Phát biểu tại sự kiện, ông Hoàng Việt Trung - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, Musée Khai Dinh được thành lập năm 1923 theo Thượng dụ ngày 17/8/1923 của Hoàng đế Khải Định và Nghị định số 1201 của Khâm sứ Trung Kỳ P. Pasquier ký ngày 24/8/1923 với nhiệm vụ sưu tập và bảo tồn những tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu phản ánh đầy đủ đời sống kinh tế, xã hội, nghệ thuật và nghi lễ của nước Đại Nam, dùng điện Long An làm trụ sở.

Trong Thượng dụ, Hoàng đế Khải Định ghi rõ: “Tài năng của một dân tộc đều được thể hiện bằng những sản phẩm mỹ thuật, chúng là sự phản ánh đời sống xã hội, lễ nghi chính trị của dân tộc đó và là hình ảnh linh hồn của dân tộc đó”. Đây là dấu mốc cho sự ra đời của Musée Khai Dinh - một trong những bảo tàng được thành lập sớm nhất tại Việt Nam.

Tại sự kiện, ông Nguyễn Văn Phương - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đánh giá cao những nỗ lực và kết quả đạt được của tập thể đơn vị thời gian qua, đồng thời yêu cầu Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế phối hợp thực hiện tốt việc xây dựng khu vực trưng bày mới cho Bảo tàng theo hướng phù hợp không gian di sản. Tăng cường công tác giáo dục di sản, số hoá hiện vật, nghiên cứu phát huy giá trị của cổ vật và nghiên cứu các cơ chế, chính sách để sử dụng một phần kinh phí từ Quỹ Bảo tồn Di sản Huế cho việc mua, đấu giá cổ vật phục vụ công tác nghiên cứu, trưng bày.

Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế hiện đang trưng bày và bảo quản hơn 11.000 hiện vật, phần lớn có xuất xứ từ cung đình triều Nguyễn như: bộ sưu tập đồ sứ, đồ pháp lam, trang phục cung đình, ấn triện, nhạc khí dùng trong các cuộc lễ tế, tranh gương, sưu tập đồ gỗ sơn son thếp vàng và khảm cẩn, súng thần công thời chúa Nguyễn và vua Nguyễn. Trong đó có 08 hiện vật/bộ hiện vật với 33 hiện vật đơn lẻ được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia. Ngoài ra, bảo tàng đang lưu giữ một bộ sưu tập các tác phẩm điêu khắc Chămpa được Hội Đô thành Hiếu cổ sưu tầm và đưa về cất giữ tại Tân Thơ Viện những thập niên đầu thế kỷ XX.

Chuỗi sự kiện kỷ niệm 100 năm thành lập Musée Khai Dinh bao gồm nhiều hoạt động, trong đó hoạt động triển lãm - trưng bày tại Điện Long An - trụ sở chính của Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế chiều cùng ngày là một điểm nhấn nhằm tôn vinh công gây dựng của tiền nhân và giá trị của sự nghiệp bảo tồn.

Trải qua biến thiên của lịch sử, Bảo tàng đã nhiều lần thay đổi tên gọi: Tháng 8/1945, vua Bảo Đại thoái vị, Bảo tàng Khải Định trực thuộc sự quản lý điều hành của Ủy ban Hành chính Trung Bộ.

Đầu năm 1947, thực dân Pháp tái chiếm thành phố Huế, Bảo tàng Khải Định được đổi tên thành Tàng Cổ Viện và trực thuộc sự quản lý của Viện Văn hóa Trung Việt;

Năm 1958, đổi tên thành Viện Bảo tàng Huế

Năm 1979 đổi tên thành Bảo tàng Cổ vật Huế

Năm 1995 đổi tên thành Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế

Từ năm 2007 đến nay đổi tên thành Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, trực thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.