Tiến sĩ Ngô Nhân Hải, tên thường gọi là Ngô Hải, quê ở làng Vọng Nguyệt, hay còn có tên là làng Ngột Nhì, thuộc tổng Nội Trà, huyện Yên Phong, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc, nay là làng Vọng Nguyệt, xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Theo Tiến sĩ Lê Viết Nga, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh, quê hương Vọng Nguyệt là một vùng đất giàu truyền thống khoa bảng nhất nhì xứ Kinh Bắc: “Đây là vùng đất có truyền thống vẻ vang, là địa phương đứng đầu về số lượng các nhà khoa bảng thời phong kiến. Trong đó, dòng họ Ngô có 5 đời liên tục đỗ Tiến sĩ. Sử gia Phan Huy Chú ghi rằng “ Làng Vọng Nguyệt có họ Ngô 5 đời đỗ liên tiếp, thực là xưa nay hiếm”.

Theo gia phả họ Ngô thì Ngô Nhân Hải là con trai của vị tiến sĩ khai khoa dòng họ Ngô ở Vọng Nguyệt, đó là Hoàng Giáp Ngô Ngọc, 33 tuổi đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, làm quan đến chức Lễ khoa Đô cấp sự trung, một vị quan thanh liêm dưới triều Lê - Trịnh.

Sinh ra nơi miền quê đặc biệt, trong một dòng họ danh giá có truyền thống hiếu học “kế thế đăng khoa”, kế tiếp sự nghiệp khoa bảng và sự truyền thụ của người cha, Ngô Nhân Hải có điều kiện học hành và sớm đỗ đạt. Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư” cũng như trong gia phả cho biết: Ngô Nhân Hải đã tham gia kỳ thi năm Mậu Thìn, niên hiệu Đoan Khánh thứ 4 đời vua Lê Uy Mục (tức năm 1508), và đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Tuy nhiên, trong 82 văn bia tiến sĩ tại Văn Miếu Quốc Tử Giám còn đến ngày nay, trong số các danh nhân họ Ngô đỗ đại khoa, không có tên Ngô Nhân Hải. Lý giải về điều này, TS Nguyễn Văn Tú, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hoá Khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám cho biết: “Theo nghiên cứu, thời vua Lê Uy Mục bị coi là ông vua quỷ, không phải vị vua anh minh. Việc thi cử vẫn được tổ chức nhưng chưa được chú trọng, phải chăng vì thế khoa thi này không được dựng bia.”

Cuộc đời quan lộ của Ngô Nhân Hải ít được nhắc đến trong các nguồn chính sử. Tuy nhiên, căn cứ vào một số nguồn tư liệu địa phương, gia phả và qua các nguồn khảo cứu, Ngô Nhân Hải sau khi thi đỗ Tiến sĩ đã được triều đình nhà Lê giao cho một số chức quan, mà chức quan cao nhất là Giám sát Ngự sử. Về chức quan này, theo “Từ điển quan chức Việt Nam” và “Lịch triều hiến chương loại chí”, những người được phong làm quan Giám sát Ngự sử đều có hàm từ Chánh thất phẩm.

Khi nhắc về Tiến sĩ Ngô Nhân Hải, các nhà nghiên cứu sử học đều nhận định ông là người giỏi chữ, lý lẽ chiết tự và có tài hùng biện. Sự toàn tài này của ông liên quan đến một câu chuyện đặc biệt, đó là sự kiện Hoàng giáp Ngô Nhân Hải, nhờ sự mưu trí của mình đã giúp dòng họ Ngô thoát khỏi kiếp nạn chu di tam tộc.

Câu chuyện về kiếp nạn này được tóm tắt rằng, vào năm 1511, em ruột của Ngô Nhân Hải là Ngô Nhân Tổng cùng với Thân Duy Nhạc dấy quân ở vùng Quế Võ, Yên Phong, khởi nghĩa chống lại triều đình nhà Lê dưới triều vua quỷ Lê Uy Mục. Cuộc khởi nghĩa bị bại lộ, Nhạc và Tổng bị bắt xử tử. Có người tố giác Tổng là con trai Ngô Ngọc và là em Giám sát ngự sử Ngô Nhân Hải, có liên quan đến cuộc khởi nghĩa của nông dân ở Kinh Bắc. Giữa triều đình, Ngô Nhân Hải đã bình tĩnh dùng lý lẽ của mình để bác bỏ lời cáo buộc đó. Ông nói rằng: “Xét về bản quán, Tổng là hàng xóm của thần, nhưng hai người hàng xóm không nhất thiết là cốt nhục. Tổng họ Ngô, chữ Ngô được kết chữ khẩu ở trên, chữ thiên ở dưới. Thần cũng họ Ngô, chữ Ngô của thần được kết chữ Ngũ ở trên, chữ khẩu ở dưới. Như vậy rõ ràng là đồng âm mà khác nghĩa”.

Tài đối đáp và cứu được dòng họ thoát khỏi kiếp nạn chu di tam tộc đã khẳng định tài năng và đức độ của quan Giám sát Ngự sử Ngô Nhân Hải. Ông làm quan đến cuối đời và được vinh thăng: Đặc tiến Kim tử, Vinh lộc đại phu tước Bá.

Với những công trạng đó, Tiến sĩ Ngô Nhân Hải được thờ tự tại Đền thờ Họ Ngô ở làng Vọng Nguyệt, xã Tam Giang cùng với các vị đại khoa trong dòng họ. Hàng năm, vào ngày 17 tháng Giêng âm lịch, tại đền thờ họ Ngô ở Vọng Nguyệt diễn ra lễ giỗ tưởng nhớ công ơn của các bậc tiền nhân. Con cháu toàn gia tộc tập trung tại nhà thờ tiến hành cúng lễ tổ tiên, thể hiện truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.

Mời quý vị và các bạn nghe âm thanh tại đây: