Căn bệnh ai cũng từng mắc

Không ít người dân gặp phải tình trạng viêm amidan. Thực tế lâm sàng tại bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương đã ghi nhận các ca bệnh viêm amidan đến khám và điều trị. TS-BS Bùi Thế Anh- công tác tại bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương cho biết, thực tế tại khoa khám bệnh, các bác sĩ thường xuyên tiếp nhận và thăm khám cho nhiều người bệnh viêm amidan, trong đó có cả người lớn và trẻ em. Bệnh gặp ở cả 4 mùa, thường gia tăng khi thay đổi thời tiết.

“Khi bị viêm amidan, triệu chứng thường gặp nhất của người bệnh là đau họng, đau tăng khi nuốt, ăn uống khó do đau, ngoài ra người bệnh có thể sốt, ho, hơi thở có mùi hôi, sưng đau hạch vùng cổ”- BS Bùi Thế Anh nói.

Căn bệnh này được cho là phổ biến ở trẻ em, tuy nhiên, số lượng người lớn hiện mắc căn bệnh này cũng không hề ít. Theo BS Bùi Thế Anh, nguyên nhân gây bệnh ở các nhóm đối tượng được xác định thường do virus hoặc vi khuẩn, kết hợp với các yếu tố nguy cơ làm bệnh dễ xuất hiện như nhiễm lạnh, lạm dụng đồ uống lạnh, vệ sinh răng miệng kém….

“Để xác định bệnh, chỉ cần thông qua khám lâm sàng, nội soi tai mũi họng, tuy nhiên, để đánh giá tình trạng bệnh chính xác (ví dụ nguyên nhân gây bệnh và mức độ nặng của bệnh) đôi khi thầy thuốc có thể hướng dẫn người bệnh làm xét nghiệm máu đánh giá các chỉ số viêm hoặc quệt mủ ở amidan tìm vi khuẩn gây bệnh” -BS Thế Anh cho hay.

Không nên tự ý điều trị viêm amidan

Viêm amidan cấp thường diễn ra trong khoảng 7-10 ngày, giai đoạn này không ít người bệnh tự mua kháng sinh về điều trị bệnh, điều này tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng tới sức khỏe.

“Trên thực tế chỉ khoảng 30% trường hợp viêm amidan cấp là do vi khuẩn gây ra và phải điều trị bằng kháng sinh, vì vậy nếu người bệnh nếu cứ thấy biểu hiện viêm amidan cấp mà tự mua kháng sinh điều trị luôn sẽ có nguy cơ phải chịu các tác dụng không mong muốn của kháng sinh, chi phí điều trị tốn kém hơn và về lâu dài sẽ làm gia tăng nguy cơ kháng kháng sinh cho bản thân và cho cả cộng đồng”- BS Thế Anh cảnh báo.

Viêm amidan nếu tái đi tái lại kéo dài hơn 3 tháng có thể được coi là bệnh lý mạn tính. Khi bệnh ở giai đoạn mạn tính thường phải dùng thuốc kéo dài hơn và khó điều trị dứt điểm.

“Viêm amidan không được điều trị hoặc điều trị không triệt để có thể gây ra một số biến chứng cho khu vực hầu họng và vùng kế cận, ví dụ như: viêm tấy quanh amidan, áp xe quanh amidan, viêm khí phế quản… Có những trường hợp xuất hiện tình trạng viêm khớp hoặc viêm cầu thận cấp sau viêm amidan điều này có thể giải thích do các trường hợp này bị viêm amidan do nhiễm một loại vi khuẩn liên cầu tan huyết (gọi là liên cầu beta tan huyết nhóm A), khi vi khuẩn này vào cơ thể có thể gây phản ứng miễn dịch đặc hiệu làm xuất hiện triệu chứng viêm ở khớp và ở cầu thận”- BS Thế Anh giải thích.

Phẫu thuật cắt amidan có khỏi hẳn viêm họng, viêm amidan?

Hiện, phẫu thuật cắt amidan được coi là một trong các biện pháp ngoại khoa để điều trị bệnh viêm amidan. Một số phương pháp và kỹ thuật mới tiên tiến áp dụng trong phẫu thuật cắt amidan như: phẫu thuật cắt amidan sử dụng thiết bị sóng cao tần, phẫu thuật cắt amidan sử dụng laser… Các kỹ thuật mới này có hiệu quả giúp tăng độ chính xác của phẫu thuật, giảm nguy cơ chảy máu trong và sau phẫu thuật, triệu chứng đau sau phẫu thuật cũng giảm bớt cả về mức độ đau và thời gian đau.

Phẫu thuật này được chỉ định trong trường hợp amidan viêm tái đi tái lại nhiều lần (từ 7 lần trở lên trong năm gần nhất hoặc từ 5 lần trở lên trong vòng 2 năm gần nhất).

“Phẫu thuật này không được chỉ định nếu người bệnh có các bệnh lý về máu gây rối loạn đông máu, người bệnh đang có nhiễm trùng cấp tính hoặc đang mắc bệnh mạn tính chưa kiểm soát được. Sau phẫu thuật người bệnh không còn tổ chức amidan và không còn viêm amidan tuy nhiên vẫn có thể mắc các đợt viêm họng với triệu chứng đau họng, nuốt đau, sốt… tương tự như viêm amidan, vì vậy, phẫu thuật cắt amidan không có nghĩa là điều trị dứt điểm tình trạng viêm họng và amidan”- BS Bùi Thế Anh nhấn mạnh.

Phòng bệnh viêm amidan thế nào?

TS- BS Bùi Thế Anh khuyên nên áp dụng một số biện pháp giúp phòng bệnh viêm amidan:

Để hạn chế số đợt tái phát viêm amidan mạn tính, cần điều trị những đợt viêm cấp đúng loại thuốc, đủ liệu trình. Ngoài đợt viêm cấp cần tích cực chăm sóc vệ sinh vùng hầu họng.

Chăm sóc và vệ sinh hầu họng đúng cách bao gồm: súc miệng, súc họng bằng dung dịch nước muối sinh lý (trong những ngày trời lạnh thì có thể làm ấm dung dịch trước khi súc), hạn chế tiếp xúc với khói bụi hóa chất độc hại bằng cách đeo khẩu trang; kết hợp chăm sóc răng miệng như lấy cao răng định kỳ, điều trị sớm các ổ sâu răng…

Để hạn chế mắc bệnh, cũng nên duy trì chế độ dinh dưỡng phù hợp, hạn chế sử dụng các đồ ăn quá chua, quá cay nóng, hạn chế sử dụng chất kích thích (trà, cà phê, đồ uống có cồn…), không ăn uống quá khuya; Kết hợp tập thể dục và vận động phù hợp với lứa tuổi để nâng cao thể trạng và sức đề kháng của cơ thể.

Theo chuyên gia y tế, chúng ta cần quan tâm nhiều đến việc chăm sóc sức khỏe nói chung, hệ hô hấp trong đó có tai mũi họng nói riêng, kịp thời đến các cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám khi có vấn đề bất thường.

Mời nghe bài viết tại đây: