Hoạt động Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn với Kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và 32 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chủ trì phối hợp cùng Tổng cục Chính trị quân đội Nhân dân Việt Nam, tỉnh Quảng Bình tổ chức. Hoạt động kỷ niệm sẽ diễn ra vào ngày 22/12 tại tỉnh Quảng Bình với nhiều hoạt động như: cuộc thi Tìm hiểu cuộc đời, sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; sáng tác tác phẩm văn học, nghệ thuật với chủ đề “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Nhân dân Quảng Bình”; thực hiện đề án xây dựng Khu lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy.
Dịp này, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Tỉnh Đoàn Quảng Bình cũng tổ chức Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi tìm hiểu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Trưng bày các bài viết đoạt giải của cuộc thi; Khánh thành Khu tưởng niệm Thanh niên xung phong C283 tại xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch; Trưng bày và triển lãm sách báo, ảnh, tư liệu về thân thế, sự nghiệp của Đại tướng.
Các hoạt động Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhằm tôn vinh và tri ân những công lao, đóng góp to lớn của Đại tướng đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; ghi nhớ những tình cảm thiêng liêng, sự quan tâm sâu sắc của Đại tướng đối với nhân dân cả nước nói chung, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Bình nói riêng, thể hiện lòng biết ơn vô hạn của Đảng bộ, quân và dân Quảng Bình đối với công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Có thể nói cuộc đời, sự nghiệp, tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng, trọn đời vì nước, vì dân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã góp phần làm nên những chiến thắng vĩ đại trong lịch sử của dân tộc. Tấm gương đạo đức cách mạng của Đại tướng có ý nghĩa to lớn trong việc bồi dưỡng lập trường tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Với 103 tuổi đời, hơn 80 năm hoạt động cách mạng, hơn 70 tuổi Đảng, tên tuổi Đại tướng gắn liền với thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Nhân dịp này, VOV2 đã phỏng vấn Đại tá PGS.TS Trần Ngọc Long, nguyên phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam:
PV: Thưa PGS.TS Trần Ngọc Long! Có thể nói cuộc đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn liền với chặng đường đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta. Tài năng quân sự của ông được coi là thiên bẩm và hiếm ai có được?
Đại tá, PGS.TS Trần Ngọc Long: Chúng ta biết thời thế thì tạo ra anh hùng và anh hùng cũng góp phần tạo nên thời thế và Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp là một minh chứng rất sống động cho điều đó. Một điều rất lạ là trong lịch sự quân sự thế giới có lẽ hiếm có người nào xuất thân từ một thầy giáo dạy sử, chưa từng kinh qua một trường lớp chính quy nào về quân sự cả mà lại được giao sứ mệnh cầm quân để rồi trở thành người Anh cả của quân đội cách mạng, một thống soái quân sự cỡ lớn như Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp.
Nói về Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp thì không chỉ nhân dân Việt Nam, lực lượng vũ trang Việt Nam, quân đội nhân dân Việt Nam mà kể cả những người đã từng là đối thủ ở bên kia chiến tuyến cũng đều khẳng định rằng Võ Nguyên Giáp là một danh tướng, một nhà chính trị đi trước nhà quân sự và người ta ví ông như một cây đại thu rợp bóng nhân văn. Ông là một trong số những vị tướng mà suốt đời tu trọn được cái đức của một người tướng như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Nhân, Chí, Tín, Dũng, Liêm, Trung”.
Cống hiến to lớn của Võ Nguyên Giáp được thể hiện trên nhiều lĩnh vực, là người được lãnh tụ Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ xây dựng đội quân chủ lực đầu tiên, đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và trong hai cuộc kháng chiến thì Đại tướng có những cống hiến hết sức to lớn, đặc biệt là trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
PV: Vâng, đóng góp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ là vô cùng lớn. Và một trong đó thì không thể không nhắc đến chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. PGS.TS có thể phân tích cụ thể hơn về vai trò của đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch lịch sử này?
Đại tá, PGS.TS Trần Ngọc Long: Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông với tư cách là Tư lệnh chiến dịch kiêm Bí thư Đảng ủy mặt trận được lãnh tụ Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng ủy thác giao cho toàn quyền quyết định. Chiến dịch Điện Biên Phủ theo như kế hoạch ban đầu là đánh nhanh, thắng nhanh, trong vòng 3 đêm, 3 ngày là phải giải quyết toàn bộ và theo kế hoạch mở màn vào ngày 20/1/1954 sau đấy lùi đến 25/1. Thế nhưng trước khi chiến dịch mở màn chỉ khoảng 2-3 tiếng thì với tư cách là Chỉ huy trưởng, Tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định hoãn ngày giờ nổ súng và tổ chức lại theo phương châm đánh chắc, tiến chắc và quyết định thay đổi phương châm tác chiến. Việc quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ đánh nhanh, thắng nhanh sang đánh chắc, tiến chắc đã mở ra ra một khả năng mới để cho các lực lượng giành thắng lợi.
