Trong lịch sử dân tộc, ngoài những chiến công hiển hách chống giặc ngoại xâm phương Bắc, còn ghi nhận những chiến thắng về ngoại giao vừa mềm dẻo, khôn khéo vừa kiên định để tránh cho đất nước khỏi họa xâm lăng của các triều đại Vua quan nước Việt.

Lịch sử còn ghi lại những câu chuyện về các vị quan làm công tác ngoại giao, các sứ thần của nước Việt rất đỗi thông minh, có tài ứng đối như: Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Hiền, Thân Nhân Trung... trong đó, nổi bật là thám hoa Giang Văn Minh, vị sứ thần đời vua Lê Thần Tông.

Sự nghiệp của Thám hoa Giang Văn Minh nổi bật ở lĩnh vực ngoại giao, thể hiện nhân cách của một người Việt ở phương Nam chân chính, kiêu hùng, yêu nước và sắc sảo, tài năng… và đặc biệt cả về tinh thần và tấm lòng trung quân ái quốc của ông.

Ngày 30/12 năm Dương Hòa thứ ba (1637), Giang Văn Minh được vua Lê Thần Tông cử làm Chánh sứ cùng 4 phó sứ dẫn đầu đoàn sứ bộ sang nhà Minh. Trong chuyến đi này, ông đã đấu tranh buộc nhà Minh bỏ lệ cống người vàng hàng năm trước đó.

Ông Giang Văn Lưu, hậu duệ đời thứ 10 của Thám hoa Giang Văn Minh kể: Đã nhiều năm đi sứ mà mỗi năm đoàn đi sứ của ta phải khênh 1 tượng vàng 50kg sang cống nộp. Lý do là vì Lê Sách, tướng của Lê Lợi chặt đầu Liễu Thăng ở ải Chi Lăng, nhưng vì Trung Quốc cậy là nước lớn nên bắt mỗi năm cống nạp 50kg vàng.

Đến năm đoàn cụ Giang Văn Minh đi sứ thì không khênh vàng để nộp. Tới ngày sinh nhật vua nhà Minh, nhiều nước tập trung nộp cống và chúc tụng nhưng riêng Việt Nam không có gì nộp mà còn khóc thật to. Vua Tàu thấy thế gọi lên hỏi: Tại sao hôm nay ngày vui của trẫm mà khanh lại khóc? Thì cụ trả lời: hôm nay giỗ cụ tổ 8 đời nhà tôi mà tôi không được về quê thắp hương, tôi nhớ tôi thương thì tôi khóc.

Vua Tàu gật đầu khen là hiếu đễ với tổ tiên nhưng bên Tàu thì 6 đời bỏ không phải cúng nữa, vậy cụ 8 đời của khanh không phải suy nghĩ nhiều.

Thừa cơ cụ cũng nói rằng: Thần cũng nghĩ như vậy nhưng người đời có biết thế đâu. Nợ Liễu Thăng nước thần đã phải trả hơn 200 năm tức là quá 8 đời rồi mà thiên triều vẫn tiếp tục đòi nữa thì điều đó là vô lý. Cuối cùng vua Tàu phải tuyên bố xoá nợ Liễu Thăng trước quần thần.

Cũng trong lần đi sứ này, biết Thám hoa Giang Văn Minh là người thông minh, vua nhà Minh có ý thử tài sứ thần nước Việt nên ra một vế đối: “Đồng trụ chí kim đài dĩ lục” (Dịch nghĩa: Cột đồng đến nay đã phủ kín rêu phong).

Vế đối của Vua Minh có ý ngạo mạn, nhắc đến việc Mã Viện xưa sang xâm lược nước ta, sau khi đàn áp cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã cho dựng cột đồng khắc 6 chữ “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt” (nghĩa là: cột đồng mà gãy thì dân Giao Chỉ diệt vong).

Nghe xong, mặc dù Thám hoa Giang Văn Minh rất căm giận nhưng ông vẫn bình tĩnh đối lại bằng một vế đối vô cùng xuất sắc: "Đằng giang tự cổ huyết do hồng" (Dịch nghĩa: Sông Bạch Đằng từ ngàn xưa máu vẫn còn đỏ).

Vế đối đanh thép, tỏ rõ khí phách anh hùng và lòng tự hào dân tộc, nhắc cho Vua Minh nhớ lại ba lần sông Bạch Đằng nhuốm máu quân xâm lược phương Bắc: Chiến thắng quân Nam Hán của Ngô Quyền (năm 938), chiến thắng quân Tống của Lê Đại Hành (năm 981) và chiến thắng quân Nguyên Mông của Trần Hưng Đạo (năm 1288).

Tưởng làm nhục được sứ thần nước Việt, ngờ đâu bị Thám hoa Giang Văn Minh làm nhục nên bất chấp luật lệ bang giao, vua Minh đã hèn hạ sai quân lính mổ bụng ông xem “Sứ thần An Nam to gan lớn mật thế nào”.

Dù nghĩa vụ đi sứ dở dang, đoàn sứ bộ do thám hoa Giang Văn Minh dẫn đầu đã tỏ rõ khí phách hiên ngang của người dân Đại Việt không khuất phục trước ách đô hộ của triều đình phương Bắc.

Sau khi Thám hoa Giang Văn Minh mất, thương tiếc và cảm phục một sứ thần tài trí, dũng cảm, không chịu khuất phục trước uy vũ kẻ thù, vua Lê Thần Tông đã đến bái kiến linh cữu ông, đồng thời ban tặng đôi câu đối: "Sứ bất nhục quân mệnh/ Khả vi thiên cổ anh hùng", nghĩa là: Sứ thần không làm nhục mệnh vua, xứng danh anh hùng thiên cổ. Đồng thời truy tặng ông chức Công Bộ Tả thị lang, tước Minh Quận công.

Hiện nay, ngôi mộ của Thám hoa Giang Văn Minh vẫn được họ tộc chăm chút cẩn thận tại thôn Mông Phụ, còn ngôi quán - nơi làm lễ an táng ông, được nhân dân địa phương gọi là quán Giang để ghi nhớ sự tích của vị sứ thần khảng khái đã làm vẻ vang cho đất nước.

Năm 1845, nhân dân trong vùng lập nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh để tưởng nhớ công lao của ông. Đây là một trong những di tích lịch sử được nhiều du khách đến tham quan, tìm hiểu mỗi khi tới thăm Làng cổ Đường Lâm.