Nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển ngành du lịch, nhất là du lịch quốc tế trong bối cảnh cả nước đang thực hiện phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và từng bước mở cửa nền kinh tế, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện yêu cầu các Bộ, ngành liên quan và các địa phương khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch, lộ trình, giải pháp mở cửa hoạt động du lịch quốc tế theo tinh thần Nghị quyết số 155/NQ-CP ngày 8/12/2021 của Chính phủ.
Công điện nêu rõ: Đại dịch Covid-19 đã tác động, ảnh hưởng nặng nề đến nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế nước ta, trong đó ngành du lịch chịu tổn thất nghiêm trọng, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2020 giảm 76,7% so với năm 2019 và năm 2021 giảm 95,9% so với năm 2020; qua đó tác động đến nhiều ngành, lĩnh vực liên quan trong chuỗi giá trị như: vận tải, ăn uống, khách sạn, lữ hành, bán lẻ, thương mại… nhất là tại các điểm du lịch và hầu hết các địa phương trọng điểm du lịch của cả nước.
Theo ông Nguyễn Tiến Đạt - TGĐ AZA Travel, chỉ đạo của Chính phủ cho thấy chúng ta một mặt phải chống dịch hiệu quả, mặt khác cũng cần thực hiện mục tiêu kép là khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ, trong đó có du lịch bởi ngành du lịch đã bị ảnh hưởng rất trầm trọng trong hai năm qua. “Tôi nghĩ Công điện này hoàn toàn phù hợp với bối cảnh hiện nay, nó khác hẳn so với lúc chúng ta chưa có vaccine. Hiện nay, Việt Nam đã nằm trong top 6 các quốc gia có độ phủ vaccine tốt nhất thế giới. Việc thực hiện sớm mở cửa du lịch quốc tế là hành động để cứu ngành công nghiệp không khói nước nhà. Thứ 2 là thời gian qua chúng ta thực hiện thí điểm đón khách quốc tế theo chương trình hộ chiếu vaccine rất an toàn, tạo được ấn tượng tốt với du khách. Ba là nếu mở cửa sớm chúng ta sẽ không bị tụt hậu, thậm chí vươn lên so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới vì nhiều quốc gia như: Thái Lan, Malaysia, Lào, Campuchia họ đã mở cửa du lịch quốc tế hoàn toàn rồi. Nếu cứ thận trọng quá chúng ta sẽ đánh mất cơ hội”, ông Đạt bày tỏ.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Tiến Đạt cũng cho rằng, khi mở cửa du lịch quốc tế chúng ta vẫn phải thực hiện một cách linh hoạt và hiệu quả mục tiêu kép, tức là vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong du lịch, yếu tố an toàn liên quan đến 3 đối tượng: du khách; địa phương và người dân địa phương tại điểm đến; những người làm du lịch: nhân viên khách sạn, resort, nhà hàng, hướng dẫn viên, lái xe… “Điều quan trọng nhất là chúng ta cần phải tuân theo quy định của Bộ Y tế Việt Nam cũng như thực tế chống dịch ở địa phương để đảm bảo an toàn. Để thực hiện được điều này, cần sự chỉ đạo từ Chính phủ xuyên suốt xuống chứ không phải là Chính phủ chỉ đạo mở nhưng địa phương lại đóng hoặc có sự thay đổi bất nhất thì doanh nghiệp sẽ rất khó để có thể thông báo cho du khách về kế hoạch. Tuyệt đối không để tình trạng “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”.
Mới đây, Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB), Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ và Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cũng đã gửi Thủ tướng “Đề xuất công bố chính thức việc mở cửa biên giới quốc tế của Việt Nam”. Theo đó, dự kiến thời gian để mở cửa du lịch toàn bộ là trong quý 2 để các địa phương, doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị các điều kiện đón khách; tăng cường quảng bá du lịch và tháo gỡ những vướng mắc hiện tại.
Việc đón thành công các đoàn khách quốc tế vừa qua ở một số địa phương cũng cho thấy Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với du lịch quốc tế, sự sẵn sàng, nhanh chóng kết nối của các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở dịch vụ lư trú và hãng hàng không cùng với sự vào cuộc hết sức quyết liệt của doanh nghiệp, địa phương sẽ giúp du lịch Việt Nam phục hồi nhanh chóng và vươn mình mạnh mẽ trong thời gian tới.
Mời nghe âm thanh tại đây: