Nguyễn Tri Phương (1800-1873), tên thật là Nguyễn Văn Chương, tự Hàm Trinh, hiệu là Đồng Xuyên. Ông là người con của làng Đường Long, Trí Long, thuộc huyện Phong Điền- Thừa Thiên - Huế ngày nay. Người con xứ Huế ấy đã trở thành một dũng tướng lặn lội đánh trận khắp ba miền đất nước Bắc, Trung, Nam… nhưng tên tuổi, tài năng và nghệ thuật quân sự của ông chỉ thực sự được khẳng định và lưu danh thiên cổ nhờ cuộc kháng chiến chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha từ năm 1858-1860 trên mặt trận Đà Nẵng. TS Sử học Nguyễn Hữu Tâm, nguyên Giám đốc Thư viện Viện Sử học cho biết: “Nếu như các viên đại thần, viên quan đại thần của triều hầu hết đều xuất thân từ gia đình khoa bảng hoặc gia đình quyền quý thì Nguyễn Tri Phương lại xuất thân trong gia đình nông dân làm ruộng, là trường hợp khá đặc biệt trong lịch sử”.
Dù không phải thành đạt theo con đường khoa cử, nhưng với tài năng của mình Nguyễn Tri Phương đã làm nên sự nghiệp, trở thành một vị đại danh thần của triều Nguyễn. 20 tuổi Nguyễn Tri Phương đăng ký làm thư lại ở huyện Phong Điền. Với sự thông minh xuất chúng của mình, ông được chuyển đến Bộ Hộ của triều đình Huế. Hết thời vua Minh Mạng, sang thời vua Triệu Trị, vị danh thần này tiếp tục được đề bạt trở thành người đứng đầu nhiều địa phương Nam kỳ, Trung Kỳ và trong triều đình, ông đã được thăng chức tới hàm Thượng thư Bộ công.
Làm quan dưới ba triều vua, Nguyễn Tri Phương không chỉ là một vị quan có uy có thế mà ông còn được giao trọng trách điều binh khiển tướng trong nhiều trận đánh. Trong 53 năm làm quan, ông chỉ huy quân sĩ tác chiến 6 lần. Trong đó có 5 lần ông đều giữ chức Tổng đốc quân vụ (nghĩa là Tổng chỉ huy mặt trận). Nhưng đối với ông, có lẽ ba lần cầm quân oanh liệt nhất đó là các lần cầm quân chống thực dân Pháp ở Đà Nẵng, Gia Định và giữ Thành Hà Nội. Đặc biệt dưới thời vua Tự Đức, Nguyễn Tri Phương rất được trọng dụng và tin tưởng. Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta và địa điểm tấn công đầu tiên là bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng thì ông là vị Tổng chỉ huy quân đội triều đình Nguyễn chống lại quân Pháp.
Lật giở những trang sử liệu, TS Sử học Nguyễn Hữu Tâm nhấn mạnh: ngày 30/8/1858, lực lượng tham chiến của liên quân Pháp - Tây Ban Nha đã tập kết tại cửa vịnh Đà Nẵng do Đô đốc Rigault de Genouilly chỉ huy, nhằm thực hiện mật lệnh: "chiếm lấy Tourane (Đà Nẵng) và giữ vững ở đó". Tổng cộng Liên quân có 2.350 quân lính thuỷ đánh bộ, “lính bản xứ” gồm giáo dân phản động, bọn thổ phỉ và dân phu Tàu, cùng với 16 chiến hạm đều được trang bị hiện đại. Chiến hạm Mémesis được bố trí 50 khẩu đại bác, đều là những loại sức công phá lớn và khả năng sát thương cao.
Với một lực lượng quân sự to lớn và hùng mạnh, ưu thế hơn hẳn về binh khí, kỹ thuật, sáng 1/9/1858, Rigault de Genouilly chuyển tối hậu thư tới quan trấn thủ Đà Nẵng buộc quân ta phải đầu hàng và nộp toàn bộ khí giới trong vòng 48 giờ. Nhưng chỉ sau 2 giờ đưa thư, phía Pháp bất ngờ nổ súng đánh phủ đầu vào hệ thống phòng thủ được xây dựng thủ công của triều Nguyễn, pháo kích các vị trí đặt pháo lớn và các hải đài của ta ở phía Tây - Nam Sơn Trà, vào hai đồn Nại Hiên Đông, Điện Hải rồi An Hải. Trong ngày 1 và 2/9, liên quân lần lượt chiếm đồn Nại Hiên Đông, Điện Hải và An Hải.
Trước sức tấn công mạnh mẽ của quân địch, quân Nguyễn tạm rút lui, tiến hành lập phòng tuyến ở trước huyện Hòa Vinh (Hòa Vang) để ngăn chặn.
Nghe tin cấp báo, vua Tự Đức lập tức điều binh khiển tướng, lệnh cho các đại thần cùng quan binh ở Kinh đô Huế, các địa phương như Nam Ngãi (Quảng Nam -Quảng Ngãi) đến tiếp ứng và hỗ trợ quân dân Đà Nẵng chống giặc. Nhân dân các làng xã quanh khu vực chiến sự đều tích cực rào làng, tổ chức đắp cản, đắp ụ chắn đường tiến quân của giặc, cung cấp lương thực và tham gia xây dựng tuyến phòng thủ cùng quân triều đình.
Đồng thời, Tự Đức triệu Kinh lược sứ Nam Kỳ là Nguyễn Tri Phương, võ tướng số một của triều Nguyễn đương thời, sung chức Tổng đốc quân vụ chỉ huy chiến trường Đà Nẵng.
“Sau khi được cử làm Tổng thống quân thứ Quảng Nam (10.1858), Nguyễn Tri Phương đưa ra một phương lược phòng thủ và đánh địch chu đáo, thích hợp. Ông không chủ trương đối đầu trực diện để tránh sức mạnh hơn hẳn về vũ khí của địch, mà tiến hành bao vây, chặn chúng ngoài cửa biển, tích cực phục kích, thực hiện chuyển dân vào bên trong, không cho địch tiếp xúc với dân, thực hiện vườn không, nhà trống” - TS Nguyễn Hữu Tâm cho biết.
Chủ trương trên được thực hiện, khiến cho quân Pháp - Tây Ban Nha gặp nhiều khó khăn, không bắt được lính, không thu được lương thực. Một sĩ quan Pháp viết: Đất mà chúng tôi chiếm được thì dân đều bỏ đi cả, trừ một vài nhà tranh của người đánh cá. Tôi chưa hề thấy một con gà. Quân Pháp không tiến sâu vào được nội địa, vì thế chúng phải sử dụng những chiến thuyền nhỏ đánh vào các vị trí trọng yếu nằm ở các cửa sông của quân triều đình.
Tháng 11/1858, sử triều Nguyễn chép: thuyền binh của Tây dương (8 chiếc) tiến vào sông Nại Hiên, Nguyễn Tri Phương phái Chu Phúc Minh, Phan Khắc Thận, Nguyễn Duy đem quân chia phái đi đồn mới, bắn phá được thuyền giặc. Quân địch bị thất bại, buộc phải tháo lui ở sông Nại Hiên, sau đó tập trung lực lượng đánh phá hai đồn Hóa Khuê và Nại Hiên. Hai bên giao chiến quyết liệt, đều bị tổn thất nặng nề.
Quân Pháp cố gắng dồn quân để đánh các đồn và chiếm được thành An Hải, nhưng đến hết năm 1858 cũng không thể phá vỡ hệ thống phòng thủ của triều đình Huế xây dựng tại Đà Nẵng. Chủ tướng Nguyễn Tri Phương vẫn kiên trì phương châm đánh giặc lâu dài theo kiểu du kích để tiêu hao lực lượng địch. Nguyễn Tri Phương đã trình lên vua: Giặc lấy chiến làm lợi, ta lấy thủ làm lợi. Xin lấy thủ làm chiến, đắp thêm đồn lũy để dần dần tiến đến gần giặc. Tự Đức nhất trí và nhấn mạnh: chú tâm vào việc tiến sát quân địch mà lần lượt dẹp yên.
Sự đồng lòng hiệp tác trên dưới của triều đình và quan quân tham chiến đã tạo cơ sở cho quân ta giành được chiến thắng liên tiếp ở Nại Hiên, An Hải, Điện Hải, Phúc Ninh vào đầu năm 1859. Đầu tháng 2-1859, quân Pháp để lại ở Đà Nẵng một đại đội và vài chiến hạm do đại tá Toyon chỉ huy, số quân còn lại được chuyển vào đánh Gia Định. Tranh thủ thời cơ liên quân tại đây mỏng, yếu, quân ta tổ chức tiến công và thu được thắng lợi tại Thạch Thang, Thạc Gián và Hải Châu. Quân Pháp vội đưa quân từ Gia Định về Đà Nẵng để cứu nguy. Quân Pháp vẫn cố gắng dồn quân để đánh các đồn và chiếm được thành An Hải. Nhưng đến hết năm 1859, quân Pháp cũng không thể phá vỡ hệ thống phòng thủ của triều đình Huế xây dựng tại Đà Nẵng.
Ngày 23/3/1860, sau 18 tháng tạm chiếm trong tình thế vô cùng khăn, toàn bộ quân Pháp –Tây Ban Nha lặng lẽ rút khỏi Đà Nẵng. TS Nguyễn Hữu Tâm phân tích: “Thắng lợi của quân dân Đà Nẵng trước liên quân hùng mạnh trong giai đoạn mở đầu của cuộc xâm lược phương Tây, đã làm cho quân địch không thể phát huy được lợi thế về quân sự, không thực hiện được mục tiêu đánh nhanh, thắng gọn, bị chặn lại ngay ở cửa biển Đà Nẵng”.
Chiến công ở Đà Nẵng giai đoạn 1858-1860 không chỉ do những người lính có tinh thần quyết chiến, anh dũng hy sinh và nêu cao trách nhiệm, mà còn do tài chỉ huy thao lược và dũng cảm của các tướng lĩnh triều Nguyễn, mà nổi bật là Chủ tướng Nguyễn Tri Phương với chủ trương đánh địch phù hợp với thực tế chiến trường Đà Nẵng. Với chiến thắng ở Đà Nẵng, Nguyễn Tri Phương trở thành vị tướng đầu tiên giành thắng lợi trong công cuộc chống xâm lược từ phương Tây.
Với cuộc đời trải dài 53 năm làm quan dưới ba triều vua Nguyễn là vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức, Nguyễn Tri Phương luôn là một vị quan tiết tháo. Đặc biệt, ông là người sớm có tư tưởng độc lập, kiên quyết chống lại thực dân Pháp xâm lược. Ông được dựng tượng đài và lập đền thờ ở nhiều địa phương trong cả nước. Tên tuổi của Nguyễn Tri Phương được lịch sử ghi dấu đến ngày nay, được đặt tên cho nhiều đường phố, trường học và bệnh viện.
Mời nghe âm thanh tại đây: