Hơn 20 năm trước, tại Hải Phòng, tiền vệ Văn Thị Thanh ở tuổi 17 đã ghi bàn thắng trong trận chung kết môn bóng đá nữ của SEA Games 2003, giúp đội chủ nhà thắng đội tuyển nữ Myanmar 1 - 0 để đoạt HCV. Với chiến tích này, Văn Thị Thanh được trao Quả bóng vàng nữ 2003. Thành công đó chính là bệ phóng đưa Văn Thị Thanh vươn tới nhiều thành tích khác, trước khi sớm giải nghệ ở tuổi 26 đề theo đuổi sự nghiệp HLV.
Văn Thị Thanh cùng Phong Phú Hà Nam giành HCV giải U19 Quốc gia năm 2010, rồi đoạt HCB giải VĐQG năm 2011. Cũng trong năm 2011, HLV Văn Thị Thanh cũng lấy được bằng C. Năm 2013, sau khi sinh con được 6 tháng, cô đi học để lấy bằng B và tốt nghiệp xuất sắc. 8 năm sau, năm 2021, tiếp tục nhận bằng A. Rối đến cuối năm 2023, Quả bóng Vàng nữ 2003 tốt nghiệp khóa học bằng Pro.
Điều kiện để được ghi danh học bằng Pro vô cùng khắt khe, hơn nữa học viên hầu như chỉ thực hành, gồm cả khóa huấn luyện thực tế tại một môi trường bóng đá hiện đại, như tại Nhật Bản, Hàn Quốc, chưa kể phải viết bài luận dài 5.000 từ hoàn toàn bằng tiếng Anh… Chính vì độ khó cao như vậy nên cả nước ta hiện chỉ có hơn 20 người có bằng Pro. Nhưng gian nan hay thách thức chưa từng làm khó được Văn Thị Thanh, từ quá trình trở thành tuyển thủ khi xưa cho đến cương vị hiện tại là HLV.
Đam mê chưa đủ, mà còn cần khổ luyện…
PV: Trước hết xin cảm ơn HLV Văn Thị Thanh đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện này.
Văn Thị Thanh: Chào quý vị khán thính giả Đài Tiếng nói Việt Nam!
PV: HLV Văn Thị Thanh có viết một cuốn tự truyện, trong đó có lời đề tựa là muốn truyền đi thông điệp về tình yêu bóng đá nữ khắp đất nước?
Văn Thị Thanh: Cá nhân Thanh được trưởng thành từ một cái nôi bóng đá nữ và nhờ có bóng đá mà được thi đấu trên đấu trường quốc tế, nhờ có bóng đá mà Thanh có được như ngày hôm nay. Chính vì lẽ đó mà Thanh luôn luôn nuôi dưỡng niềm đam mê đặc biệt, đó là làm sao sau khi kết thúc sự nghiệp cầu thủ, thì có thể đóng góp nhất định cho bóng đá, dù vai trò như thế nào nhưng Thanh luôn nghĩ một điều là sẽ phải cố gắng có thể tạo ra rất nhiều cầu thủ bóng đá trẻ, cống hiến cho bóng đá Việt Nam, cũng như để các CLB tìm kiếm được nhiều nhân tài cống hiến cho bóng đá nữ Việt Nam.
PV: Tôi tin chắc rằng với hành trình sự nghiệp của mình, Văn Thị Thanh chính là nguồn cảm hứng mạnh mẽ, bởi vì một cô gái Văn Thị Thanh tuổi 14-15 đã vượt qua cả ngàn chông gai. Tôi biết có những mẫu chuyện như là Văn Thị Thanh kéo lốp xe để mà tăng khả năng tì đè, hay là ủ bánh mì nóng vào người cho đỡ lạnh khi tập luyện?
Văn Thị Thanh: Thanh sinh ra trong một gia đình có 4 anh chị em, Thanh là con gái duy nhất nhưng mà niềm đam mê bóng đá khi chỉ mới 10-11 tuổi, thời gian đó thì Thanh có xem bóng đá, thấy các chị như Lưu Ngọc Mai, Bùi Hiền Lương, thi đấu rất quả cảm, thì mình ước gì ngày nào đó, có thể giống như các chị. Ngay từ lúc đó thì Thanh cũng đã nuôi dưỡng niềm đam mê bóng đá, sử dụng quả bòng, hoặc rơm cuộn lại, để có thể chơi. Và 4 anh em đều chơi, cả bố nữa cũng chơi, hàng xóm cứ trêu là nhà này toàn con trai, lúc đó Thanh cũng rất là cá tính. May mắn là khi chơi bóng đá như vậy thì có chơi giải giữa các xã với nhau. Có thầy Phạm Hải Anh là người đặt nền móng cho bóng đá Hà Nam, thì có đi về đấy dạy thì lọt vào mắt xanh của thầy, thì đã ứng tuyển lên và những kỷ niệm sau đó thì rất là khó khăn, cũng như rất đáng nhớ. Như là khi được vào đội năng khiếu của tỉnh Hà Nam, gia đình thuần nông, điều kiện không có nên bố sử dụng phương tiện bằng xe đạp, bố mẹ thay nhau chở Thanh lên chỗ tập trung, tại thị trấn Hòa Mạc, huyện Duy Tiên, bây giờ là thị xã Duy Tiên. Trời thì lạnh, mà quần áo chưa được đầy đủ nên bố nghĩ ra cách mua bánh mì để Thanh cho vào người cho ấm. Đó là kỷ niệm khó quên về sự đồng hành của bố để Thanh có được ngày hôm nay. Thanh luôn ghi nhớ một điều rằng, những khó khăn đấy đê Thanh có được như ngày hôm nay, vậy thì cố gắng làm sao mình càng có những đóng góp nhất định để cống hiến cho bóng đá nước nhà.
PV: Nhắc đến câu chuyện thời ấu thơ, nhắc đến người cha của mình, cũng như người thầy đầu tiên là thầy Hải Anh, Văn Thị Thanh có thể chia sẻ chi tiết hơn về việc cô gái tuổi 14-15, thuyết phục gia đình như thê nào, cũng như có điều đặc biệt gì để người đi tuyển chọn co thể nhìn ra, rồi hướng dẫn các bước tiến đầu tiên?
Văn Thị Thanh: Thanh thì nghĩ rằng, trước tiên khi mình chơi bất cứ môn thể thao nào thì mình cũng phải có niềm đam mê đã, kể cả mình có năng khiếu, thì xuất phát điểm phải là đam mê với nghề, có trách nhiệm với nghề mà mình đang theo. Ngày xưa, Thanh cực kỳ đam mê bóng đá, lúc nào cũng chỉ nghĩ đến bóng đá thôi, kể cả đi học văn hóa, lúc nghỉ tập, thứ bảy, chủ nhật, mọi người có thể nghỉ ngơi, đi chơi, còn Thanh dành thời gian để tập. Chính vì việc tự tập đó đã giúp Thanh đạt được thành công nhất định, có thể nói là trong 100%, chỉ có 1% xuất phát từ năng khiếu thôi, còn lại 99% đó là khả năng tự rèn luyện. Nên là, đam mê chưa đủ, mà còn qua khổ luyện để đạt được thành công.
PV: Đam mê và khổ luyện đã làm nên Văn Thị Thanh tuổi 14 ăn tập bóng đá nữ, rồi tuổi 17 tỏa sáng ở ĐTQG. Chúng ta hãy nhìn lại năm 2003, Văn Thị Thanh đã tỏa sáng trong trận chung kết SEA Games trên sân nhà, với bàn thắng mang về tấm HCV. Thành tích đó đã thay đổi sự nghiệp của Văn Thị Thanh như thế nào?
Văn Thị Thanh: Phải nói là rất, rất thay đổi. Trước khoảng thời gian đó thì Thanh đã phải phấn đấu rất nhiều. Thanh được gọi lên tập trung ĐTQG để chuẩn bị tiền SEA Games, nhưng mà kinh nghiệm chưa có, lại có rất nhiều những chị đã trưởng thành, đã thể hiện được bản thân mình, cho nên là Thanh, sau giải VĐQG thì được triệu tập lên tuyển. Sau một thời gian thì chưa đáp ứng được, Thanh đã bị loại và Thanh đã khóc rất nhiều, luôn luôn nghĩ trong đầu là phải phấn đấu thế nào để có thể quay lại ĐTQG. Sau đợt đó thì cơ hội lại đến, lúc đó thầy Mai Đức Chung có gọi lại để chuẩn bị cho SEA Games, lúc đấy phải cạnh tranh với rất nhiều chị, đội có sự gắn kết rồi, còn mình là em út. Đợt đấy có giải tiền SEA Games, Thanh được sửu dụng ở vị trí hậu vệ và tiền vệ cánh phải, không được đá chính đâu nhưng mà được thay vào, thì cứ vào sân là ghi bàn. Giải đấy thì Thanh là Vua phá lưới, giải được tổ chức ở Quảng Ninh, rất là nhớ. Và có tình huống ghi bàn, dẫn bóng thay đổi đột ngột và có thể dứt điểm bằng cả 2 chân. Sau quãng thời gian đấy thì đội có chuẩn bị cho SEA Games, thì lúc đó Thanh luôn trong trạng thái nghĩ rằng nếu mình không phấn đấu thì có thể bị về bất cứ lúc nào. Đi tập huấn ở Nhật Bản, cũng như sang Trung Quốc. Lúc đấy có vị trí cho Thanh và cơ hội đã đến, đó là khi về Hải Phòng để dự SEA Games, bác Mai Đức Chung nhìn ra Thanh sử dụng được chân trái, tạo điều kiện cho Thanh được thử nghiệm vài trận và đã lấy được sự tin tưởng của thầy. Thanh được đá chính, rồi kỷ niệm cực kỳ đáng nhớ là Thanh được Quả bóng Vàng 2003, đến thời điểm hiện tại là cầu thủ 17 tuổi, cầu thủ trẻ nhất trong lịch sử giành được Quả bóng Vàng Việt Nam.
Việc học rất quan trọng!
PV: Giải nghệ năm 26 tuổi, hiện đang ở tuổi 40, trải qua rất nhiều những khóa huấn luyện của Liên đoàn bóng đá châu Á, từ bằng C, lên bắng B, A, và bằng Pro AFC. Hơn 10 năm theo đuổi việc học như vậy thì có những khó khăn như thể nào?
Văn Thị Thanh: Thanh thì dành thời gian vừa học vừa thực hành, vừa trải nghiệm, 9 năm làm bóng đá tại CLB Phong Phú Hà Nam, 5 năm làm đào tạo trẻ tại VFF. Thanh nghĩ một điều là, nếu như mình ngừng học thì có nghĩa là mình sẽ phải ngừng dạy. Tại vì bóng đá nó sẽ thay đổi, phải năm bắt được bóng đá thế giới người ta đang có xu hướng phát triển như nào. Vậy thì mình phải trau dồi càng nhiều kiến thức để hỗ trợ cầu thủ, để cầu thủ sẽ được rút ngắn con đường đi để thành cầu thủ chuyên nghiệp. Nếu như gặp HLV tốt thì cầu thủ sẽ tốt, dành những gì tốt đẹp nhất cho cầu thủ để làm sao để người nuôi dưỡng cùng cầu thủ, giúp đỡ hỗ trợ cầu thủ trên con đường chuyên nghiệp.
PV: Với bằng Pro AFC, cả nước ta chỉ có vài chục người thôi, và đặc biệt hơn, Văn Thị Thanh chính là người phụ nữ Việt Nam duy nhất đến thời điểm hiện tại có bằng Pro AFC. Văn Thị Thanh có thể chia sẻ thêm về tấm bằng này?
Văn Thị Thanh: Đối với Thanh thì tấm bằng nào cũng rất quan trọng, và quan trọng hơn là sau khi học được tấm bằng đó thì mình giúp được gì cho công việc, hỗ trợ được gì cho cầu thủ. Để mà đi học được đến bằng Pro này thì Thanh bắt đầu học bằng C từ năm 2012, đến bằng Pro này là 2023, gần 12 năm để có bằng Pro đấy thì mình học xong cũng đã có quãng thời gian huấn luyện các cầu thủ, để cân bằng giữa lý thuyết và thực hành. Quãng thời gian đó Thanh rất trân quý vì giúp cho Thanh vững vàng hơn trong công tác huấn luyện. Trong quá trình học bằng Pro rất vất vả, học 4 kỳ, và đặc biệt là kỳ đi trải nghiệm tại Nhật Bản, để biết đến nền bóng đá phát triển, học về cách quản lý cũng như vận hành một đội, rất khó khăn mà cũng rất thú vị. Nếu như ai có muốn học bằng Pro, đừng nghĩ là khó quá, chẳng vươn tới đâu, nhưng mà mọi người học, sẽ cảm thấy là yêu nghề và muốn cống hiến được nhiều hơn cho bóng đá Việt Nam.
PV: Với góc nhìn của một HLV có bằng Pro AFC được tiếp cận bóng đá hiện đại, còn khi thi đấu là một tiền vệ tấn công với khả năng ghi bàn sắc bén, vậy, triết lý bóng đá mà HLV Văn Thị Thanh theo đuổi là gì?
Văn Thị Thanh: Để mà xây dựng một triết lý thì vô cùng khó khăn. Nó hội tụ rất nhiều yếu tố, quan trọng nhất là có sự đồng lòng, từ chủ quản CLB, rồi có tiền đề từ trước đó rồi. Ví dụ như mình là người mới, mình đến mình thay đổi hoàn toàn triết lý thì lại rất khó khăn. Các đội sẽ tìm HLV phù hợp với lối chơi của đội đấy, để lám ao thích nghi và cứ thế vận hành thôi. Ở bằng HLV chuyên nghiệp Pro, người ta nêu rõ hôm nay có thể làm ở CLB này, vài năm sau tôi lại làm CLB khác. Như HLV Mourinho từng làm không quá 5 năm ở một CLB, vì 5 năm là quá đủ một hành trình, nên tôi cần xây dựng một CLB khác để làm sao có khát khao hơn, để xây dựng triết lý nó phải dựa vào cách chơi như nào, con người CLB đó nữa. Và để xây dựng triết lý thì tôi cần con người này, con người kia. HLV là người hỗ trợ cầu thủ thi đấu. Còn cá nhân Thanh thì hiểu rẳng, bóng đá luôn luôn có tấn công và phòng thủ, tùy từng mục đích trận đấu thì mình đưa ra là tấn công nhiều hay mình sử dụng phòng thủ, hay như nào đó. Riêng về lối đá thì Thanh ưa lối đá thiên về tấn công nhiều hơn.
PV: Liên quan đến nguồn lực cầu thủ, nhìn vào thành công gần đây của ĐT nam Indonesia với làn sóng nhập tịch cầu thủ, chúng ta cũng đang làm ở ĐT nam qua việc mở rộng cánh cửa đón cầu thủ Việt kiều. Với bóng đá nữ thì sao, chúng ta cần sớm mở rộng cánh cửa với nữ cầu thủ Việt kiều?
Văn Thị Thanh: Đương nhiên bay giờ mình có 10 sự lựa chọn thôi thì sẽ bị giới hạn về con người, nhưng giờ nếu có 100 sự lựa chọn, 1000 sự lựa chọn thì sẽ tìm kiếm được nhiều cầu thủ hơn. Chúng ta nên nghĩ tới một là Việt kiều này, hai là nhập tịch, Thanh nghĩ là cần xúc tiến càng sớm càng tốt, để làm sao thu hút được nhiều nhân tài. Vừa rồi chúng ta có lần đầu dự World Cup, nó cũng đã gây tiếng vang, những người phụ nữ Việt Nam đã làm được điều mà có lẽ bóng đá nam cũng rất lâu nữa mới làm được, phải đẩy cao thương hiệu đấy lên để tìm cầu thủ Việt kiếu, cũng như là chính sách nhập tịch nữa. Vì như chúng ta biết là ĐT nữ Philippines bây giờ, đa số là cầu thủ lai, hoặc nhập tịch châu Âu, chính sách cởi mở nên thu hút được nhiều nhân tài, nhìn các bạn đá đã rất khác. Nên Thanh nghĩ là cần phải đẩy mạnh, thu hút nguồn Việt kiều, cũng như chính sách nhập tịch.
PV: Bên cạnh chuyện World Cup thì việc Huỳnh Như từng sang Bồ Đào Nha thi đấu cũng tạo ra hình ảnh đẹp hơn cho bóng đá Việt Nam. HLV Văn Thị Thanh đề xuất gì để cầu thủ nữ hiện giờ có thêm cơ hội để khẳng định tên tuổi?
Văn Thị Thanh: Vừa rồi thì với sự hậu thuẫn của Tập đoàn T&T đã hỗ trọ cho CLB nữ Thái Nguyên, và đội đã đoạt HCĐ lịch sử sau 20 năm dự giải VĐQG, bên cạnh đó thì cũng có HCĐ, HCB giải trẻ. Bên cạnh đó thì đội Thái Nguyên T&T, rong công tác chuyển nhượng, có một số cầu thủ Tp HCM đã chuyển đến Thái Nguyên T&T, đấy là bước đầu để bóng đá nữ lên chuyên nghiệp, bao gồm có chuyển nhượng, cầu thủ không phải là người ta thi đấu trọn vẹn từ đầu đến cuối chỉ tại một CLB. Nếu như cầu thủ thể hiện tốt thì người ta có giá trị trên thị trường chuyển nhượng, cũng như là người ta có cơ hội được thi đấu ở nhiều CLB hơn. Đó là thứ nhất, thứ hai Thanh nghĩ là trong tương lai bóng đá có cầu thủ Việt kiều về thi đấu cho các CLB, có cả các cầu thủ ngoại về thi đấu để làm sao tăng chất lượng giải VĐQG và Cúp QG. Và những HLV, những nhà chức trách, đẩy trình độ cầu thủ lên đến có thể thi đấu nước ngoài. Huỳnh Như là bước đi đầu tiên, Thanh nghĩ là cầu thủ nữ nước ta được đào tạo, được nâng tầm, thì có thể thi đấu quốc tế, ngay cả Đông Nam Á như tại Thái Lan hay là Philippines.
PV: Khi giới chuyên môn điểm danh một số cái tên có thể thay thế HLV Mai Đức Chung trong tương lai, có cả tên của Văn Thị Thanh. Và Thanh nghĩ sao về mục tiêu lón tiếp theo, đó là trở thành HLV trưởng ĐT nữ quốc gia?
Văn Thị Thanh: Ai cũng có mục tiêu của riêng mình, cá nhân Thanh ước mơ cao nhất là HLV trưởng của ĐTQG. Tuy nhiên để đạt được trình độ đó thì còn phải học hỏi rất nhiều. Thanh vẫn đang dần dần khẳng định bản thân minh để làm sao có thể cống hiến được. Công việc đang làm thì mình cố gắng hoàn thành tốt, còn ước mơ đấy là cái đích hướng tới, phụ thuộc vào nỗ lực của cá nhân Thanh, cũng như là hiệu quả công việc đang làm nữa.
PV: Một lần nữa cảm ơn HLV Văn Thị Thanh! ./.