Vườn Chuối được phát hiện từ năm 1969, đến năm 2021 đã được khoanh vùng bảo vệ. Đến nay đã có hơn 10 cuộc thăm dò, khai quật khảo cổ tại đây. Kết quả các lần khai quật đã ghi nhận Vườn Chuối là loại hình di chỉ cư trú kết hợp mộ táng, tồn tại ít nhất 3 tầng văn hóa phát triển liên tục từ giai đoạn Đồng Đậu đến Gò Mun rồi Đông Sơn.

Chính vì chứa đựng tới ba tầng văn hóa, cho nên tại Vườn Chuối phát lộ những di vật hết sức đặc biệt. Các lần khai quật trong hai năm 2019 - 2020 đã phát hiện ra nhiều hiện vật, tư liệu mang dấu tích về cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người Việt cổ.

Địa điểm Vườn Chuối là di chỉ cư trú - mộ táng phát triển liên tục qua nhiều giai đoạn từ tiền Đông Sơn đến Đông Sơn, là di chỉ khảo cổ quý về thời đại Kim khí ở khu vực phía Bắc Việt Nam. Di tích nằm ở vị trí cao nhất của gò Vườn Chuối, có cấu trúc hình lòng chảo với rìa ngoài cao hơn bên trong khoảng 0,5m. Nhận định ban đầu, người xưa đã lợi dụng địa hình dương - gò đất tự nhiên cũng như địa hình âm dưới chân gò, giữa các gò và đã vượt thổ ở khu vực xung quanh. Từ đó, tạo khu cư trú ở bên trong, cùng một vòng hào bảo vệ rộng khoảng 10m và sâu khoảng 2,5m đến 3m bao quanh bên ngoài.

Những di tích, di vật tìm thấy trong các đợt khai quật tại di chỉ Vườn Chuối cho thấy cư dân Việt cổ đã nắm vững và có trình độ cao trong những nghề chế tác đồ đá, đồ gốm, gỗ, nấu đúc kim loại đồng, xe sợi dệt vải… Những dấu tích vỏ trấu in trên một số mảnh gốm, mảnh đất nung cho thấy thông tin về nghề trồng lúa nước. Vết tích của nghề chài lưới, bắt cá được tìm thấy qua các viên chì lưới bằng đất nung và lưỡi câu đồng…

Trong các di vật khảo cổ lần này, cùng với vũ khí, công cụ lao động và rất nhiều đồ trang sức... thì dấu vết của kiến trúc nhà, nơi cư trú của người Việt cổ thời kỳ tiền Đông Sơn cũng được hé lộ. Đó là hàng loạt vết lỗ chôn cột lần đầu tiên được tìm thấy duy nhất ở khu Di chỉ Vườn Chuối, cho thấy người Việt cổ dường như đã từng sống trong những ngôi nhà dài, có kiến trúc như các ngôi nhà dài ở Tây Nguyên.

Một số nhà khoa học cho rằng, Vườn Chuối là một trong những di chỉ khảo cổ quan trọng nhất của Việt Nam, mang trong mình rất nhiều câu chuyện trải dài theo cả nghìn năm dựng nước, xuyên qua 4 nền văn hóa lớn là Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun và Đông Sơn. Hiện ngoài Vườn Chuối, cả nước chỉ còn di tích Đồng Đậu ở Phú Thọ còn lưu lại dấu tích của thời sơ sử này.

PGS.TS Bùi Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam cho biết, từ những nhận định ban đầu đã chứng minh tính bản địa của văn hóa Đông Sơn, văn hóa lớn nhất trong thời đại kim khí Việt Nam. "Cùng với văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa lưu vực sông Đồng Nai thì đấy là yếu tố bản địa. Từ yếu tố bản địa ấy, chúng ta có những tư liệu, vật chất để nói đến việc ra đời của Nhà nước sớm ở thành phố Hà Nội cũng như là Bắc Việt Nam thời các vua Hùng. Từ các mộ táng chúng tôi biết được quá trình giàu nghèo, phân chia hiện vật chôn theo. Có giàu nghèo là có sự phân tầng và như vậy cần một người cao hơn để lãnh đạo, tập trung. Thứ hai là vấn đề chống ngoại xâm. Chống ngoại xâm cũng phải cần đoàn kết, cũng phải cần một lực lượng rất lớn. Thứ ba là trị thủy, đào đắp đê, nạo vét đê. Trị thủy thì cũng phải cần một lực lượng rất lớn tập trung. Ba yếu tố đó ở Vườn Chuối đều có, là những minh chứng quan trọng cho sự ra đời của Nhà nước sớm của Bắc Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng".

