Tôi là một thính giả quen thuộc của chương trình Người cao tuổi. Qua những tâm sự, băn khoăn của các cụ trong tiết mục Chuyện người già, tôi ngẫm mới thấy: đúng là mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Như gia đình tôi đây cũng vậy, trước nay đâu có chuyện mâu thuẫn gì lớn, thế mà từ ngày bà tôi về với ông bà tổ tiên lại sinh ra nhiều chuyện. Thật ra thì “đầu cau, tai nheo” là thế này”
Vợ chồng tôi có 4 người con, trai gái đủ cả. Các con tôi đều đã thành gia lập thất, công việc ổn định. Chúng cũng thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ nhau nhiều trong cuộc sống. Còn các cháu trong nhà đứa nào cũng ngoan ngoãn. Tuy mỗi đứa đều có cơ ngơi riêng nhưng đại gia đình nhà tôi vẫn sống quây quần trong cùng một làng. Nhờ vậy mà bố mẹ, con cái cũng có điều kiện quan tâm, chăm sóc đến nhau nhiều hơn. Chứ như nhiều gia đình, con cái mỗi đứa mỗi nơi, gặp nhau còn khó, nói gì đến chuyện chăm lo cho nhau. Với vợ chồng già chúng tôi như vậy là quá viên mãn rồi.
Thế nhưng cách đây không lâu, gia đình nhà tôi lại chịu sự mất mát quá lớn, đó là sự ra đi đột ngột của bà nhà tôi. Hàng xóm đều nói nhà tôi tốt phước nên bà ấy mới ra đi thanh thản, không bệnh tật gì như vậy. Thôi thì đó là quy luật tự nhiên “sinh, lão, bệnh, tử” ai mà tránh được. Bố con tôi nén đau thương, lo việc hậu sự cho bà nhà tôi tươm tất, chu toàn nhất có thể.
Sau mấy ngày lo việc cho bà nhà tôi, tôi thấy trong người không được khỏe nên bảo các con tự thu xếp những việc còn lại. Và cũng chính từ đây nảy sinh mâu thuẫn giữa anh em chúng, mà tất cả cũng chỉ liên quan tới số tiền phúng viếng. Chả là, anh con trai cả nhà tôi muốn đem gửi hết số tiền phúng này vào ngân hàng để sau này giỗ chạp mẹ thì lấy tiền đó lo, và trong nhà không ai phải đóng góp nữa. Mà như thế cũng tránh được chuyện, người góp ít lại ngại với người góp nhiều, rồi anh em lại tị nạnh nhau vì chuyện góp giỗ cho mẹ. Và quyển sổ tiết kiệm đó sẽ do tôi giữ cho công bằng để không ai bị mang tiếng là đem tiền của mẹ làm việc riêng. Nhưng các con thứ nhà tôi lại bì tị là bạn bè của người này ít, bạn bè của người kia nhiều nên tốt nhất là phong bì do bạn của người nào đến phúng viếng thì người đó nhận để sau này đi trả lễ cho phải phép. Chứ bây giờ góp vào một quỹ chung thì không hay cho lắm. Đến ngày giỗ của mẹ thì chỉ cần anh cả thống nhất số tiền đóng góp thì các em đứa nào đứa đấy sẽ lo đủ, chứ việc gì mà phải sợ người góp ít, người góp nhiều, cứ đóng đều là sẽ ổn thỏa hết. Sau một hồi tranh cãi mà không đưa ra được quyết định. Chúng đành cậy nhờ đến tôi phân xử. Nhưng tôi cũng không biết nên thu xếp số tiền phúng viếng đó sao cho hợp tình hợp lý. Tôi thấy nói như con trai cả cũng có cái đúng, mà như các con thứ thì cũng chẳng sai. Tôi chỉ băn khoăn một điều là liệu làm theo con trai cả thì các con thứ có hiểu cho tôi không vì tôi là người giữ số tiền đó. Vậy theo các cụ, bây giờ tôi nên làm thế nào?