Nguy cơ thiếu sắt ở tuổi dậy thì

Thiếu vi chất dinh dưỡng là một vấn đề có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Trong 7 vi chất dinh dưỡng quan trọng nhưng lại dễ thiếu hụt thì thiếu sắt chiếm tỉ lệ cao. Thiếu sắt là nguyên nhân dẫn đến thiếu máu ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là giai đoạn vị thành niên.

Vấn đề thiếu dinh dưỡng không còn quá phổ biến ở thời điểm hiện nay, vậy thiếu sắt do đâu? Phân tích nguyên nhân thiếu sắt ở trẻ vị thành niên, PGS Nguyễn Quang Dũng, Phó Trưởng Bộ môn Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm, Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, chúng ta giảm được tỉ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, suy dinh dưỡng thể thấp còi chứng tỏ chất lượng bữa ăn của người dân, trẻ em dưới 5 tuổi nói chung, trẻ vị thành niên nói riêng cũng cải thiện nhưng vẫn còn nguyên nhân thiếu sắt do chúng ta thực hành chưa đúng.

"Ví dụ như không biết thực phẩm chứa sắt có ở đâu. Chế độ ăn thiên về thực vật cũng có nguy cơ thiếu sắt cao do chất sắt chứa rất ít trong thực vật. Hoặc không bổ sung các chất cần thiết cho việc tăng hấp thu sắt như vitamin C"- PGS Nguyễn Quang Dũng nói.

Hơn nữa, dậy thì là thời kỳ tăng trưởng, cơ thể cần huy động sắt nhiều hơn nữa để phát triển cơ thể. Theo các nghiên cứu và báo cáo gần đây bé gái trong độ tuổi dậy thì cần đến 15mg sắt/ngày. Trong khi đó, những bé trai cùng độ tuổi chỉ cần khoảng 11mg sắt/ ngày.

“Mắc một số bệnh lý về đường tiêu hóa cũng khiến hấp thu sắt kém” – PGS Dũng nhấn mạnh.

Một số triệu chứng giúp phụ huynh phát hiện sớm tình trạng thiếu sắt ở trẻ dậy thì như buồn ngủ khi học; hoa mắt, chóng mặt khi thay đổi tư thế đột ngột, giảm khả năng nhận thức và kết quả học tập. Da xanh xao; niêm mạc nhợt, môi khô nứt nẻ, hay bị viêm, nhiệt miệng.

Để xác định tình trạng thiếu máu, thiếu sắt, phụ huynh nên đưa con đi làm xét nghiệm lượng hồng cầu trong máu và một số xét nghiệm khác để xem ngoài thiếu máu do thiếu sắt, trẻ có mắc bệnh lý nào khác hay không.

Cách bổ sung sắt cho trẻ ở tuổi dậy thì

Trong thực đơn ăn uống hàng ngày, bạn nên chú ý bổ sung các thực phẩm giàu sắt như: thịt bò, thịt cừu, thịt dê; thịt gia cầm; trứng; hải sản như tôm, cua, sò, ngao, ốc, hến, cá hồi, các loại đậu, rau xanh lá.

"Các loại thịt động vật có chứa sắt "heme" có khả năng được cơ thể hấp thu tốt hơn. Ngược lại, sắt từ nguồn thực vật là "non – heme", tỷ lệ hấp thu kém hơn. Phụ huynh nên xây dựng thực đơn đa dạng từ các nguồn động vật và thực vật để bổ sung sắt và các dưỡng chất khác cho con" – PGS Nguyễn Quang Dũng hướng dẫn.

Bên cạnh đó, nhóm thực phẩm, rau củ quả có hàm lượng vitamin C cao (ổi, trái cây cam quýt, dâu tây, ớt chuông, súp lơ xanh…) không chỉ giúp tăng đề kháng cho cơ thể mà còn giúp hấp thu và chuyển hóa sắt tốt hơn.

Đặc biệt, để tránh cản trở sự hấp thụ sắt của cơ thể, trẻ không nên sử dụng một số loại thực phẩm có chứa chất kích thích như trà và cà phê.

Đa phần các trường hợp thiếu sắt tuổi dậy thì sẽ được bác sĩ chỉ định bổ sung sắt. Tùy theo từng tình trạng thiếu hụt, độ tuổi, tình trạng sức khỏe mà việc bổ sung sẽ khác nhau. Trước khi sử dụng, cha mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.

“Tình trạng thiếu sất sẽ được cải thiện trong một vài tháng nếu trẻ được bổ sung dinh dưỡng hợp lý” – PGS Dũng cho biết.

Bổ sung sắt cho trẻ bằng thuốc hay thực phẩm chức năng chỉ thực hiện khi có sự chỉ định của bác sĩ; cần tuân thủ liều lượng và thời gian sử dụng cũng như phải được theo dõi chặt chẽ bằng xét nghiệm máu định kỳ. Bởi nếu bổ sung thừa sắt cũng gây hại cho cơ thể.