PGS.TS Bùi Thị Nhung – Trưởng khoa dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng Quốc gia thông tin tại buổi nói chuyện chuyên đề về chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ em dưới 16 tuổi.

Theo PGS.TS Bùi Thị Nhung, sau 10 năm, kể từ năm 2010, tỷ lệ thừa cân béo phì của trẻ em 5-19 tuổi đã tăng từ 8,5% năm 2010 lên 19 năm 2020. Kết quả điều tra trên 5028 học sinh tại 75 trường của TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Thái Nguyên, Nghệ An, Sóc Trăng năm 2017-2018 cho thấy gánh nặng kép về dinh dưỡng của học sinh đã nghiêng về phía thừa cân, béo phì nhiều hơn suy dinh dưỡng: Tỷ lệ nhẹ cân, gầy còm và thấp còi của học sinh tiểu học ở vùng thành thị nhìn chung khá thấp lần lượt là 3,7%; 5,5% và 3,9%; Ở nông thôn là 13,4%, 8,7%; 10,7%. Tỷ lệ thừa cân, béo phì của học sinh tiểu học chung cho cả khu vực nông thôn và thành thị là 29%, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở học sinh khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn (41,9% và 17,8%). Đối với học sinh trung học cơ sở, tỷ lệ gầy còm và thấp còi cũng khá thấp, ở vùng thành thị là 3,4% và 3,8%; Ở vùng nông thôn, tỷ lệ gầy còm là 15,6% và 20,1%. Tỷ lệ thừa cân, béo phì chung của học sinh trung học cơ sở ở hai khu vực là 19,3%, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở học sinh khu vực thành thị cao hơn nông thôn là 30,5% và 11,2%.

Nguyên nhân của tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ em là do chế độ ăn thừa chất đạm, năng lượng nhưng lại thiếu các vi chất dinh dưỡng, phần lớn các bữa ăn hiện nay vẫn còn ít rau so với khuyến cáo.

“Trong điều tra dinh dưỡng năm 2020 thì thấy tiêu thụ chất đạm năm 2020 cao hơn gần gấp đôi so với 2010, vượt quá 54% so với nhu cầu của người trưởng thành, trong khi trẻ ít hoạt động thể lực cộng thêm xu hướng thích ăn thức ăn nhanh, chế biến sẵn, những thực phẩm nhiều đường. Còn trên thị trường hiện nay bán nhiều sản phẩm thực phẩm nhưng không công bố hoặc công bố không rõ ràng về số lượng đường trên nhãn mác, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.

Nguyên nhân nữa khiến trẻ thừa cân, béo phì là quan niệm sai lầm của ông bà, cha mẹ, người chăm sóc trẻ. Phần lớn, cha mẹ, ông bà thích trẻ bụ bẫm. Hỏi 200 bà mẹ ở Hải Phòng, Đà Nẵng và Hà Nội thì 47% bà mẹ có con ở thể bình thường đánh giá là con mình thiếu cân và suy dinh dưỡng, hơn 20% bà mẹ có con thừa cân đánh giá con cân nặng bình thường, 27% bà mẹ có con béo phì cho rằng con chỉ thừa cân thôi, chỉ có 25% bà mẹ là đánh giá đúng về cân nặng của con. Vì vậy có không hiếm những trường hợp trẻ béo phì nặng. Như ở Bệnh viện Đức Giang, Gia Lâm, Hà Nội đã từng điều trị cho em bé 15 tuổi cân nặng hơn 100kg.

Nguyên nhân nữa gây nên tình trạng béo phì ở trẻ là do chế độ ăn không cân bằng, không đa dạng, chủ yếu là nhiều đạm, ít rau. Nhiều bố mẹ chỉ lo lắng việc con ăn từng đó thịt đã đủ chưa, chứ không nghĩ đến con ăn rau nên ở mức độ nào” – PGS.TS Bùi Thị Nhung cho biết.

Giáo dục dinh dưỡng trong trường học giúp cho trẻ hình thành thói quen ăn uống lành mạnh từ nhỏ, phòng ngừa thừa cân, béo phì và bệnh không lây nhiễm khi trưởng thành nhưng hiện nay, phần lớn cơ sở vật chất của các bếp ăn trường học còn nhiều khó khăn, phần lớn thực đơn được xây dựng dựa theo kinh nghiệm của nhân viên bếp và mức thu ăn bán trú.

Hiện nay, các căng tin của trường học bán phổ biến các loại thức ăn nhanh như xúc xích, mì tôm, nước ngọt… Đây lại chính là thực phẩm khiến cho trẻ thừa cân, béo phì.

Vì vậy, theo PGS.TS Bùi Thị Nhung, cần thiết xây dựng các tiêu chuẩn thực phẩm lành mạnh được bán ở căng tin trường học, xây dựng tài liệu cẩm nang hướng dẫn tổ chức căng tin trường học.