Cuộc thi do Tạp chí Công dân và Khuyến học tổ chức từ tháng 9/2024. Sau 10 tháng phát động, ngày 2/7, Tạp chí Công dân và Khuyến học tổ chức Lễ tổng kết và trao giải vinh danh những cá nhân, tập thể có bài viết xuất sắc trong cuộc thi viết “Gia đình học tập”. 16 tác phẩm xuất sắc nhất trong số hơn 400 tác phẩm đã được lựa chọn để trao giải.

Chia sẻ tại lễ trao giải, ông Tô Quang Phán - Ủy viên Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Hà Nội, Tổng Biên tập Tạp chí Công dân và Khuyến học, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi viết “Gia đình học tập” cho biết, cuộc thi được tổ chức nhằm hưởng ứng phong trào xây dựng xã hội học tập, khơi dậy và lan tỏa những giá trị tốt đẹp của tinh thần học tập trong mỗi gia đình - cái nôi nuôi dưỡng nhân cách, đạo đức, tri thức và những giá trị văn hóa truyền thống. Đồng thời cuộc thi cũng là nơi chia sẻ kinh nghiệm của các gia đình trên con đường phấn đấu đạt danh hiệu “Gia đình học tập”…

Sau 10 tháng phát động, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 400 bài dự thi từ khắp mọi miền đất nước. Mỗi bài viết là một lát cắt sống động, mang dấu ấn cá nhân, ghi lại những nỗ lực không ngừng nghỉ của các thành viên trong gia đình trên hành trình vươn tới tri thức, học tập suốt đời.

Nhà báo Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đánh giá cao ý nghĩa của cuộc thi viết “Gia đình học tập” do Tạp chí Công dân và Khuyến học tổ chức.

“Cuộc thi mang ý nghĩa sâu sắc, bởi đằng sau những giải thưởng là sự đồng hành, là sự lan tỏa văn hóa đọc và tinh thần học tập suốt đời. Thông qua cuộc thi đã góp phần xây dựng xã hội học tập vững mạnh. Cuộc thi là động lực khuyến khích các cơ quan báo chí khác cùng hướng tới việc xây dựng một xã hội học tập bền vững. Một xã hội học tập chỉ có thể được kiến tạo vững chắc khi có những gia đình học tập và những cá nhân không ngừng học hỏi. Đặc biệt, cuộc thi là một minh chứng cho tinh thần “báo chí đồng hành cùng xây dựng xã hội học tập” - Nhà báo Lê Quốc Minh nhấn mạnh.

Từ cuộc thi viết “Gia đình học tập” thêm một lần nữa minh chứng và khẳng định, báo chí không chỉ đưa tin, phản ánh thực tiễn mà còn cổ vũ, trở thành động lực thúc đẩy phong trào học tập trong toàn dân. Đông đảo công chúng mong muốn cuộc thi ngày càng được mở ộng quy mô và được tổ chức thường niên, từ đó truyền cảm hứng để mỗi gia đình đều là một điểm trường, mỗi người dân là một công dân học tập.

Đối với những người tham dự cuộc thi, dù được giải hay chưa, đều thu nhận những điều hữu ích. Bởi lẽ, đây không chỉ là sân chơi cho những cây bút chuyên và không chuyên mà còn là diễn đàn để các gia đình, hội viên Hội Khuyến học Việt Nam chia sẻ những câu chuyện chân thực, cảm động về hành trình học tập, vượt khó vươn lên và cùng nhau bồi dưỡng tri thức.

Chia sẻ với VOV2, nhà báo Uông Ngọc, phóng viên Báo Phụ nữ TP Hồ Chí Minh, người đoạt giải nhất cuộc thi cho biết, là người dành sự quan tâm về các vấn đề giáo dục, đặc biệt là những tấm gương tự học vươn lên. Vì thế, khi gặp bà Bùi Thị Phúc - một phụ nữ dân tộc Mường ở huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình (cũ) thông qua buổi gặp giữa Chủ tịch nước với các đại biểu là người cao tuổi toàn quốc có thành tích xây dựng gia đình ấm no, hạnh phú, Uông Ngọc có ấn tượng đặc biệt và tìm về tận nơi sinh sống của gia đình. Những câu chuyện gây ấn tượng sâu sắc về hành trình học tập, nghị lực vươn lên và tinh thần truyền cảm hứng mạnh mẽ của bà Phúc cùng các thành viên trong gia đình đã giúp tác giả Uông Ngọc xuất sắc giành giải Nhất tại cuộc thi viết "Gia đình học tập".

“Từ giải thưởng quý này, tôi thấy mình có trách nhiệm hơn trên con đường tìm tòi, phát hiện ra những điển hình tiên tiến, góp phần lan tỏa hình ảnh những tấm gương hiếu học, giàu nghị lực vươn lên để từ đó nhân lên giá trị tri thức trong mỗi gia đình Việt Nam” - Nhà báo Uông Ngọc bày tỏ.

Là con gái của bà Bùi Thị Phúc - nhân vật chính trong bài viết đoạt giải Nhất Cuộc thi viết "Gia đình học tập", chị Quách Thị Phương Đoan cảm thấy rất vui và tự hào khi câu chuyện của gia đình mình được nhà báo Uông Ngọc chia sẻ để nhiều người biết đến. Chị Đoan cho biết, bố mẹ chị đều là giáo viên. Trong hoàn cảnh khó khăn những năm 1978-1979, khi nhiều thầy cô phải rời bục giảng để chuyển sang công việc khác do thu nhập quá thấp, bố mẹ chị vẫn quyết tâm bám nghề và giữ vững lý tưởng giáo dục. Hơn nữa, vượt qua những định kiến, dù rất khó khăn nhưng bố mẹ chị đã rất nỗ lực để nuôi dạy ba chị em học thạc sĩ, tiến sĩ, thậm chí có lúc phải vay mượn, bán nhiều tài sản. “Từ chính những hành vi, từ sự nỗ lực của của bố mẹ tôi là động lực để chị em chúng tôi không ngừng phấn đấu. Chúng tôi thấy mình có trách nhiệm và vinh dự truyền tình yêu đọc sách, tinh thần học tập suốt đời đến con cháu của mình và những người xung quanh” - Chị Quách Thị Phương Đoan chia sẻ.

Rất nhiều câu chuyện được viết ra, có những gia đình 3 thế hệ cùng học, có những người mẹ, người cha vượt qua hoàn cảnh khó khăn để làm gương cho con bằng tinh thần hiếu học, có những bạn trẻ lấy tri thức làm kim chỉ nam để thay đổi cuộc đời. Những câu chuyện mộc mạc, chân thật, giàu cảm xúc đó đã tiếp thêm động lực cho cộng đồng cùng nhau xây dựng nhiều “gia đình học tập”.

Đối với các tác giả đoạt giải, giải thưởng không chỉ là kết quả xứng đáng cho sự sáng tạo, tâm huyết của tác giả mà hơn thế, đó là một cách sinh động để lan tỏa tinh thần học tập suốt đời đến với mọi người, mọi nhà. Thành công của cuộc thi viết “Gia đình học tập” là minh chứng cho sức sống mạnh mẽ của phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời. Cũng qua cuộc thi góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của xã hội học tập - một mục tiêu lớn của sự nghiệp khuyến học, giáo dục và đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao cho nước nhà.

Ban Tổ chức đã chọn ra các tác phẩm xuất sắc, có chiều sâu nội dung và giá trị lan tỏa cao gồm 16 giải: 1 Giải Nhất, 2 Giải Nhì, 3 Giải Ba và 10 giải Khuyến khích. Ngoài ra, Ban tổ chức trao “Giải tác phẩm được nhiều người đọc nhất” và “Giải Tập thể có nhiều tác phẩm dự thi nhất”.