Phát hiện nổi bật nhất trong đợt khai quật này nằm ở hơn 70 mộ táng tiền Đông Sơn và 40 mộ táng Đông Sơn, chia thành 2 giai đoạn mộ Đông Sơn sớm và mộ Đông Sơn muộn. Một số di cốt được đeo rất nhiều vòng ở hai cánh tay, cùng với đó là tục nhổ răng cửa trên hay bỏ đồ gốm, đồ đồng chôn cất theo di cốt. Mộ táng tiền Đông Sơn có tục nhổ răng cửa ở người trưởng thành nhưng đến giai đoạn văn hóa Đông Sơn thì không còn thấy tục lệ này. Hệ thống di cốt trong các mộ táng thuộc các giai đoạn khác nhau vẫn còn được bảo tồn khá tốt, hứa hẹn sẽ đưa đến những hiểu biết sâu hơn khi triển khai nghiên cứu về nhân chủng học, di truyền, bệnh lý, vận động, chế độ dinh dưỡng... của người Việt cổ trong thời đại Kim khí ở phía Bắc Việt Nam.

Đợt khai quật này còn phát hiện nhiều dấu tích bếp lửa, lò đúc và một số di tích sinh hoạt khác. Đoàn công tác thu được nhiều di vật thuộc các nhóm chất liệu đá, đồng, gốm, gỗ, sắt... thuộc nhiều giai đoạn khác nhau từ giai đoạn Phùng Nguyên muộn đến Đông Sơn muộn.

Đứng trước bối cảnh phát triển đô thị mạnh mẽ hiện nay, việc khai quật và di dời, bảo tồn cổ vật di chỉ Vườn Chuối cần được tính toán cẩn trọng. Đó cũng là điều được lãnh đạo TP. Hà Nội và các nhà khảo cổ học, chuyên gia di sản đặc biệt quan tâm.

PGS.TS Bùi Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam đề xuất những giải pháp rất chi tiết. Một là nhận diện một cách toàn diện, khoa học về Vườn Chuối. Hai là tiếp tục khai quật cho đến khi bàn giao mặt bằng. Thứ ba là bảo tồn cả phần phía đông còn lại của vườn chuối để tiến hành xếp hạng di tích các cấp. Như vậy sẽ đảm bảo hài hòa giữa nghiên cứu khai quật, di dời, giữa bảo tồn và xếp hạng di tích.

PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia mong muốn, việc bảo tồn có thể kết hợp với khoa học công nghệ để người dân có thể tiếp cận, tìm hiểu về lịch sử phát triển của đất nước mình. "Theo tôi cần tiếp tục nghiên cứu, bảo vệ di chỉ Vườn Chuối như với tư cách một di chỉ khảo cổ học ngoài trời như 18 Hoàng Diệu, tức là phải bảo quản, di dời bằng phương pháp khoa học và đặt vào một địa điểm mới. Có thể là trong khu ấy sẽ có một phòng trưng bày, rồi kết hợp với kỹ thuật công nghệ số, cả cảnh quan sinh thái cũng sẽ được phục hồi bằng 3D Mapping. Như thế sẽ mường tượng được cảnh quan ngày xưa, người cổ sinh sống như thế nào, sản xuất ra sao, tổ chức xã hội thế nào?... Tôi nghĩ nếu làm tốt thì đây sẽ là một điểm đến du lịch hấp dẫn. Bởi vì trong lòng thủ đô lại có một di chỉ khảo cổ gắn với thời kỳ Đông Sơn, mà lại có địa điểm cư trú, có di cốt người là cực kỳ hiếm".

Ông Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, Bộ VH-TT&DL cho biết Bộ cũng đã có những chỉ đạo rất quyết liệt, đồng thời làm việc trực tiếp với nhiều nhà khoa học có liên quan để định hướng công tác khai quật khảo cổ cũng như bảo tồn, phát huy giá trị di chỉ Vườn Chuối. "Các vấn đề về quản lý, các hoạt động khảo cổ và công tác bảo tồn... đang được thực hiện một cách bài bản theo đúng quy định pháp luật về di sản văn hóa, mở đường cho dự án đầu tư thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư và xây dựng. Đồng thời, Bộ VH-TT&DL cũng đề nghị UBND thành phố Hà Nội nhanh chóng xếp hạng di tích này là di tích cấp thành phố trong năm 2025".

Ủng hộ quan điểm đảm bảo sự phát triển hài hòa kinh tế - xã hội của địa phương, song các nhà khoa học đề xuất cần bảo vệ vùng lõi của di chỉ Vườn Chuối, xây dựng hồ sơ di tích đối với khu vực này, biến Vườn Chuối trở thành công viên khảo cổ học quy mô quốc gia.

Sau khi thu được những kết quả khảo cổ học mới nhất tại di chỉ Vườn Chuối, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội đang tích cực làm hồ sơ để di tích Vườn Chuối sớm được công nhận là di tích cấp thành phố và thực hiện kế hoạch bảo quản, bảo tồn và phát huy giá trị di tích.