Sau những thất bại liên tiếp trên chiến trường Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng và các tỉnh ven biển miền Trung... chính quyền và quân đội Sài Gòn đứng trước nguy cơ sụp đổ hoàn toàn. Nhằm cứu vãn tình thế, chính quyền của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, được Tướng Mỹ Uây-oen, Tham Mưu trưởng Lục quân Mỹ giúp sức, quyết tâm dựng lên ở Phan Rang một “Lá chắn thép” hòng chặn đứng, tiêu hao, ghìm giữ một bộ phận lớn binh lực quan trọng của quân giải phóng, đặc biệt là giữ vững thế phòng ngự chiến lược.

Theo PGS.TS Thiếu tướng Vũ Quang Đạo, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Phan Rang được coi là nơi cố thủ quyết chiến của Quân đội VNCH. Vì vậy nếu vượt qua Phan Rang, tiếp đó là Xuân Lộc sẽ tạo đà cho chiến dịch HCM “thần tốc, táo bạo, quyết chiến và toàn thắng”.

Theo tính toán của quân đội Sài Gòn, sau khi giải phóng xong các tỉnh miền Trung, ta sẽ phải để lại một lực lượng lớn giữ các địa bàn đã giải phóng. Ta chỉ có khả năng tăng cường cho Nam Bộ nhiều nhất một quân đoàn, hành quân nhanh nhất cũng mất hai tháng. Nếu cầm cự được với các quân đoàn chủ lực của ta trên các mặt trận cho đến mùa mưa (tức là đầu tháng 6), thời tiết sẽ gây nhiều khó khăn, ta sẽ không thể tổ chức đánh lớn ở Sài Gòn. Nhờ đó, địch sẽ có thời gian để củng cố lực lượng và tổ chức phản công giành lại những vùng đất đã mất.

PGS.TS Đại tá Trần Ngọc Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam cho biết, với mục tiêu này, chính quyền Sài Gòn đã tập trung một lực lượng mạnh, tăng cường pháo binh, xe tăng và các phương tiện chiến tranh hiện đại với hy vọng chặn đứng được Cánh quân Duyên Hải trước cửa ngõ Phan Rang và Chính quyền SG tuyên bố phải tử thủ Phan Rang.

Về phía ta, với khí thế “Một ngày bằng 20 năm”, bằng quyết tâm “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, Trung tướng Lê Trọng Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng, Tư lệnh Cánh quân Duyên Hải, ra lệnh cho Sư đoàn Bộ binh 3, Trung đoàn Bộ binh 25 khẩn trương đánh chiếm Phan Rang, mở thông đường tiến quân vào giải phóng Sài Gòn.

5 giờ 30 phút ngày 14/4/1975, mở màn trận đánh, pháo binh của ta bắn cấp tập vào tuyến phòng thủ Phan Rang. Tiếp theo, các chiến sĩ Sư đoàn 3 dũng mãnh đánh chiếm các mục tiêu dọc đường số 1 và các khu vực lân cận như quận lỵ Du Long, các điểm cao 105, 300, Ba Râu, Suối Vàng, Suối Đá... Cuộc chiến đấu giữa ta và địch trên tất cả các mũi, các hướng diễn ra quyết liệt.

5h ngày 16/4/1975, hàng trăm xe ô tô và xe tăng, xe thiết giáp chở bộ binh Sư đoàn 325 của ta được pháo binh bắn yểm trợ, ào ạt tiến đánh thị xã Phan Rang theo trục đường số 1, Quân lực Việt Nam Cộng Hòa gần như bị tê liệt. Tới 7h, quân ta làm chủ thị xã Phan Rang, phát triển đánh chiếm cảng Tân Thành, Ninh Chữ, sân bay Thành Sơn. Đến 9 giờ 30 phút, quân ta làm chủ sân bay, và tối cùng ngày, tướng Nguyễn Vĩnh Nghi cùng toàn bộ các sĩ quan chỉ huy tuyến phòng thủ Phan Rang bị QDNDVN bắt sống.

Chiến thắng Phan Rang đã chứng tỏ phương thức tác chiến táo bạo, độc đáo và sáng tạo bằng sức đột kích mạnh, tính cơ động cao, tư tưởng thần tốc, táo bạo, khả năng tổ chức, vận dụng linh hoạt chiến thuật tiến công bằng sức mạnh hiệp đồng binh chủng của quân ta, đồng thời góp phần làm thay đổi so sánh thế và lực trên chiến trường. Chiến thắng Phan Rang đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý giá về nghệ thuật quân sự và nghệ thuật sử dụng lực lượng.

"Chúng ta sử dụng đột kích mạnh, tổ chức lực lượng hợp lý để phong tỏa không cho địch thoát chạy bằng đường biển cảng biển Ninh Chữ, gây nên không khí hoảng loạn. Về nghệ thuật quân sự, chúng ta đã biết bao vây cô lập các vị trí của địch, không cho các lực lượng chi viện hỗ trợ lẫn nhau để tạo nên thế liên hoàn. Một bài học nữa là sự hiệp động giữa quân chủ lực và lực lượng tại chỗ. Sự phối hợp chặt chẽ và tuyệt đẹp để chọc thủng được tuyến phòng thủ Phan Rang mặt khác gây nên sự náo loạn cho quân địch và không cho chúng chạy tháo xuống phía Nam để tổ chức lực lượng chống trả". PGS.TS Đại tá Trần Ngọc Long, nhấn mạnh.

Chiến thắng Phan Rang cùng với thắng lợi của các đòn tiến công chiến lược Tây Nguyên, Trị Thiên - Huế, Đà Nẵng đã tạo ra bước nhảy vọt về cục diện chiến tranh hoàn toàn có lợi cho quân đội ta, đập tan ý định co cụm chiến lược của chính quyền và quân đội Sài Gòn, tạo thêm điều kiện và mở ra thời cơ hết sức thuận lợi để các lực lượng vũ trang cách mạng đẩy nhanh cuộc Tổng tiến công chiến lược, tập trung lực lượng áp đảo cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng tại Sài Gòn.

Mời nghe âm thanh tại đây: