Chiều 28/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi). Các đại biểu Quốc hội đã thảo luận thẳng thắn nhiều vấn đề đặt ra đối với nền điện ảnh nước nhà như: Kiểm duyệt phim, phổ biến phim trên không gian mạng, tăng cường xã hội hóa trong sản xuất phim, quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh...

Kiểm duyệt phim đang bị kéo căng giữa nhà quản lý và người làm điện ảnh?

Cho ý kiến về dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), đại biểu Phạm Trọng Nhân (ĐBQH tỉnh Bình Dương) cho rằng một tác phẩm điện ảnh có thể chứa đựng cả một giai đoạn lịch sử bi hùng nhưng đôi khi chỉ qua góc nhìn riêng của tác giả.

Vấn đề đặt ra là phải làm thế nào để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa quản lý nhà nước về hoạt động điện ảnh và cảm xúc thăng hoa của người nghệ sỹ trước ranh giới mong manh giữa giá trị đạo đức, truyền thống văn hóa với những cái mới, hiện đại. Đó là mục tiêu chính của dự Luật lần này.

Tuy nhiên, theo ông Nhân nhiều quy định trong dự thảo Luật còn khá mơ hồ và dễ tạo ra sự áp đặt lên tư duy sáng tạo của người làm phim.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân dẫn giải, tại Khoản 1; điều 3 định nghĩa: “Điện ảnh là ngành nghệ thuật sáng tạo áp dụng nghệ thuật nghe nhìn và các thủ pháp để sáng tác phim”. Như vậy, theo logic dự luật này phải chế định cho được nội dung liên quan đến quản lý nhà nước về nghệ thuật sáng tạo, áp dụng nghệ thuật nghe nhìn và các thủ pháp để sáng tác phim.

“Với quy định và logic như vậy thì nhà nước phải quản lý gì về thủ pháp sáng tạo? Quan trọng hơn, nếu căn cứ vào định nghĩa và logic như vậy thì dự luật đã trượt khỏi quỹ đạo từ ban đầu vì toàn bộ các điều khoản không có quy định nào về nghệ thuật sáng tạo áp dụng nghệ thuật nghe nhìn và các thủ pháp để sáng tác phim”, ông Phạm Trọng Nhân nhận định.

Bên cạnh đó, ông Phạm Trọng Nhân nhận thấy, dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) có đến 17 điểm quy định các nội dung và hành vi bị nghiêm cấm. Điều đáng nói nhiều điểm cấm trong dự thảo Luật lại khá mơ hồ, tầm bao quát rộng nếu áp dụng vào thực tế sẽ trói buộc sự sáng tạo, khả năng thăng hoa của đạo diễn.

“Vi phạm các nguyên tắc cơ bản của Hiến pháp, pháp Luật là điểm đầu tiên trong 17 điểm cấm của dự thảo Luật. Rà soát Hiến pháp thì chỉ có 4 điều đề cập đến nguyên tắc. Đó là, phổ thông bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín ở điều 7; tập trung dân chủ ở điều 8; tự nguyện tiến bộ 1 vợ, 1 chồng ở điều 36 và tranh tụng trong hoạt động xét xử được đảm bảo ở điều 103. Như vậy hoạt động điện ảnh phải đảm bảo những nguyên tắc nào trong các nguyên tắc này?”, ông Phạm Trọng Nhân nêu.

Bên cạnh đó, theo ông Phạm Trọng Nhân, như thế nào là làm tổn hại đến các giá trị văn hóa; truyền bá tệ nạn xã hội; phá hoại truyền thống văn hóa, đạo đức xã hội... điều này cần được quy định rõ ràng tránh sự cảm tính, chủ quan của cơ quan có thẩm quyền khi "cầm cân nảy mực" trong các khâu xét duyệt.

Thời gian qua, việc nhập khẩu phim nước ngoài có nhiều khác biệt, thậm chí khác biệt về văn hóa. Điều này làm thay đổi lối sống của không ít thanh niên trong đó có việc sống thử trước hôn nhân thì liệu có làm tổn hại đến các giá trị và phá hoại truyền thống văn hóa hay không?

Nhiều tác phẩm Việt Nam đoạt giải tại các LHP nước ngoài nhưng lại bị cấm chiếu ngay ở sân nhà vì vi phạm thuần phong mỹ tục hay phản ánh hiện thực quá đen tối bi quan.

Ông Phạm Trọng Nhân cho rằng, việc kiểm duyệt điện ảnh thời gian qua đang bị kéo căng giữa nhà quản lý và người làm điện ảnh. Giữa hai chủ thể dường như chưa tìm được tiếng nói chung hệ quả dẫn đến là một nền điện ảnh đến nay chưa thể rời xa điểm xuất phát.

“Tâm trạng lo âu thấp thỏm của các đạo diễn khi đi kiểm duyệt phim khiến công chúng mường tượng giống như một phiên tòa, thiếu vắng bầu không khí cởi mở, chân tình giữa nhà làm quản lý với những người làm điện ảnh. Trong khi đối tượng đang được xem xét không đơn thuần là một sản phẩm vật chất mà là những rung động, xúc cảm nghệ thuật”, ông Phạm Trọng Nhân chia sẻ.

Từ thực tế này, ông Phạm Trọng Nhân kiến nghị, điện ảnh Việt Nam cần những cuộc thảo luận cởi mở, lắng nghe và thấu cảm nhằm xóa đi ranh giới giữa nhà quản lý và đối tượng quản lý trong một hoạt động đậm chất đặc thù. Phải mang tâm thế và cách tiếp cận mới đối với dự luật lần này.

Cần phân loại, dán nhãn phim 16+, 18+, 21+...

Liên quan đến việc phổ biến phim trên không gian mạng quy định tại điều 22 dự thảo Luật, ông Nguyễn Văn Cảnh (ĐBQH tỉnh Bình Định) đồng ý ưu tiên hậu kiểm đối với phim trên không gian mạng khi mà số lượng phim ngày một nhiều.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là kiểm soát như thế nào để trẻ em xem phim trên không gian mạng phù hợp với độ tuổi của mình.

“Nếu tổ chức phổ biến phim trên không gian mạng thiết lập được hệ thống kiểm soát để người lớn quản lý trẻ em chỉ được phép xem phim phù hợp với lứa tuổi thì được áp dụng ưu tiên hậu kiểm. Tổ chức nào chưa có hệ thống kiểm soát trẻ em thì áp dụng tiền kiểm”, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị.

Bên cạnh đó, về phân loại phim tại tại điều 33, ông Nguyễn Văn Cảnh cũng đề nghị bổ sung thêm nhóm C21 (phim phổ biến người xem từ 21 tuổi trở lên).

Ông Cảnh cho rằng, thanh niên nhiều nước phương tây 18 tuổi đã ra sống độc lập thì phân loại phim theo độ tuổi cao nhất là C18 thì hợp lý. Tuy nhiên ở Việt Nam hầu hết 18 tuổi còn sống với gia đình, có đi học xa thì vẫn chưa độc lập về nhiều mặt. Do vậy, việc phân thêm loại phim C21 sẽ tạo điều kiện cho các nhà làm phim khai thác ý tưởng rộng hơn để phát triển thị trường phim trong nước và xuất khẩu.

Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Cảnh cũng cho rằng ngành văn hóa cần có cơ chế quy đổi độ tuổi các phim nhập khẩu được chiếu trên mạng internet có tính tương đồng hoặc có thể so sánh giữa các tiêu chí phân loại phim theo độ tuổi của các quốc gia và Việt Nam.

“Ví dụ, phim chính kịch của Thái Lan quy định 16+ thì Việt Nam cũng có thể chiếu phim 16+; hay phim lãng mạn của Pháp quy định 18+ thì Việt Nam cũng có thể tăng lên một cấp là thành 21+ (nếu có). Đơn vị phổ biến phim vẫn có quyền phân loại lại độ tuổi theo quy định của pháp luật Việt Nam. Việc phân loại này tạo điều kiện cho các nhà làm phim tạo ra các cảnh phim đáp ứng được tiêu chí của hội đồng thẩm định và phân loại phim”, ông Nguyễn Văn Cảnh phân tích.

Thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), đại biểu Hà Ánh Phượng (ĐBQH tỉnh Phú Thọ) cũng cho rằng cần bổ sung mức phân loại độ tuổi thay vì mức “trần” C18 (phim chỉ phù hợp với khán giả trên 18 tuổi) theo quy định tại dự thảo Luật.

“Phân loại thêm độ tuổi để một số bộ phim không bị cấm chiếu hoàn toàn mà có thể được phổ biến trong phạm vi hẹp và phù hợp hơn như phân loại tuổi C21- phim dành có người trưởng thành hơn 18 tuổi. Điều này giúp cho việc tránh xung đột khi phim nước ngoài có thể hợp với tuổi 18 ở các nước phương Tây nhưng chưa phù hợp với tuổi 18 theo nền văn hóa nước nhà”, đại biểu Hà Ánh Phượng nêu quan điểm.

Trước tình trạng một số tác phẩm điện ảnh kinh điển như: “Bao giờ cho đến Tháng Mười”, “Cánh đồng hoang”, “Ván bài lật ngửa”, “Làng Vũ đại ngày ấy”, “Em bé Hà Nội”, “Sống trong sợ hãi”, “Con chim vành khuyên” … đang được phổ biến, khai thác, cắt ghép, chế bản trôi nổi trên mạng mà không thấy cơ quan quản lý nào lên tiếng, đại biểu Hà Ánh Phượng kiến nghị cần có điều khoản, quy định cụ thể về việc phổ biến, khai thác những bộ phim do Nhà nước đầu tư, sản xuất.