Báo cáo đề dẫn Hội thảo, TS. Trương Sỹ Vinh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho biết, trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa ngày càng cao; tác động của biến đổi khí hậu, dịch bệnh… đã đặt ra nhiều thách thức đối với phát triển du lịch bền vững nói chung và phát triển du lịch tại các đô thị nói riêng ở Việt Nam, đòi hỏi phải có những giải pháp mới, sáng tạo hơn, linh hoạt và phù hợp hơn. Tuy nhiên, phát triển du lịch ở đô thị cũng kèm theo sự gia tăng giá cả sinh hoạt, gia tăng các vấn đề xã hội và có tác động tiêu cực đến các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể ở các đô thị. Đây là thực trạng xảy ra không chỉ ở các đô thị của Việt Nam mà còn ở hầu hết các đô thị của các nước trên thế giới.

Vì thế, Hội thảo “Phát triển du lịch bền vững tại các đô thị Việt Nam - Những vấn đề đặt ra” được tổ chức nhằm tạo diễn đàn cho các bên liên quan gồm: các cơ quan tham mưu quản lý nhà nước về du lịch, quản lý đô thị, môi trường; các cơ sở đào tạo, chuyên gia trong các lĩnh vực có liên quan, doanh nghiệp… trao đổi, thảo luận các vấn đề về phát triển du lịch bền vững tại các đô thị ở Việt Nam.

Tại hội thảo, ông Phạm Văn Thuỷ - Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho rằng, sự phát triển mạnh mẽ của các đô thị là điều kiện thuận lợi để khai thác, phát triển du lịch. Có thể thấy, hoạt động du lịch tại các đô thị Việt Nam giai đoạn vừa qua đã đạt được những kết quả tích cực, chiếm tỷ trọng chủ yếu về khách du lịch và tổng thu từ khách du lịch của cả nước. Tuy nhiên, sự phát triển du lịch tại các đô thị thời gian qua đã bộc lộ một số vấn đề đáng lưu ý, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững như: Gia tăng sức ép đến môi trường; Giao thông tại các khu, điểm du lịch bị tắc nghẽn, đặc biệt vào mùa cao điểm; Quy hoạch cảnh quan đô thị bị phá vỡ bởi các dự án xây dựng hạ tầng du lịch... Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch tại các đô thị mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành du lịch trên cả nước.

Theo PGS.TS Phạm Trung Lương, Phó Chủ tịch Liên chi hội đào tạo du lịch Việt Nam, bản thân đô thị là nơi có môi trường tự nhiên luôn chịu áp lực lớn bởi sự tập trung dân cư và cũng là nơi phát sinh nhiều yếu tố tiêu cực ảnh hưởng đến môi trường, xã hội. Chính vì vậy, phát triển du lịch đô thị sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ của tình trạng môi trường du lịch đô thị. Nếu môi trường du lịch không được đảm bảo thì không chỉ chất lượng sản phẩm du lịch đô thị sẽ không duy trì được tính hấp dẫn mà việc đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch cũng sẽ bị ảnh hưởng.

"Để đảm bảo phát triển du lịch bền vững tại các đô thị cần quan tâm đến chính sách đối với phát triển đô thị mang tính đặc thù cho du lịch; phát triển năng lực quản lý của chính quyền đô thị theo hướng xanh và thông minh, có hiểu biết về du lịch; khả năng đáp ứng của hạ tầng đô thị. Đây là yếu tố rất quan trọng để khai thác có hiệu quả những tiềm năng tài nguyên du lịch cũng như hạn chế được những tác động tiêu cực của hoạt động phát triển đô thị đến du lịch đô thị", PGS.TS Phạm Trung Lương kiến nghị.

Đồng tình với quan điểm này, TS. Trương Sỹ Vinh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho rằng thực tế phát triển du lịch tại các đô thị ở Việt Nam như Sa Pa, Hạ Long, Hội An... cho thấy sự gia tăng lượng khách đến các đô thị, đặc biệt trong mùa du lịch, góp phần gây nên những áp lực không nhỏ đến hạ tầng đô thị. Đặc biệt là hệ thống xử lý chất thải, trong khi năng lực thu gom và xử lý chất thải ở phần lớn các đô thị ở Việt Nam còn nhiều hạn chế.

Chia sẻ kinh nghiệm mà Hàn Quốc đang áp dựng, TS. Ju Young Park - Đại diện Viện Văn hóa và Du lịch Hàn Quốc đã giới thiệu về dự án thành phố trung tâm du lịch Hàn Quốc đang được triển khai. Đây là dự án nhằm giải tỏa sự tập trung khách du lịch quá lớn vào thành phố Seoul, phân bổ khách du lịch đến thông qua thúc đẩy thành phố trung tâm du lịch (là điểm du lịch đẳng cấp thế giới và là điểm đến của khách du lịch nước ngoài đồng thời là trung tâm du lịch). Hàn Quốc đã lựa chọn 5 địa điểm để phát triển thành phố trung tâm du lịch trong đó có 1 thành phố du lịch quốc tế Busan đóng vai trò đô thị có sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh du lịch đẳng cấp toàn cầu; 4 thành phố trung tâm du lịch vùng có thương hiệu khu vực riêng, có quy mô chính quyền địa phương cơ bản với tài nguyên du lịch đẳng cấp thế giới và năng lực sẵn sàng tiếp nhận khách du lịch.

Tại hội thảo, Ban Tổ chức nhận được hơn 20 tham luận cùng nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà quản lý, nhà nghiên cứu. Các tham luận, ý kiến cho thấy có nhiều vấn đề đặt ra về phát triển du lịch bền vững tại các đô thị ở Việt Nam hiện nay. Đó là các yếu tố tác động đến “sự bền vững” của hoạt động du lịch tại các đô thị như công tác quy hoạch và quản lý đô thị; quản lý lưu lượng khách, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo vệ di sản văn hoá trong phát triển du lịch. Giải quyết được bài toán này, chắc chắn sẽ mang lại lợi ích bền vững cho cả đô thị và cộng đồng địa phương.