Tham dự giải năm nay có 4 đội bóng gồm Hà Nội, Thái Sơn Nam, và Phong Phú Hà Nam 1 và Phong Phú Hà Nam 2. Các đội thi đấu vòng tròn lượt đi và lượt về, tính điểm xếp hạng chọn đội vô địch, nhì, ba. Sau 10 ngày thi đấu gay cấn và hấp dẫn, đội tuyển Futsal nữ Thái Sơn Nam đã xuất sắc giành ngôi vô địch với thành tích bất bại (6 trận toàn thắng) và nhận phần thưởng cúp, cờ, huy chương Vàng và giải thưởng 50 triệu đồng. Đội trưởng Nguyễn Thị Châu chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên bọn em được tham gia giải vô địch quốc gia, nên bản thân em và mọi người đều hào hứng, vinh dự và quyết tâm. Tụi em rất vui sướng và cảm ơn VFF đã tạo điều kiện cho bọn em, tại bọn em rất ít có cơ hội cọ sát, rất ít đội tham gia thi đấu."

Chức vô địch của Thái Sơn Nam Quận 8 là điều gần như nằm trong dự đoán, bởi đây là câu lạc bộ bóng đá nữ Futsal duy nhất ở Việt Nam. Các đội bóng còn lại hầu hết là chắp vá HLV Phùng Thị Minh Nguyệt của CLB Hà Nội cho biết: "Hà Nội tham gia với lực lượng toàn là các cầu trẻ và cầu thủ của sân 11, chứ chưa có sân Futsal cho nên các em còn nhiều bỡ ngỡ và cũng phải cố gắng rất nhiều, cho nên cũng không giành được thứ hạng tốt. Đương nhiên là gặp khó khăn rồi bởi Futsal là chơi một kỹ thuật, một chuyên môn chiến thuật khác, còn sân lớn sân 11 lại có một kỹ thuật chiến thuật khác."

Cựu tiền vệ của đội tuyển nữ Việt Nam chia sẻ thêm: "Các em vẫn có một thói quen là chơi sân 11 có nhiều đồng đội chơi, cho nên các em cũng chưa bắt nhịp được ngay, hỗ trợ ngay cùng đồng đội, cũng như là kiểm soát bóng vẫn theo kiểu sân lớn, sân 11 là đỡ bằng lòng bàn chân chứ không phải là gầm bàn chân, nhiều cái cũng còn rất bỡ ngỡ, phải học tập."

Ngay cả Tuyết Dung, một cầu thủ nổi tiếng về kỹ thuật cá nhân và thường xuyên tham dự các trận đấu Futsal cũng chia sẻ: "Mình là cầu thủ mà, kể cả tập sân lớn nhưng thỉnh thoàng mình vẫn thi đấu sân 5, sân 7 cho nên việc thích ứng cũng rất là nhanh, nhưng cái khó nhất là cảm giác bóng giữa sân 5 và sân 7 nó khác nhau hoàn toàn, cần rất nhiều thời gian nhưng Dung chỉ có một thời gian ngắn để cảm giác bóng."

Việc Liên đoàn bóng đá Việt Nam lần đầu tổ chức giải Futsal nữ VĐQG là một nỗ lực không nhỏ, nhằm tạo điều kiện tuyển quân cho đội tuyển Futsal nữ Quốc gia nhằm chuẩn bị hướng tới SEA Games 31 và các mục tiêu xa hơn trong tương lai. Nhưng đây vẫn chỉ là một giải pháp tình thế bởi việc các cầu thủ sân 11 người được triệu tập vào đội tuyển Futsal quốc gia là câu chuyện quen thuộc trong những năm qua. Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh chia sẻ: "Thực sự đó là một giải pháp về tình thế, vì đối với Futsal nữ thì ở thành phố Hồ Chí Minh chỉ có duy nhất một đội Quận 8, hàng năm Liên đoàn bóng đá TP Hồ Chí Minh tổ chức giải Futsal mở rộng để mà tìm kiếm thêm cầu thủ nhưng nguồn cầu thủ đấy vẫn thiếu. Do vậy việc phải lựa chọn thêm một số cầu thủ bên sân lớn để vào chơi Futsal là một giải pháp tình thế trong thời điểm chúng ta chưa có điều kiện hoàn thiện hệ thông giải Futsal quốc gia."

Ngay cả các cầu thủ được chọn, tuy mang trong mình niềm tự hào khi được thi đấu cho đội tuyển Quốc gia, nhưng nếu được lựa chọn họ vẫn không muốn được gọi lên tuyển Futsal. "Đội tuyển quốc gia trước đây em chỉ đi đội U19 và U16, còn tuyển lớn em chưa đi Bản thân em tập quen sân cỏ rồi, em vẫn muốn chơi sân cỏ hơn là futsal." "Sân Futsal và sân cỏ nó khác biệt nhau nên việc chọn giữa sân lớn và sân bé em sẽ chọn sân lớn, bởi vì chuyên môn của em là bên sân lớn. Mặc dù có tiếc nhưng do mình đá chuyên nghiệp trên sân cỏ nên em sẽ theo sân cỏ."

Bản thân huấn luyện viên Trương Quốc Tuấn của đội tuyển Futsal nữ Việt Nam cũng đã nhiều lần đề nghị: "Chúng ta muốn một đội tuyển có chuyên môn tốt, mau tiến bộ và có tâm lý vững vàng thì không việc gì bằng chúng ta phải tạo điều kiện cho họ thi đấu thường xuyên, tham dự các giải đấu quốc tế, để bản lĩnh thi đấu vững vàng lên. Khả năng của đội tuyển chúng ta rất lớn, Muón phát triển Futsal nữ tại Việt Nam thì chúng ta cần phải có những đội bóng nữ Futsal chuyên nghiệp tập luyện hàng năm, VFF cũng nên tổ chức giải vô địch quốc gia nữ. Để phát triển, chúng ta cần có nguồn cầu thủ trẻ dồi dào, những CLB bóng đá nữ trong nước phải thành lập các đội Futsal riêng, để BHL có nhiều lựa chọn."

Nhưng theo ông Trần Anh Tú, Uỷ viên thường trực BCH, Trưởng ban Futsal LĐBĐVN, để làm được điều này là rất khó. "Thực sự lực lượng của Futsal nữ chúng ta rất khó khăn. Vì việc đầu tư cho Futsal nữ cần rất nhiều yếu tố, đặc biệt là nguồn cầu thủ. Với Futsal nam chúng tôi tìm nguồn cầu thủ rất khó khăn, nhưng vẫn dễ hơn Futsal nữ rất nhiều. Cho nên chúng ta cũng cần phải căn cứ vào thực tế của phong trào để chúng ta đặt ra mục tiêu cho phù hợp. "

Quả thực đây là một vấn đề khá nan giải, bởi cho dù có nguồn cầu thủ nhưng việc không có kinh phí đầu tư cho bóng đá nữ tiếp tục là một câu chuyện thường ngày của bóng đá nữ Việt Nam. Ngay cả nhà tài trợ của giải bóng đá nữ quốc gia Thái Sơn Bắc cũng nhiều lần cảm thấy cô đơn khi đứng 1 mình một chiến tuyến trong suốt 10 năm qua. Ông Bùi Đình Tế, chủ tịch hội đồng thành viên Công ty TNHH Thương mại Thiết bị điện Thái Sơn Bắc chia sẻ: "Thực sự thì năm nào trong lễ công bố nhà tài trợ thì cũng chí có Thái Sơn Bắc, cũng cảm thấy cô đơn hơn. Thái Sơn Bắc đang tài trợ bóng đá nữ thực sự là vô tư, các bạn cũng biết rồi, bóng đá nữ không được quan tâm nhiều bằng bóng đá nam, lượng khán giả trên sân không được nhiều, lượng khán giả truyền hình cũng không nhiều. Kinh phí chúng tôi bỏ ra tài trợ lớn hơn rất nhiều so với những gì chúng tôi nhận được. Chủ yếu là vô tư, ủng hộ cho các cháu thôi."