Hệ miễn dịch là bộ phận giúp bảo vệ cơ thể con người tránh khỏi tác nhân xâm nhập như vi khuẩn, virus, ký sinh trùng hoặc sự rối loạn của tế bào. Có thể hiểu đơn giản, hệ miễn dịch là hàng rào bảo vệ tự nhiên giúp cơ thể khỏe mạnh, ít có nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, nhiễm virus hoặc có mắc thì cũng nhẹ hơn so với người có hệ miễn dịch yếu kém.

Theo GS.TS Lê Thị Hương-Viện trưởng Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, Đại học Y Hà Nội, "các tế bào miễn dịch lypho T trong cơ thể thuộc hệ thống huyết học. Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo máu và hệ miễn dịch. Khi chúng ta ăn thiếu các chất dinh dưỡng như thiếu đạm hay các vi chất dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng đến quá trình tạo máu và các chất miễn dịch, làm cho cơ thể không đủ hàng rào miễn dịch bảo vệ trước các dịch bệnh".

Vai trò của các vi chất dinh dưỡng trong việc hình thành hệ thống miễn dịch của cơ thể:

- Vitamin C là một trong những hoạt chất hỗ trợ tăng cường sức đề kháng mạnh, kích thích cơ thể sản xuất kháng thể chống lại bệnh tật. Vì cơ thể không thể tự tổng hợp hoặc dự trữ nên chúng ta cần bổ sung đủ lượng vitamin C trong chế độ dinh dưỡng hằng ngày. Vitamin C có nhiều trong nhiều loại trái cây và rau tươi như: sơ ri, ổi, cam, quýt, bưởi, đu đủ, xoài, táo, nho, kiwi, cà chua, súp lơ, củ cải, rau ngót, ớt chuông, rau chân vịt...

- Vitamin D rất quan trọng đối với cả hệ miễn dịch thu được và bẩm sinh. Thiếu vitamin D khiến các tế bào miễn dịch không thể phản ứng một cách thích hợp, làm cơ thể dễ bị nhiễm trùng hơn. Các thực phẩm giàu vitamin D như gan cá/ dầu gan cá, lòng đỏ trứng, cá, hải sản và thực phẩm bổ sung vitamin D (sữa, ngũ cốc)...

- Vitamin A có vai trò với miễn dịch dịch thể và miễn dịch tế bào. Thiếu vitamin A làm giảm sức đề kháng từ đó tăng nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng và tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ em. Một số thực phẩm giàu hàm lượng vitamin A như: gan động vật, lòng đỏ trứng, đu đủ, cà rốt, khoai lang, bí ngô, cam, xoài, gấc, bông cải xanh, rau cải bó xôi....

- Vitamin E hỗ trợ làm chậm quá trình suy giảm hệ thống miễn dịch, bảo vệ tế bào khỏi bị tổn thương, do đó tăng sức đề kháng của cơ thể với các bệnh nhiễm khuẩn mạnh hơn. Vitamin E có nhiều trong trong các loại hạt: hạt hướng dương/dầu hướng dương, hạt ô-liu/ dầu ô-liu, đậu nành/giá đỗ, vừng, đậu phộng, lúa mì, các loại rau có màu xanh đậm như rau mầm, rau chân vịt....

-Protein (chất đạm): Đây là thành phần của các mô cấu tạo cơ thể, kháng thể, hồng cầu, nội tiết tố,... Chất này đóng vai trò nòng cốt cấu thành hệ thống miễn dịch. Chất đạm có từ nguồn động vật như các loại cá, thịt, hải sản, trứng, sữa.. và nguồn thực vật như nấm, đậu hủ, đậu đỗ, các loại hạt,...

-Sắt: cần thiết cho tổng hợp gen di truyền ADN, nghĩa là nó cần thiết cho quá trình phân bào. Thiếu sắt đồng nghĩa với tình trạng nhiễm khuẩn tăng. Sắt có nhiều trong thịt đỏ, lòng đỏ trứng, gan, đạm nguồn động vật khác và một số thực phẩm nguồn thực vật như nấm mèo, nấm hương, rau dền đỏ, đậu tương...

-Kẽm: Giúp tăng cường miễn dịch, giúp làm vết thương mau lành và giúp duy trì vị giác, khướu giác.Kẽm tham gia vào hàng trăm enzym chuyển hóa trong cơ thể, vì vậy khi thiếu kẽm con người dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, tiêu hóa do giảm sức đề kháng. Bạn có thể bổ sung kẽm thông qua các thực phẩm như: thịt, cá, hải sản đặc biệt các động vật có vỏ như: hàu, cua, sò....

"Một chế dinh dưỡng cân đối, đầy đủ, hợp lý giữa các nhóm chất như đạm, đường, béo và các vitamin, khoáng chất trong chế độ ăn sẽ giúp cơ thể hình thành hệ miễn dịch vững chắc. Ví dụ, với người trưởng thành một ngày tối thiểu ăn đủ 400g rau và 200g quả thì sẽ đáp ứng đủ liều vitamin C cần thiết cho cơ thể. Hoặc vitamin A thì có trong các loại củ quả màu đỏ, vàng như đu đủ, cà rốt hay các rau có màu xanh đậm. Uống sữa hay ăn các chế phẩm từ sữa là nguồn cung cấp canxi....Tất cả những dưỡng chất này sẽ giúp ta duy trì được hệ miễn dịch, chống chọi lại các tác nhân gây bệnh", GS Lê Thị Hương cho biết.

Bộ Y tế đã xây dựng bảng nhu cầu dinh dưỡng phù hợp cho từng lứa tuổi cụ thể để người dân có thể tham khảo và thực hành. Các chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyến cáo, bổ sung vi chất dinh dưỡng thông qua thực phẩm là cách an toàn và hiệu quả nhất. Trong trường hợp muốn bổ sung vi chất dinh dưỡng thông qua chế phẩm thì cần được tư vấn của bác sỹ, bởi nếu bổ sung quá nhiều dẫn tới tình trạng dư thừa trong cơ thể sẽ gây ra tác dụng ngược có hại cho sức khỏe.