5 trong nhóm độc lực cao, gây bệnh nặng. Tốc độ lây lan của B5 nhanh tương đương C4, tuy nhiên độc lực không cao bằng. Những vụ dịch do gene C4 thì tỷ lệ biến chứng cao hơn, số mắc cao hơn so với khi có B5.

Theo số liệu giám sát dịch bệnh của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (HCDC), số trường hợp trẻ em mắc bệnh tay chân miệng tại TP.HCM có dấu hiệu gia tăng nhanh trong các tuần gần đây. Số ca bệnh trong đầu tháng 6 cao gấp hơn hai lần so với hai tuần trước đó. Sự xuất hiện trở lại của chủng virus EV71 gây bệnh nặng khiến tình hình "thực sự đáng lo ngại".

Đặc tính của EV71 là lây lan nhanh và diễn tiến nặng, sốt cao. Trẻ mắc tay chân miệng do virus EV71 có thể bị các biến chứng như thần kinh, tim mạch, phù phổi, sốc, suy tim và tử vong nhanh.

Khi virus EV71 xâm nhập vào cơ thể, chúng thường khu trú ở niêm mạc má hoặc niêm mạc ruột vùng hồi tràng. Sau 24 giờ, virus đến các hạch bạch huyết xung quanh, từ đây xâm nhập vào máu gây nhiễm khuẩn huyết chỉ trong một thời gian ngắn. Từ nhiễm khuẩn huyết, virus đến niêm mạc miệng và da. Thời kỳ ủ bệnh thường kéo dài 3-7 ngày.

Bệnh khởi phát là sốt, sau đó xuất hiện các bọng nước ở niêm mạc miệng (nướu răng, lưỡi, bên trong má), ban đỏ ở bàn tay, bàn chân. Trường hợp nhiễm virus EV71, bệnh diễn biến phức tạp hơn, nhất là khi virus gây tổn thương hệ thần kinh trung ương sẽ thể hiện bệnh viêm màng não điển hình.

Type EV71 không chỉ gây bệnh tay chân miệng mà còn có khả năng gây bệnh ở hệ thần kinh trung ương như viêm màng não virus, hiếm hơn là các thể trầm trọng như viêm não hay liệt kiểu bại liệt.

Cùng ngày, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, cho biết nguồn cung thuốc điều trị tay chân miệng bị gián đoạn, chỉ còn tồn một số ít và lên kế hoạch nhập vào tháng 7, yêu cầu TP HCM dự trữ để ứng phó dịch.

Ngoài bệnh tay chân miệng, thành phố còn đối diện với bệnh sốt xuất huyết. Theo quy luật diễn tiến dịch bệnh sốt xuất huyết hằng năm tại thành phố, mùa cao điểm của bệnh sẽ bắt đầu từ khoảng giữa tháng 6 và dự kiến kéo dài đến hết tháng 10.

Trong hai tuần qua, tuy chỉ mới xuất hiện vài cơn mưa, nhưng qua giám sát của HCDC về hoạt động phòng chống dịch tại các phường xã, đã có 20 điểm nguy cơ trong tổng số 39 điểm được giám sát, chiếm tỉ lệ trên 50%. Vì vậy, những tháng sắp tới, TP.HCM đứng trước nguy cơ dịch chồng dịch nếu không chủ động thực hiện đồng thời các biện pháp kiểm soát cả hai bệnh này ngay từ bây giờ.

HCDC khuyến cáo, mỗi người dân, mỗi hộ gia đình cần chủ động thực hiện những hành vi phòng bệnh như rửa tay bằng xà phòng, truy tìm và loại bỏ các vật chứa có khả năng phát sinh lăng quăng.

Ngoài ra, gia đình có trẻ dưới 5 tuổi cần thường xuyên vệ sinh khử khuẩn bề mặt và đồ chơi của trẻ. Khi trong gia đình có người xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ bệnh truyền nhiễm cần đưa đi khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán và hướng dẫn chăm sóc điều trị phù hợp.