Tất nhiên, với Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp mà sau này theo như ông nói thì đây là một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời cầm quân của ông. Bởi vì thắng lợi thì không sao nhưng nếu mà thất bại sẽ ảnh hưởng rất lớn tới việc kết thúc toàn bộ cuộc kháng chiến chống Pháp. Và đặc biệt nó ảnh hưởng đến chính trị và sinh mệnh của bao nhiêu con người, cán bộ chiến sĩ tham gia chiến dịch.
PV: Vậy việc Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định chuyển từ phương châm đánh nhanh, thắng nhanh sang đánh chắc, tiến chắc trong chiến dịch Điện Biên Phủ có ý nghĩa ra sao?
Đại tá, PGS.TS Trần Ngọc Long: Đây có thể coi là một trong những chìa khóa tạo ra thắng lợi mang tính quyết định cho chiến dịch lịch sử này. Nếu theo phương châm đánh nhanh, thắng nhanh thì sẽ gặp rất nhiều rủi ro bởi vì tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là một tập đoàn mà thực dân Pháp phòng ngự rất kiên cố, được coi là bất khả xâm phạm. Lúc bấy giờ nếu chúng ta triển khai theo phương châm cũ thì chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra. Trong dịp kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, nhiều tướng lĩnh trong buổi gặp gỡ ấy đã ôm lấy nhau và nói rằng hồi đấy nếu chúng ta không thay đổi phương châm tác chiến thì anh em mình đã hy sinh hết. Như vậy để thấy rằng việc thay đổi phương châm tác chiến từ đánh nhanh, thắng nhanh sang đánh chắc tiến chắc là một quyết định hết sức sáng suốt, phù hợp với hoàn cảnh thực tế lúc bấy giờ, giúp mở toang cánh cửa Điện Biên Phủ, kết thúc cuộc kháng chiến 9 năm của cả dân tộc.
PV: Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một vị tướng huyền thoại nhưng ông còn được gọi là vị tướng của nhân dân. PGS.TS có thể lý giải điều này?
Đại tá PGS.TS Trần Ngọc Long: Không phải ngẫu nhiên mà người ta nói Võ Nguyên Giáp là cây đại thụ rợp bóng nhân văn bởi vì trong các truyền thống của dân tộc Việt Nam thì Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã biết kế thừa và phát triển, đều lấy chữ nhân để làm gốc. Đức nhân trong con người của ông được thể hiện qua các mối quan hệ chủ yếu tức là đối với nhân dân, đối với bộ đội, đối với kẻ địch và đối với chính bản thân mình.
Võ Nguyên Giáp là một vị tướng hiểu rõ và thấm nhuần tư tưởng trọng dân, lấy dân làm gốc. Yếu tố nhân dân luôn bám rễ sâu trong tư duy quân sự của Võ Nguyên Giáp. Trong hai cuộc kháng chiến trên cương vị Tổng tư lệnh Đại tướng cũng thường xuyên nhắc nhở chỉ huy các mặt trận thà mất đất chứ không để mất dân. Với ông thì yếu tố chính trị quần chúng là yếu tố không thể thiếu trong bất kỳ một hoạt động quân sự nào của quân đội cách mạng. Dưới quyền của ông quan hệ quân dân là quan hệ cá nước và trở thành nét đẹp truyền thống quân đội nhân dân Việt Nam không chỉ trong thời chiến mà cả trong thời bình.
PV: Vâng, con người, nhân cách và những cống hiến to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước không chỉ in đậm trong lòng người dân Việt Nam mà còn được cả thế giới ghi nhận. Đại tướng không chỉ là người làm nên lịch sử mà ông còn là sử gia đúc kết lại lịch sử kháng chiến của cả dân tộc, thưa PGS.TS Trần Ngọc Long?
Đại tá PGS.TS Trần Ngọc Long: Nói đến Võ Nguyên Giáp là nói đến một danh tướng, một nhà chính trị đi trước một nhà quân sự. Về mặt lý luận quân sự ông đã để lại nhiều trước tác quân sự hay nói một cách khác có những cống hiến to lớn về mặt lý luận quân sự góp phần vào kho tàng lý luận quân sự độc đáo của dân tộc Việt Nam. Ví dụ như cuốn “Chiến tranh giải phóng dân tộc” và “Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc”. Thứ hai, ông cũng là vị tướng đã đào tạo ra được một thế hệ sĩ quan quân đội có kiến thức toàn diện. Về mặt thực tiễn thì ông là người đã chuyển tải thành công những nội dung căn bản trong truyền thống quân sự, dân tộc cũng như trong tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh vào thực tiễn xây dựng quân đội nhân dân Việt Nam, đồng thời vào thực tiễn của hai cuộc chiến tranh giải phóng.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Xin mời nghe âm thanh tại đây: