Thời gian gần đây, trên các trang mạng xã hội, các diễn đàn du lịch… xuất hiện rất nhiều chiêu trò lừa đảo bán tour qua mạng với mức giá ưu đãi rồi yêu cầu khách hàng đặt cọc nhằm chiếm đoạt tiền. Kẻ xấu sẽ dùng chiêu trò như: thanh lý chỗ do khách hủy tour, khách chưa làm được hộ chiếu... với giá rẻ. Thậm chí, tinh vi hơn, nhiều đối tượng đã lập trang web bán vé máy bay giá rẻ, giá phòng hay combo du lịch giá rẻ… để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người tiêu dùng nhẹ dạ cả tin. Nhiều người do không có kinh nghiệm và cũng một phần vì ham giá rẻ đã mất cảnh giác và trở thành nạn nhân của những trò lừa đảo này.

Theo ông Phạm Duy Nghĩa, CEO Vietfoot Travel, Phó Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, tình trạng lừa đảo bán tour du lịch ngày càng tinh vi. "Các đối tượng lừa khách hàng bằng cách xuất code vé máy bay thật, thậm chí còn xuất vé máy bay một chiều để đánh vào tâm lý của du khách khi biết khách có thể kiểm tra code với hãng hàng không. Khách hàng khi ra sân bay thì vẫn đi được nhưng chỉ đi vé 1 chiều, còn chiều về thì bị hủy. Vì thế du khách nên hạn chế tối đa việc thanh toán trên mạng, đặc biệt là các giao dịch với tài khoản cá nhân".

Đáng chú ý, ngoài việc lừa bán tour, thuê phòng khách sạn, gần đây, một hình thức lừa đảo mới xuất hiện là dịch vụ làm visa (thị thực) du lịch nước ngoài. Đã có nhiều người phản ánh về việc đặt dịch vụ xin visa với cam kết tỷ lệ “đậu” cao, nhưng sau khi nạn nhân chuyển khoản thanh toán chi phí thì các đối tượng sẽ để nạn nhân tự khai thông tin tờ khai, hoàn thiện hồ sơ… Sau đó, lấy lý do nạn nhân khai thông tin bị thiếu và không trả lại tiền, rồi chặn liên lạc. Đây là chiêu trò của những đối tượng đã từng làm du lịch hoặc từng làm ở những bộ phận liên quan đến visa áp dụng để lừa khách hàng.

“Miếng mồi” quan trọng nhất trong các vụ lừa đảo mua tour qua mạng chính là mức giá hấp dẫn. Không chỉ đánh trúng tâm lý “ham rẻ” của du khách, các đối tượng lừa đảo còn làm giả website hay fanpage của các công ty du lịch uy tín, thậm chí làm giả cả hóa đơn thanh toán hay tạo ra những tương tác, bình luận ảo để đánh giá nhằm tăng độ tin cậy. Trước “ma trận” này, chỉ cần thiếu cẩn trọng một chút, du khách rất dễ bị sập “bẫy”, ông Phạm Duy Nghĩa nêu thực tế.

Hiện nay, khi công nghệ thông tin ngày càng phát triển, việc mua bán online được nhiều khách hàng lựa chọn. Tuy nhiên, giao dịch online giữa các cá nhân lại chỉ dựa trên cơ sở lòng tin chứ rất ít sự đảm bảo nên có thể thấy việc phải thanh toán 1 phần hoặc toàn bộ chi phí trước khi sử dụng dịch vụ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho khách hàng, nếu như giao dịch với những đơn vị và cá nhân không có uy tín. Đó cũng chính là lý do mà Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa “combo du lịch giá rẻ” lên vị trí đầu tiên trong 24 hình thức lừa đảo trên không gian mạng được cảnh báo trong “Tháng hành động tuyên truyền về nhận diện và phòng, chống lừa đảo trực tuyến” diễn ra từ ngày 23/6 đến ngày 23/7/2023.

Vì thế, ông Phạm Duy Nghĩa cũng khuyến cáo người tiêu dùng nên lựa chọn những đơn vị uy tín, lâu năm và tìm hiểu thật kỹ trước khi cọc tiền: “Việc quan trọng nhất để không bị lừa phải đến từ sự cảnh giác của người dân. Để trở thành người tiêu dùng thông thái hãy bỏ công tìm hiểu, thậm chí đến tận nơi để làm việc, ký kết hợp đồng trực tiếp. Phải mục sở thị, mắt thấy tai nghe, đừng chỉ vì những hình ảnh đẹp trên mạng mà dễ dãi chuyển tiền cho người lạ được, như thế rất dễ bị lừa. Công nghệ hiện nay tuy rất tiện lợi nhưng không có nghĩa giao cả trăm triệu cho người khác mà không cần kiểm tra”.

Mời nghe âm thanh chi tiết tại đây: