"Tokyo 2020 là kỳ Olympic bình đẳng giới đầu tiên trong lịch sử, với 48,8% VĐV nữ tham gia" - đó là thống kê mà Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) Thomas Bach đặc biệt nhấn mạnh khi nói về kỳ Thế vận hội mùa hè năm nay. Để đạt được con số bình đẳng đó, Olympic đã phải trải qua một chặng đường rất dài. Kỳ Olympic đầu tiên vào năm 1896 tại Athens (Hy Lạp), toàn bộ 241 VĐV dự giải đều là nam giới. Và đến Paris 1900, các VĐV nữ xuất hiện, cụ thể là 22 người trên tổng số 997 người, đạt tỉ lệ 2,2%. Nhưng ngay cả khi tỷ lệ VĐV nữ xấp xỉ 50%, cũng chỉ cho thấy nữ giới đến với thể thao nhiều hơn, chứ chưa chắc đã là minh chứng cho chiến thắng của “nữ quyền”.
An San là một trong những hiện tượng ở Tokyo 2020 nhờ tài bắn cung bách phát bách trúng cùng vẻ đẹp đầy cá tính. Cô gái 20 tuổi người Hàn Quốc đã giành ba HCV ở các nội dung cá nhân nữ, đồng đội nữ và đồng đội hỗn hợp. Tỏa sáng rực rỡ như vậy song An San vẫn vấp phải sự chỉ trích từ những gã đàn ông quá khích tại Hàn Quốc. Cụ thể, trên mạng xã hội ở xứ Kim chi, không ít nam giới đã lên tiếng chỉ trích An San vì cô… cắt tóc ngắn, cho rằng An San đang cố gắng “thể hiện nữ quyền”, điều mà họ không chấp nhận trong xã hội. Tất nhiên, thành công vang dội của An San giúp cô nhận được nhiều sự ủng hộ và bảo vệ hơn. Có gần 10.000 phụ nữ Hàn Quốc nhân dịp này đã chụp ảnh tóc ngắn trên các nền tảng mạng xã hội để đứng về phía An San, đồng thời yêu cầu sự tôn trọng dành cho nữ giới.
Câu chuyện nữ quyền còn xuất hiện ở môn Thể dục dụng cụ, khi các nữ tuyển thủ Đức mạnh dạn mặc trang phục Unitard với quần dài đến mắt cá chân, thay vì trang phục thường thấy là Leotard, vốn trông giống đồ bơi một mảnh. Thông điệp của đội tuyển Đức nhằm khẳng định: các nữ VĐV có quyền lựa chọn trang phục họ cảm thấy phù hợp, không bị “tình dục hóa” trong lúc thi đấu. VĐV Elisabeth Seitz chia sẻ: "Chúng tôi cảm thấy trang phục kiểu Jumpsuit có sự thoải mái trong khi tham gia thi đấu. Điều này không có nghĩa chúng tôi không muốn mặc trang phục theo quy chuẩn bình thường nữa. Điều đó tùy vào từng ngày, dựa trên cảm xúc và ý muốn của chúng tôi".
Cũng với mục đích chấm dứt nạn “tình dục hóa” trong thể thao, bộ phận truyền thông Olympic Tokyo 2020 đã điều chỉnh góc quay nhằm thể hiện sự tôn trọng đối với các nữ VĐV, không thực hiện cận cảnh phóng to vào hình thể, không để lộ những điểm nhạy cảm trên cơ thể. "Sự hấp dẫn về thể thao, chứ không phải là sự hấp dẫn về giới tính” là khẩu hiệu mà các nhà tổ chức Olympic đã tuân thủ nghiêm túc. Và không chỉ dừng lại ở các góc quay, lịch trình các trận thi đấu của nữ VĐV cũng được sắp xếp lại nổi bật hơn, điển hình trong môn bóng chuyền và bóng ném, các trận chung kết của nữ được tổ chức sau trận của nam.
Nhìn sang đường đua xanh, nữ VĐV Yusra Mardini tuy không tiến sâu ở nội dung 100m bơi bướm, song lại khiến công chúng thán phục. Cô gái sinh năm 1998 này là người Syria và hiện tại đang sinh sống tại Đức. Cô tham dự kỳ thế vận hội Olympic Tokyo 2020 với tư cách là một thành viên của Đoàn Olympic Tị nạn. Đây là lần thứ hai Đoàn Olympic Tị nạn hiện diện tại Thế vận hội. So với lần đầu ở Rio 2016, đoàn thể thao đặc biệt này có số VĐV tăng gần gấp ba, từ 10 lên 29 thành viên, từ nhiều quốc gia đang xảy ra xung đột hoặc nội chiến. Với Yusra Mardini, năm 2015, cô cùng chị gái đã quyết định rời khỏi vùng chiến sự khốc liệt ở Syria. Trong quá trình di chuyển, chiếc thuyền của cô cùng 20 người tị nạn khác đột nhiên chết máy giữa biển. Không chút do dự, cô nhảy xuống nước và dùng sức đẩy chiếc thuyền trong khoảng 4 tiếng đồng hồ, trở thành người cứu hộ cho 18 mạng người trong thời khắc cận kề sinh tử. Năm 2017, Mardini được bổ nhiệm làm Đại sứ Thiện chí của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn. Đến Olympic Tokyo 2020, cô đảm nhận trọng trách cầm cờ của Đoàn Olympic Tị nạn.“Thể thao là lối thoát cho chúng tôi. Chúng tôi có thể hy vọng vào đó để xây dựng một cuộc sống mới” - Kình ngư sinh năm 1998 chia sẻ.