Trong lịch sử, bóng đá Italia đã trải qua vô số khoảnh khắc thăng trầm. Việc lần đầu tiên vắng mặt ở vòng chung kết World Cup 2018 sau 60 năm chắc chắn là một trong những thời khắc đen tối nhất. Nhiều CĐV Italia nhớ mãi những giọt nước mắt cay đắng của thủ môn Buffon sau khi bị Thụy Điển loại ở trận play-off. Nhưng khoảnh khắc đó cũng là khởi điểm cho quá trình hồi sinh của đội tuyển Italia, bắt đầu từ việc bổ nhiệm Roberto Mancini. Việc đầu tiên mà Mancini làm sau khi nhận nhiệm vụ là xem lại băng hình 2 trận play-off với Thụy Điển, để rồi ông nhận ra rằng, tuyển Italia cần phải chơi bóng quyết liệt, phải pressing ngay trên phần sân đối phương.

Hãy nói qua về tình hình bóng đá Italia lúc đó. Cựu chủ tịch Liên đoàn bóng đá Italia Carlo Tavecchio và cựu HLV trưởng Gian Piero Ventura là những thảm họa. Việc HLV Conte giúp một trong những đội Italia yếu nhất lịch sử vào tứ kết Euro 2016 không che giấu nổi thực tế bết bát của bóng đá nước này. Thất bại dưới tay Thuỵ Điển khiến hàng loạt danh thủ như Buffon, De Rossi, Barzagli... chia tay đội tuyển. Mancini tiếp quản một đội bóng đang hoài nghi lẫn nhau. Nhưng không chỉ có vậy. Tư tưởng phòng ngự của Italia đã quá cổ hủ, và Liên đoàn bóng đá Ý, mà đại diện là tân phó chủ tịch Costacurta, cần một HLV có tư tưởng cấp tiến như Mancini. Mancini không phải HLV Italia đầu tiên thích các đội áp sát tầm cao như quan niệm phổ biết về tiki-taka trong bóng đá hiện đại. Nhưng ông là nhà cầm quân hiếm hoi sớm được khai phóng. Thời còn là cầu thủ, ở cấp CLB, Mancini không làm học trò của các HLV kiểu cũ, mà là những người nước ngoài như Vujadin Boskov hay Sven-Goran Eriksson. Thời gian dẫn dắt các CLB nước ngoài như Galatasaray, Zenit và nhất là Man City mang đến nhiều điều mới mẻ trong triết lý cầm quân của Mancini.

Việc Italia trình làng một phong cách mới được Mancini tính toán ngay từ đầu. Đó phải là một đội bóng tấn công, vận hành trên nền tảng thứ bóng đá pressing rực lửa thức thời. Nói là làm, Mancini tìm kiếm những nguyên liệu phù hợp cho cuộc cách mạng của mình. HLV 57 tuổi xây dựng một Italia mới mẻ xung quanh những ngôi sao Verratti, Insigne và Jorginho, nhưng đồng thời cũng gửi thông điệp đến các HLV tại Serie A: Hãy tin vào các tài năng trẻ của đất nước. Ông gọi Nicolo Zaniolo lên tuyển khi anh thậm chí chưa đá trận ra mắt Roma. Italia bây giờ có thể không nhiều ngôi sao lớn, nhưng được xây dựng dựa trên dàn cầu thủ được tập trung liên tục với nhau. Sự tin tưởng dần được gây dựng. Khi các thành viên đội bóng gây dựng được niềm tin lẫn nhau, và vào lối đá mà HLV muốn xây dựng, sự đoàn kết đến một cách tất yếu. Và thành quả là một Italia tấn công rực lửa như chúng ta thấy ở 2 trận thắng Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Sỹ với cùng tỉ số 3-0. Nhận xét về một Italia tấn công, nhà báo Trương Anh Ngọc cho rằng:“Dưới thời Roberto Mancini, Italia chủ trương chơi ít chạm, tấn công nhanh, phóng khoáng, tấn công càng nhiều càng tốt. Lối chơi đó trông có vẻ đơn giản, nhưng đòi hỏi triết lý và các cầu thủ phải đáp ứng được tất cả các yêu cầu đó, có khả năng đan bóng và ban bật tốt". Tuy nhiên, là một người theo dõi bóng đá Ý lâu năm, nhà báo Trương Anh Ngọc không xếp Italia vào nhóm ứng cử viên có khả năng vô địch Euro 2020. Chúng ta cũng có thể bị mờ mắt bởi việc Ý đã trải qua gần 30 trận bất bại. Tuy nhiên trong quãng thời gian đó Ý không gặp phải những đối thủ hàng đầu như Anh, Pháp, TBN hay Bỉ... Họ chỉ gặp phải những đối thủ ở tầm trung bình châu Âu, chưa gặp đối thủ lớn nào cả. Đường dài mới biết ngựa hay. 2 trận thắng trước Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Sỹ không nói lên được rằng Ý quá mạnh, ngoại trừ những yếu tố tinh thần. Nhà báo Trương Anh Ngọc nhận định

Bản thân HLV Mancini khi được hỏi về khả năng vô địch của đội nhà cũng đưa ra một đánh giá thận trọng: "Ở giải đấu năm nay, Pháp, Bồ Đào Nha và Bỉ là những ứng viên hàng đầu. Một đội là ĐKVĐ thế giới, một đội là ĐKVĐ châu Âu, đội còn lại đứng đầu BXH FIFA. Các đội bóng này đã được xây dựng trong nhiều năm. Họ được đánh giá cao ơn chúng tôi. Nhưng trong bóng đá, mọi thứ hoàn toàn có thể xảy ra.” Nhưng ẩn đằng sau câu nói đó, người ta vẫn nhận ra tham vọng của Mancini. Cái vẻ thâm trầm, thận trọng nhưng đầy tự tin, hiểu rõ sức mạnh đối thủ và năng lực bản thân này là khí chất thường thấy ở các nhà vô địch.

Một Italia không có ngôi sao, bị đánh giá cực thấp trước ngày vào giải, nhưng có nét rất giống với hai đội bóng trước thềm World Cup 2006 và 1982. Ngày đó, Italia cũng không được xếp vào hàng ứng viên vô địch, nhiều cầu thủ dự giải với án phạt treo lơ lửng trên đầu, nhưng rồi cuối cùng đã đi thẳng một mạch đến ngôi vô địch. Italia có thể vô địch Euro 2020 hay không? Hoàn toàn có thể, nhưng “đường dài mới biết ngựa hay”.