Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa công bố dự thảo Thông tư mới thay thế Thông tư 23/2017/TT-BGDĐT ngày 29/9/2017 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 24/2021/TT-BGDĐT ngày 8/9/2021, để lấy ý kiến góp ý rộng rãi.
Điểm mới đáng chú ý là tăng cường tự chủ và chịu trách nhiệm giải trình của các đơn vị tổ chức thi hoặc liên kết tổ chức thi: Thông tư chỉ quy định khung, các yêu cầu, tiêu chí tối thiểu đối với các đơn vị tổ chức; không quy định chi tiết quy định và quy trình tổ chức thi như trước đây.
Cụ thể, các cơ sở giáo dục đại học có đào tạo chuyên ngành ngoại ngữ tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ phải có đủ 5 tiêu chuẩn với 18 tiêu chí. Các tiêu chuẩn, tiêu chí được được chốt tại thời điểm ngày 31/12 của năm báo cáo và hoàn thiện chậm nhất vào ngày 31/1 của năm sau liền kề năm báo cáo.
5 tiêu chuẩn gồm: Tổ chức và quản trị, cơ sở vật chất, phần mềm tổ chức thi, trang thông tin điện tử phục vụ công tác tổ chức thi, đề thi, ngân hàng câu hỏi thi.
Riêng về ngân hàng câu hỏi thi, Bộ GD-ĐT quy định: Đề thi phải bảo đảm chính xác, khoa học, chặt chẽ, rõ ràng; theo đúng cấu trúc định dạng đề thi đánh giá năng lực ngoại ngữ được Bộ GD-ĐT ban hành và được xây dựng dựa trên trích xuất ngẫu nhiên từ ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa; trong cùng một đợt thi, mỗi thí sinh một mã đề.
Giữa 2 lần thi liên tiếp, nội dung phần đọc và nghe không trùng nhau quá 25%; phần thi nói và phần viết không trùng nhau.
Ngân hàng câu hỏi thi được xây dựng theo quy trình hướng dẫn kèm theo Thông tư và phải bảo đảm có đủ số lượng câu hỏi để tạo ra tối thiểu 70 đề thi. Các câu hỏi đã sử dụng để tổ chức thi chỉ được xem xét dùng lại sau tối thiểu 2 năm.
Ngân hàng đề thi mỗi năm bổ sung tối thiểu 10% đề thi so với quy định tối thiểu về đề thi. Các đơn vị tổ chức thi có thể dùng chung ngân hàng câu hỏi thi, đề thi để tổ chức thi.
Bộ GD-ĐT cũng quy định, nhân sự chuyên môn để thực hiện ra đề thi, chấm thi: phải có tối thiểu 30 người (đối với tiếng Anh và 20 người đối với các môn ngoại ngữ khác) có bằng thạc sĩ trở lên của một trong các ngành/chuyên ngành: ngành ngôn ngữ tiếng nước ngoài thuộc nhóm ngành Ngôn ngữ, văn học và văn hóa nước ngoài; chuyên ngành ngôn ngữ tiếng nước ngoài thuộc nhóm ngành Khoa học giáo dục.
Những người tham gia ra đề thi/chấm thi chỉ được thực hiện nhiệm vụ ra đề thi/chấm thi đối với các định dạng đề thi bằng hoặc thấp hơn trình độ ngoại ngữ (bậc) mình đã đạt được.
Về cơ sở vật chất, Bộ GD-ĐT quy định, các cơ sở tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ phải có đủ phòng thi để tổ chức thi trên máy tính đồng thời cho tối thiểu 100 thí sinh; Có cổng từ hoặc máy quét cầm tay để rà soát vật dụng và trang thiết bị thí sinh được mang vào phòng thi...
Dự thảo cũng tăng cường các giải pháp để công tác tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc đảm bảo an ninh, an toàn, tin cậy, công bằng, đặc biệt chống thi thay, thi hộ.
Trong đó, bổ sung quy định như: yêu cầu các đơn vị cung cấp ảnh chụp của thí sinh trong quá trình làm bài thi trên hệ thống tra cứu và xác minh chứng chỉ.
Bên cạnh đó, dự thảo bổ sung quy định cho phép đơn vị được tổ chức thi có thể liên kết (test site) với đơn vị khác để tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam nếu đơn vị liên kết đáp ứng các điều kiện theo quy định trong Thông tư. Điều này góp phần mở rộng địa điểm tổ chức thi, tạo thuận lợi cho thí sinh khi dự thi hơn.