Triển lãm trưng bày 38 tác phẩm của 34 họa sĩ phản ánh những nét đặc sắc trong đời sống sinh hoạt văn hóa của người Việt vừa quen vừa mới lạ được thể hiện qua góc nhìn đương đại. Đây là những sáng tạo cá nhân trên nguồn cảm hứng học hỏi yếu tố tinh hoa của dòng tranh khắc gỗ Nhật Bản Ukiyo-e kết hợp với các giá trị tinh hoa của chất liệu mỹ thuật truyền thống của Việt Nam như lụa, sơn mài, giấy dó, giấy giang...
Phát biểu khai mạc triển lãm, TS Lê Xuân Kiêu- Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho rằng, đây là một cuộc triển lãm đặc biệt, mỗi tác phẩm đều có sự đối thoại về giá trị văn hóa Việt Nam khi được đối sánh với các tác phẩm gốc của dòng tranh khắc gỗ Nhật Bản Ukiyo-e. "Tôi vô cùng xúc động khi thấy có nhiều bức tranh thể hiện về Văn Miếu- Quốc Tử Giám: Khuê Văn Các, hay các công trình kiến trúc, các họa tiết, hoa văn và một bức tranh vô cùng đặc biệt liên quan đến Nguyên Phi Ỷ Lan, từ một cô gái hái dâu trở thành Nguyên Phi nhiếp chính. Bà cũng chính là người có vai trò quyết định trong việc thành lập Quốc Tử Giám và người đầu tiên theo học tại đây là Hoàng tử Lý Càn Đức, con trai vua Lý Thánh Tông với Nguyên Phi Ỷ Lan".
Theo TS Trần Hậu Yên Thế, Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội- Giám tuyển triển lãm, dự án Đối thoại với tranh khắc gỗ Nhật bản Ukiyo-e mong muốn nối dài những cuộc đối thoại với nghệ thuật truyền thống của Nhật Bản, cụ thể là dòng tranh khắc gỗ Nhật Bản Ukiyo-e (hay còn được gọi là dòng tranh Phù thế họa). Dòng tranh này mang đầy đủ giá trị tinh hoa trong sáng tạo cũng như tinh thần Nhật Bản. "Thông qua triển lãm, những người làm nghệ thuật mà ở đây là các họa sĩ trẻ mong muốn quảng bá nét đẹp, sự độc đáo của các chất liệu mỹ thuật cổ truyền Việt Nam đến đông đảo người yêu mến nghệ thuật truyền thống, đồng thời cũng là dịp để giới thiệu tới công chúng sản phẩm văn hóa được kết tinh từ quá trình khám phá các giá trị nghệ thuật truyền thống của những cuộc đối thoại văn hóa, xuyên quốc gia".
Là người đồng hành, hướng dẫn các họa sĩ trẻ trong dự án lần này, Thạc sĩ Nguyễn Thế Sơn - Giám tuyển của Triển lãm bày tỏ vui mừng trước những nỗ lực không ngừng nghỉ của các họa sĩ trẻ trong hành trình thúc đẩy thực hành nghệ thuật, lấy cảm hứng từ các giá trị văn hoá mỹ thuật truyền thống của Việt Nam cũng như của các nền văn hoá khác. "Hoạt động thực hành “sáng tạo truyền thống” cũng là động lực cho những sáng tạo mang dấu ấn cá nhân, góp phần thúc đẩy thế hệ trẻ ngày nay nói chung và họa sĩ trẻ nói riêng tiếp tục học hỏi, kế thừa tinh hoa nghệ thuật truyền thống để từ đó có thêm động lực và cảm hứng nuôi dưỡng đam mê sáng tạo nghệ thuật” - Thạc sĩ Nguyễn Thế Sơn bày tỏ.
Chia sẻ về tác phẩm "Nền" của mình, họa sĩ trẻ Trương Hoàng Hải cho rằng, để đối thoại phải có ngôn ngữ và một cuộc đối thoại xuyên văn hóa không chỉ cần mỗi ngôn từ. "Từ bên dưới, các ký tự tách rời khỏi bảng chữ, xáo trộn rồi lại xếp hàng ngăn nắp. Trên bề mặt, các yếu tố văn hóa vượt qua khoảng cách cả trong không gian và thời gian, đan cài, giao tiếp và liên kết với nhau. Tất cả tạo nên sự đa dạng, bản sắc, cái riêng trong cái chung. Khi thực hiện tác phẩm này, tôi cũng phải nghiên cứu khá kỹ về dòng tranh khắc gỗ của Nhật Bản để có thể tìm được tiếng nói chung, thống nhất cho tác phẩm".
Một số hình ảnh tại triển lãm: