Đại hội đã thống nhất được nhiều thay đổi mang tính bước ngoặt cho giai đoạn tới. Cụ thể: đổi tên “Hiệp hội Paralympic Việt Nam” thành “Ủy ban Paralympic Việt Nam” nhằm phù hợp với các quy định của quốc tế. Dự kiến đến tháng 12 năm nay, Hiệp hội sẽ gửi văn bản tới Ủy ban Paralympic Quốc tế để xác nhận về tên gọi trong nhiệm kỳ tới. Đồng thời đại hội cũng thống nhất nâng thời gian mỗi nhiệm kỳ từ 4 năm lên thành 5 năm.

Theo đánh giá, trong nhiệm kỳ vừa qua, được sự quan tâm của Cục Thể dục thể thao, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp luôn sát sao, đồng hành với những hoạt động của Hiệp hội. Thành tích của VĐV người khuyết tật cũng được nâng lên rõ rệt, hoạt động của Hiệp hội đi vào nề nếp. Chỉ riêng trong năm 2023, đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam đã thi đấu thành công ở ASEAN Para Games 12 diễn ra tại Campuchia khi giành được 201 huy chương, trong đó có 66 HCV, xếp thứ 3 toàn đoàn, đồng thời thiết lập 19 kỷ lục Đại hội. Tại Asian Para Games diễn ra ở Hàng Châu (Trung Quốc), các VĐV Việt Nam giành 1 HCV, 10 HCB và 9 HCĐ.

Ông Huỳnh Vĩnh Ái, Chủ tịch Hiệp hội Paralympic Việt Nam cho biết, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, thể thao người khuyết tật Việt Nam còn nhiều hạn chế. Hiện, cả nước chỉ có gần 40 VĐV người khuyết tật đang được hưởng chế độ dinh dưỡng, tập luyện theo chính sách của nhà nước. Đây là con số còn khá khiêm tốn và lực lượng VĐV người khuyết tật theo tập thể thao đỉnh cao cần được nhân rộng hơn nữa ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Trong nhiệm kỳ mới, Hiệp hội đặt mục tiêu có 1,5 triệu người khuyết tật tham gia hoạt động và tập luyện thể dục thể thao với 15 môn được phổ cập rộng rãi trong cộng đồng. Để làm được điều này, Ban Chấp hành, Ban thường vụ của Hiệp hội Paralympic cần phát huy, đẩy mạnh hơn nữa việc kết nối, kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp cùng chung tay đầu tư cho sự nghiệp phát triển thể thao người khuyết tật Việt Nam bằng những hoạt động thiết thực như tài trợ, đầu tư nguồn kinh phí cử VĐV đi thi đấu, tập huấn tại nước ngoài nâng cao trình độ, thành tích chuyên môn. Ngoài ra, chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện cho VĐV tại các Trung tâm, cơ sở đào tạo mà VĐV người khuyết tật đội tuyển quốc gia đang theo tập. Cùng với đó, quan tâm nhiều hơn nữa tới chính sách đãi ngộ dành cho VĐV người khuyết tật trong quá trình thi đấu và khi giải nghệ. Sớm kiện toàn, ổn định hệ thống Câu lạc bộ hiện có, mở thêm các Câu lạc bộ Thể thao người khuyết tật tại Thái Bình, Quảng Ninh, Thái Nguyên...

Trong khuôn khổ đại hội, Hiệp hội Paralympic Việt Nam đã tổ chức Lễ vinh danh và trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các huấn luyện viên, vận động viên đạt thành tích cao tại Asian Para Games 4./.