Tại cuộc tọa đàm lấy ý kiến góp ý dự thảo thông tư ban hành năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân sáng 1/11 tại Hà Nội, ông Nguyễn Tân - Giám đốc Sở Giáo dục đào tạo Thừa Thiên - Huế đánh giá rất cao ý nghĩa giá trị của Dự thảo Thông tư ban hành khung năng lực số cho người học trọng hệ thống giáo dục quốc dân mà Bộ GDDT đã xây dưng dự thảo lấy ý kiến tham góp của các đại biểu, các chuyên gia giáo dục, đại diện các trường ĐH, các Sở GDDT, của học sinh, sinh viên và các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ số.
Theo ông Nguyễn Tân, việc ban hành thông tư này là cần thiết trong thời điểm hiện nay khi mà chúng ta đang đẩy mạnh tất cả các hoạt động chuyển đổi số và trang bị các kỹ năng số cho công dân, đây chính là điều kiện để chúng ta thực hiện chuyển đổi số.
Muốn chuyển đổi số thành công, yếu tố quan trọng nhất vẫn là con người. Chúng ta có thể trang bị các điều kiện, hạ tầng công nghệ, kỹ thuật, tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất là đào tạo con người, ở đây là đào tạo nhận thức, kỹ năng, năng lực cho học sinh. Xuất phát từ đó phát triển xã hội số sẽ thuận lợi.
Đại diện Sở GDDT Thừa Thiên Huế cho rằng: Triển khai các khung về năng lực số áp dụng cho đối với từng bậc học, phải tính đưa vào nhà trường như thế nào cho phù hợp với chương trình đổi mới GDPT. "Chúng ta đưa vào từng bậc học thì hình thức đưa vào như thế nào và có những đánh giá như thế nào cho phù hợp?"
"Thêm một nội dung nữa, chúng tôi quan tâm đến việc các cơ sở, các địa phương đã sẵn sàng cho việc thực hiện các thông tư này chưa.? Và điều kiện để thực hiện thông tư?"- ông Tân đặt câu hỏi.
Ông Tân cho biết: Thừa Thiên - Huế là địa phương đứng nhất nhì toàn quốc và được đánh giá rất mạnh về công tác chuyển đổi số. Tuy nhiên nhiều địa phương khác thực hiện vẫn còn những khó khăn nhất định. Để thực hiện được chủ trương này theo dự thảo thông tư này đòi hỏi quyết tâm chính trị của người đứng đầu từ tỉnh cho tới sở GD-ĐT và sự tham gia của các tổ chức xã hội, các công ty công nghệ thông tin đến các nhà trường.
PGSTS Đỗ Văn Hùng - Trường khoa Thông tin Thư viện trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐHQG Hà Nội, thành viên tham gia soạn thảo dự thảo Thông tư ban hành khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân cho biết: Một trong những vấn đề mà chúng ta đối mặt là cái nhận thức của các bên liên quan, của lãnh đạo các cơ sở đào tạo, những người thực thi như là giáo viên giảng viên. Họ phải hiểu được tầm quan trọng của việc nâng cao năng lực số cho người học như thế nào. Hiểu được rõ và sẵn sàng để triển khai.
Đây mới là cái khung chung, những bậc học, cơ sở đào tạo, địa phương phải hết sức chủ động trong việc dựa trên khung này để phát triển cụ thể và phù hợp.
Thứ 3 là việc làm thế nào để tích hợp năng lực số vào trong chương trình đào tạo có sẵn để mà không phát sinh thêm thời gian đào tạo mà vẫn có thể đạt được mục tiêu, đây là cả một vấn đề đối với các cơ sở đào tạo, những người lãnh đạo, giáo viên giảng viên.
Vấn đề thứ 4 ở khối phổ thông, với các học sinh ở các vùng khác nhau thì sẽ thực hiện như thế nào.
Tuy nhiên chúng ta thấy rằng đây là xu thế không thể không triển khai nhất là mục tiêu đào tạo những công dân toàn cầu trong thời đại số, kinh tế số, xã hội số. Với những đặc thù vùng miền từ các cấp học thì chúng ta cần có lộ trình phù hợp để triển khai.
PGSTS Đỗ Văn Hùng cho rằng phải chi tiết hóa chương trình đào tạo và có những giải pháp cụ thể hơn cho người học, đặc biệt những người học không có điều kiện về công nghệ. Có thể sử dụng, sản xuất những học liệu mở để chia sẻ miễn phí cho những giáo viên, người học vùng sâu, vùng xa để họ có thể tiếp cận lấy tài liệu để học.
Phát biểu tại tọa đàm, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GDĐT Nguyễn Thu Thủy cho rằng, khung năng lực số sẽ là một nền tảng, một khung rất căn bản để định hình những điều đang cần cho thế hệ tương lai của Việt Nam.
Khung năng lực số cho người học là một hệ thống mô tả các kỹ năng, kiến thức cần thiết để người học có thể sử dụng công nghệ số hiệu quả trong học tập, công việc, cuộc sống. Khung năng lực này giúp xác định các mức độ thành thạo về công nghệ số và khuyến khích phát triển các kỹ năng phù hợp trong bối cảnh số hóa.
Ý nghĩa của Khung năng lực số không chỉ dừng lại ở việc nâng cao chất lượng giáo dục mà còn mở ra cánh cửa cho sự đổi mới sáng tạo, giúp học sinh, sinh viên trở thành những công dân toàn cầu, có năng lực cạnh tranh trên thị trường lao động quốc tế. Đây cũng là cơ hội để thu hẹp khoảng cách số giữa các vùng miền, bảo đảm rằng mọi học sinh, sinh viên dù ở thành thị hay nông thôn đều có cơ hội tiếp cận và làm chủ công nghệ.
Bên cạnh đó, Khung năng lực số giúp định hướng cho giáo viên, giảng viên trong việc giảng dạy, bảo đảm rằng việc học tập của người học không chỉ đáp ứng nhu cầu của từng học sinh, từng gia đình, mà còn đáp ứng được yêu cầu của xã hội trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.
Phương án triển khai được đảm bảo đối với giáo dục đại học sẽ phát huy cơ chế tự chủ, xây dựng chuẩn đầu ra chương trình đào tạo trên cơ sở khung trình độ quốc gia, khung năng lực số, khung năng lực ngoại ngữ. Đối với giáo dục phổ thông và mầm non, hướng dẫn theo từng bậc học.
Khẳng định chuyển đổi số đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, đặc biệt công nghệ trí tuệ nhân tạo đang phát triển “chóng mặt” tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, Khung năng lực số cho người học sẽ đưa ra một bộ tiêu chuẩn hiệu quả, phù hợp, giúp nâng cao năng lực số cho người học ở tất cả các bậc học, góp phần vào việc phát triển nguồn nhân lực số toàn diện cho đất nước.
Theo GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã và đang nỗ lực tiên phong trong việc đưa các kỹ năng số vào trong chương trình giảng dạy và học tập. Trong thời gian qua, nhà trường đã triển khai thử nghiệm thành công các phương pháp và công cụ phát triển năng lực số cho sinh viên và giảng viên. Qua đó, thu được những kết quả tích cực trong việc cải thiện khả năng tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin của người học, cũng như thúc đẩy tư duy sáng tạo và tinh thần hợp tác trong môi trường số, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Ông Vũ Quốc Bằng, Phó Trưởng Ban Đào tạo, Đại học Quốc gia TP HCM cho biết, hiện tại Đại học Quốc gia TP HCM đang xây dựng khung năng lực số cho giảng viên trong hệ thống. Vì vậy, Thông tư là căn cứ rất quan trọng, phù hợp với những định hướng của trường, để dựa vào năng lực số của người học, xây dựng năng lực số cho các thầy cô, đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Đại diện Tổ chức giáo dục FPT đề xuất, cần cập nhật khung chi tiết, khuyến khích sự tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học; có những chỉ số đo cụ thể hơn để dễ dàng trong triển khai; hướng dẫn cụ thể cho giáo viên nhà trường, lồng ghép các môn học, đánh giá; cần làm rõ hơn về đạo đức, minh bạch trong sử dụng trí tuệ nhân tạo AI…
Cuộc tọa đàm do Bộ Giáo dục đào tạo tổ chức ngày 1/11, tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, lấy ý kiến dự thảo Thông tư ban hành khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân nhận được rất nhiều đóng góp của các đại biểu ở các đơn vị thuộc Bộ GDĐT, một số Sở GDĐT, hơn 80 cơ sở giáo dục đại học, chuyên gia và đại diện doanh nghiệp. Với nhiều ý kiến ghi nhận tại tọa đàm, ban soạn thảo, tổ biên tập sẽ tiếp thu, rà soát, cập nhật và hoàn thiện dự thảo Thông tư trong thời gian tới.