Trong vài năm trở lại đây, nhất là sau khi thủ đô Hà Nội chính thức gia nhập vào mạng lưới các TP sáng tạo của UNESCO, các không gian văn hóa sáng tạo ở nước ta đang từng bước được chú ý.

Theo tổng kết của Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, hiện nay nước ta có khoảng 200 không gian văn hóa sáng tạo. PGS.TS.KTS Phạm Thúy Loan, một chuyên gia trong mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống, người đã thực hiện nhiều nghiên cứu về ‘không gian sáng tạo’ cho rằng, đây chính là các cơ sở hạ tầng của nền kinh tế sáng tạo, đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy nền công nghiệp văn hóa. Những nghiên cứu quốc tế chỉ ra rằng, để có một nền kinh tế sáng tạo, hay một thành phố sáng tạo thì cần có 3 nền tảng: con người sáng tạo (hay lực lượng lao động sáng tạo); không gian sáng tạo (hay cơ sở hạ tầng cho sáng tạo) và các tổ chức hay doanh nghiệp sáng tạo (số lượng và quy mô). Ngoài ra, có một yếu tố mang tính quyết định nữa đó là Chính quyền ‘sáng tạo’ - là chính quyền với quan điểm cởi mở, tạo điều kiện, có những chính sách và hành động hỗ trợ sự phát triển vững mạnh của cả 3 nền tảng nói trên và giúp liên kết chúng với nhau.

"Trong bức tranh cấu trúc trên, chúng ta thấy rõ ‘không gian sáng tạo’ là yếu tố không thể thiếu, nó là hạ tầng cơ sở của kinh tế sáng tạo. Không hoạt động kinh tế nào có thể diễn ra, không nền kinh tế nào có thể phát triển nếu thiếu hạ tầng cơ sở tương thích" - PGS.TS.KTS Phạm Thúy Loan nhấn mạnh.

Nhiều năm trở lại đây, không chỉ ở Hà Nội, các không gian văn hóa sáng tạo đang được hình thành ở một số địa phương như Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Tây Nguyên, thành phố Hồ Chí Minh.... Điều này cho thấy, kiến tạo không gian đang trở thành hướng đi được nhiều địa phương chú trọng thúc đẩy, mang tới những lợi ích cho cộng đồng, thu hút sự tham gia của các thành viên ở nhiều lĩnh vực. Đây cũng là một hướng đi chiến lược khi các TP lớn phát triển theo định hướng lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững.

Với gần 200 không gian sáng tạo trên cả nước, xét về số lượng thì không hề ít, thậm chí nhiều so với một số nước trong khu vực. Nhưng thực tế là chúng ta vẫn chưa có các khu không gian sáng tạo có quy mô lớn mang tầm cỡ quốc gia. Với vai trò quan trọng của không gian sáng tạo trong phát triển công nghiệp văn hóa và trong phát triển nền kinh tế, câu hỏi đặt ra là: Chúng ta cần làm gì để phát triển các khu không gian sáng tạo?

Theo PGS.TS.KTS Phạm Thúy Loan, Việt Nam nên khuyến khích, hỗ trợ sự hình thành và phát triển các KGST quy mô nhỏ như hiện nay, đồng thời tập trung nguồn lực và các sáng kiến để có thể tạo dựng một vài KGST quy mô lớn, tầm cỡ quốc gia, và vươn ra quốc tế. Như vậy, chúng ta sẽ có sự đa dạng các KGST, phù hợp với nhiều hoạt động và đối tượng sử dụng không gian có quy mô, tính chất khác nhau.

Một trong những khó khăn lớn nhất của các khu không gian sáng tạo đó là vấn đề mặt bằng ổn định và bền vững. Đây là bài toán đầu tiên chúng ta cần phải giải quyết để phát triển không gian sáng tạo. Vấn đề đất đai hay khan hiếm không gian là vấn đề chung của mọi thành phố lớn, đông dân trên thế giới, khiến cho việc có được quỹ không gian cho hoạt động văn hoá – sáng tạo luôn khó khăn, nhưng không phải không thể thực hiện được; và các thành phố quốc tế cũng đã vượt qua những khó khăn này bằng các giải pháp rất cụ thể, mà chúng ta hoàn toàn có thể xem xét, tham khảo.

Với kinh nghiệm của một người đã nhiều năm gắn bó với công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, PGS.TS.KTS Phạm Thúy Loan gợi ý: "Thứ nhất, chúng ta nên chọn một số nhà máy công nghiệp có giá trị kiến trúc, giá trị lịch sử và không gian phù hợp mà đang trong kế hoạch di dời để chuyển thành các KGVHST (hiện tại nội thành Hà Nội đang có khoảng 100 nhà máy thuộc dạng này). Thứ 2 là khuyến khích các chủ đầu tư các khu đô thị mới và quần thể chung cư mới dành một tỷ lệ hợp lý trong các quỹ không gian thương mại dịch vụ của họ cho các hoạt động văn hóa sáng tạo. Thứ 3, thành phố nên tiến hành tổng kiểm kê, rà soát các khu đất, các không gian có thể đã có kế hoạch khai thác nhưng chưa thể thực hiện vì lý do nào đó, hoặc đang nằm chờ đầu tư, để tận dụng chúng trong giai đoạn nhàn rỗi với mức giá hợp lý làm các KGST ngắn hạn (nhưng cần ít nhất 5 năm trở lên). Thứ 4 là tận dụng các không gian công cộng, các mảnh đất hoang, đất thừa, đất sử dụng chưa hợp lý tại các khu dân cư, cải tạo thành các không gian công cộng tốt, kết hợp cơ hội tham gia và thực hành sáng tạo của cộng đồng địa phương”.

Cùng với mặt bằng, vấn đề nguồn lực - kinh phí cũng là bài toán hóc búa mà chủ các không gian sáng tạo phải đối mặt. Nhiều ý kiến cho rằng cần có một “Quỹ sáng tạo”. PGS.TS.KTS Phạm Thúy Loan cũng rất đồng tình với giải pháp này và cho rằng quỹ sẽ có tác động rất lớn trong việc khởi nghiệp của những nhà sáng tạo, nhất là những người trẻ. “Quỹ này có thể huy động từ nhiều nguồn khác nhau, cả từ nhà nước, cả tư nhân trong và ngoài nước cũng như các tổ chức quốc tế đều có thể tham gia. Đặc biệt có thể huy động từ các doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả trên địa bàn. Từ nguồn quỹ này hàng năm chúng ta có thể tổ chức và kêu gọi các ý tưởng kinh doanh” – Bà Loan phân tích.

Hiện nay ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, hầu hết các không gian sáng tạo là của tư nhân. Do đây là mô hình kinh doanh mới nên chưa được hưởng các ưu đãi của hệ thống chính sách, pháp luật hiện hành, mà chủ yếu được vận hành theo cơ chế của một doanh nghiệp thông thường. Công tác phối hợp liên ngành chính là một điểm nghẽn cốt tử tác động đến việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa nói chung và không gian văn hóa sáng tạo nói riêng.

Mời nghe âm thanh dưới đây: