Lào Cai là tỉnh miền núi, biên giới với đặc thù có 25 nhóm ngành dân tộc thiểu số nên nghề truyền thống rất phong phú, đa dạng, mang đậm nét văn hóa dân tộc. Đây là thế mạnh để tỉnh Lào Cai phát huy tiềm năng của làng nghề gắn với phát triển du lịch.
Tỉnh Lào Cai đã ban hành Chương trình “ Bảo tồn và phát triển làng nghề giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”; “Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2025, định hướng đến năm 2035”, nhằm bảo tồn, phát triển nghề và làng nghề, gìn giữ và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của các làng nghề, thúc đẩy phát triển sản xuất.
Qua đó, đời sống của người dân ở các thôn, bản du lịch cộng đồng đã được nâng lên rõ rệt, góp phần quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy văn hóa bản địa để phục vụ du lịch và chương trình xây dựng nông thôn mới.
Nằm cách trung tâm huyện Bắc Hà gần 30 km, xã Bản Liền có khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp nên đồng bào Tày ở đây có nghề trồng chè lâu đời. Để tránh mưa, nắng khi lên nương hái chè, bà con đã làm ra những chiếc nón lá cọ để sử dụng và những chiếc nón trở thành nét văn hóa đặc trưng trong phong tục, đời sống.
Để gìn giữ và phát triển nghề làm nón là cọ gắn với phát triển du lịch cộng đồng, cấp ủy, chính quyền địa phương đã thành lập tổ đan lát, sản xuất nón lá cọ. Năm 2020, Hội LHPN xã Bản Liền phối hợp với Trung tâm học tập cộng đồng và Du lịch cộng đồng đã mở các lớp truyền dạy nghề cho các hội viên phụ nữ.
"Chị em hội viên phụ nữ trên địa bàn xã học làm nón để mà có thể tăng thu nhập cho bản thân, tạo được sự tự tin của phụ nữ mình. Mình cũng vận động bà con giữ nghề truyền thống để thu hút thêm khách đến với bản Liền để mà tăng thêm cái thu nhập..." - chị Vàng Thị Ngân, Chủ tịch Hội LHPN xã Bản Liền, huyện Bắc Hà cho biết.
Những năm gần đây, du lịch cộng đồng xã Bản Liền đã được đánh thức tiềm năng và đang trên đà phát triển. Chính vì vậy, nón lá cọ không chỉ phục vụ nhu cầu của người dân địa phương mà dần trở thành sản phẩm làm quà lưu niệm mang giá trị bản sắc văn hóa đối với du khách. Đây là điều kiện thuận lợi để sản phẩm nón lá cọ có cơ hội được quảng bá rộng rãi, đồng thời tiếp thêm động lực để bà con gìn giữ và phát huy nghề.
"Bản Liền cũng đã đầu tư và quan tâm đến nhân dân trong xã, đó là tổ chức các lớp dạy dạy nghề đan nón ngắn ngày cho các đội, rồi các nghệ nhân cũng đã truyền đạt cho các con, các cháu ở trong thôn tiếp bước truyền thống của các thế hệ đi trước để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của người Tày trên địa bàn xã bản Liền..." - ông Đặng Hùng Cường, Chủ tịch UBND xã bản Liền chia sẻ.
Ở xã Nậm Khánh, huyện Bắc Hà, nghề trồng bông dệt vải, may trang phục truyền thống là di sản văn hóa đặc sắc của đồng bào La Chí. Đến đây, du khách không khó để thấy hình ảnh những người phụ nữ cặm cụi ngồi bên khung dệt, thêu những bộ quần áo truyền thống với màu sắc và hoa văn phong phú. Dù tuổi đã cao nhưng bà Lý Thị Nề đã không quản vất vả, khó khăn để truyền dạy lại những kinh nghiệm nghề quý báu cho con, cháu qua từng đường kim, mũi chỉ đặng mong có thể truyền được lửa đam mê cho các thế hệ trẻ nhằm giữ gìn bản sắc của dân tộc.
Chị Lý Thị Hương, xã Nậm Khánh cho biết, nghề này phải trải qua rất nhiều công đoạn, đặc biệt là phải tỉ mỉ, khéo léo trong khi thêu họa tiết, hoa văn trên từng tấm vải. Vừa làm, vừa học, chị hy vọng trong tương lai không xa sẽ nắm được hết các công đoạn trồng bông, dệt vải, thêu thùa để làm ra những bộ trang phục truyền thống của người La Chí.
Để các làng nghề truyền thống không bị mai một, thời gian qua, UBND huyện Bắc Hà đã tổ chức nhiều hoạt động cụ thể, tập trung thực hiện, triển khai hiệu quả Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” giai đoạn 2021 – 2030, chú trọng bảo tồn và phát huy các không gian văn hóa làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng.
"Chỉ có giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống mới là cốt lõi để phát triển du lịch và phát triển du lịch thì mới có thể giảm nghèo bền vững. Do đó trong thời gian vừa qua thì Phòng VHTT huyện Bắc Hà đã nỗ lực để tham mưu cho các đ/c lãnh đạo gìn giữ các nét văn hóa truyền thống đó thì từng đồng bào dân tộc được phát huy, được giữ gìn và được du khách biết đến và đã trở thành sản phẩm về du lịch. Thông qua những sản phẩm đó thì nhân dân yêu các nét văn hóa truyền thống của mình hơn..." - ông Bùi Văn Vinh, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bắc Hà cho biết.
Để bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số, ngành Văn hóa, Thể thao tỉnh Lào Cai đã ưu tiên tiến hành khảo sát, đầu tư, phục dựng lại nhiều làng nghề truyền thống để xây dựng thành các sản phẩm du lịch, từ đó góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân địa phương.
Với việc đề ra những giải pháp cụ thể, Lào Cai đã phát triển thêm nhiều sản phẩm du lịch mới, gắn với đặc trưng văn hóa, bản sắc dân tộc của các làng nghề, đem đến những trải nghiệm thú vị, hấp dẫn cho du khách thập phương mỗi khi đến với Lào Cai.
Xin mời nghe bài viết tại đây: