Việt Nam vừa tiếp tục được vinh danh là "Điểm đến Golf tốt nhất thế giới", do Tổ chức World Golf Awards trao tặng. Đây là năm thứ 2 Việt Nam đạt danh hiệu này (2019, 2021) và năm thứ 5 liên tiếp được công nhận là Điểm đến Golf tốt nhất châu Á (2017-2021).
Trong bối cảnh du lịch Việt Nam đang khởi động lại việc đón khách quốc tế, những giải thưởng, danh hiệu danh giá dành cho golf Việt Nam được xem là nguồn động lực góp phần đưa du lịch nước nhà nói chung và những điểm đến golf nổi tiếng phục hồi sau thời gian dài “ngủ đông” vì dịch Covid-19.
Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, du lịch golf là hoạt động du lịch chuyện biệt, có hiệu ứng rất mạnh mẽ tại Việt Nam trong những năm gần đây. Tương lai du lịch golf sẽ phát triển xứng tầm, góp phần phục hồi du lịch Việt Nam. "Chúng tôi đánh giá đây là phân khúc thuận lợi để đưa du lịch golf phát triển sau ảnh hưởng của dịch Covid-19 bởi rõ ràng trước dịch chúng ta đã nhìn thấy xu hướng và đầu tư vào sân golf rất mạnh. Sau dịch, chúng ta càng phải phát triển mạnh hơn nữa vì đây là loại hình du lịch an toàn và khách du lịch golf là khách hạng sang, ít tiếp xúc, chi tiêu nhiều”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu nhấn mạnh.
Theo ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh, địa phương hiện có 3 sân golf đi vào hoạt động gồm sân golf của FLC, Tuần Châu, Vĩnh Thuận (Móng Cái). Quảng Ninh quy tụ nhiều tổ hợp, quần thể nghỉ dưỡng 5 sao quy mô lớn và đa dạng sản phẩm du lịch cao cấp như: du lịch du thuyền vịnh Hạ Long, du lịch MICE… Các sản phẩm này khi kết hợp cùng tour golf được kỳ vọng sẽ tạo thành lợi thế cạnh tranh vượt trội cho Quảng Ninh, đặc biệt trong bối cảnh địa phương là một trong 5 tỉnh, thành được lựa chọn để thí điểm mở cửa đón khách quốc tế trong giai đoạn 1.
Ông Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Golf Việt Nam đánh giá: Tiềm năng du lịch golf nước ta rất lớn và có nhiều lợi thế. Trước hết là vị trí địa lý, các đường bay từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, các nước ASEAN rất thuận tiện. "Đây là những nơi mùa đông họ không thể chơi golf, bay đến Việt Nam chỉ 4-5 tiếng. Còn khách châu Âu có thể đến Việt Nam quanh năm. Tiếp theo là tiềm năng về văn hoá, ẩm thực và đặc biệt là hạ tầng sân golf cực tốt, ít nơi có được".
Tuy nhiên, nhiều bài toán liên quan đến du lịch golf vẫn còn bỏ ngỏ: sản phẩm du lịch golf cần thiết kế ra sao để thu hút du khách? Lộ trình đón khách chơi golf cần lưu ý điểm gì để vừa đảm bảo yếu tố an toàn, vừa phù hợp với nhu cầu của du khách quốc tế? Chiến lược kích cầu du lịch golf được tiến hành ra sao?...
Để phát triển du lịch golf Việt Nam, ông Đỗ Việt Hùng - Phó tổng giám đốc FLC, Tổng giám đốc FLC Biscom mong muốn Chính phủ, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch đẩy nhanh chính sách mở rộng giai đoạn 2 các tỉnh được đón khách quốc tế. Hiệp hội golf Việt Nam cần hỗ trợ quảng bá kết hợp các sân golf, tạo thành vành đai, tour tuyến không chỉ đón khách du lịch nước ngoài mà cả khách du lịch trong nước, tạo thêm trải nghiệm cho golfer.
Ông Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Golf Việt Nam cũng đề xuất giảm thuế vì chúng ta đang quan niệm golf là môn thời thượng, của những người giàu có, dẫn tới đánh thuế cao so với mặt bằng chung của các nước trong khu vực. Theo ông Linh, cần quan niệm đây là môn thể thao, từ đó có những chính sách ưu đãi phù hợp. Ngoài ra cũng cần phải có các giải golf với giải thưởng đủ hấp dẫn cũng như mời được các golfer nổi tiếng thế giới tham dự giải để nâng tầm thương hiệu.
Với những tiềm năng và thế mạnh về golf, Việt Nam cần có kế hoạch để phát triển và hoàn thiện sản phẩm dịch vụ này, từ đó đưa Việt Nam trở thành điểm sáng về du lịch golf trên toàn thế giới.