Facebook của ca sỹ Thủy Tiên vừa đăng một đoạn clip cảnh cô quyết đòi cho bằng được khoản tiền bị một cô gái “ăn chặn” khi cứu trợ đồng bào vùng lũ. Thủy Tiên kể, sau khi cô chia sẻ thông tin mình sẽ ra cứu trợ miền Trung, cô gái này lập tức vào bình luận, nhắn tin kêu gọi cô đến giúp, thậm chí đến tận khách sạn của cô tại Huế để khóc lóc, kể về trường hợp đáng thương của 2 ông bà nước ngập đến nửa nhà.

Thủy Tiên và ê-kíp đã đến tận nơi trao tặng 8 triệu đồng và một số đồ cứu trợ cho 2 ông bà. Nhưng sau đó, chính cô gái dẫn mối này đã ăn chặn 40% số tiền. Nữ ca sỹ quyết định làm cho ra lẽ, đòi lại bằng được số tiền này vì “nhân đạo với người xấu không khác gì tội ác”, “không nói ra thì sau này sẽ còn rất nhiều người bị bạn ấy lừa”. Thủy Tiên còn cho biết, cô gái này nằm trong một nhóm lừa đảo chuyên nghiệp, có tiền sự lừa đảo nhiều người. Bài đăng của ca sỹ Thủy Tiên có đến hơn 600 ngàn lượt like, trong đó có 139 ngàn lượt thả “phẫn nộ”.

Thủy Tiên là một trong những ngôi sao làm từ thiện tích cực nhất trong mùa bão lũ năm nay. Nhưng vừa làm từ thiện, nữ ca sỹ vừa phải đấu tranh, vạch mặt những chiêu trò giả mạo, lợi dụng danh tính của cô để lừa đảo, trục lợi. Cách đây vài hôm, Thủy Tiên đã cảnh báo mọi người về một tài khoản facebook giả mạo cô kêu gọi chuyển tiền vào tài khoản Techcombank có tên Lê Thị Ngân. Theo luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), những hành vi này hoàn toàn có thể khép vào tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và bị xử lý hình sự theo điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Lừa đảo bình thường đã là tội lớn; lừa đảo, ăn chặn tiền từ thiện, trục lợi khi người khác đang gặp khó khăn hoạn nạn thì là một hành vi không thể chấp nhận được. Có lẽ câu cảm thán của ca sỹ Thủy Tiên: “Lừa đảo tiền từ thiện thế này thì nghiệp nặng lắm đó” chẳng quá chút nào.

Từ khi miền Trung chìm trong mưa bão, bên cạnh những nghĩa cử đẹp, chúng ta còn chứng kiến không ít hành vi tồi tệ. Trên mạng xã hội, có những người chẳng biết có bỏ chút gì ra để làm từ thiện không, nhưng hễ thấy người khác kêu gọi cộng đồng chung tay cứu trợ đồng bào là vào ném đá, bàn lùi. Không chỉ có Thủy Tiên, H’Hen Niê, nhiều người nổi tiếng khác như ca sĩ Thái Thùy Linh, diễn viên Ninh Dương Lan Ngọc... cũng đã nhiều lần làm từ thiện, nhưng rồi bản thân họ lại phải nhận những bình phẩm ác ý.

Nhiều người dường như chẳng quan tâm đến hành động của những người nổi tiếng có ý nghĩa đẹp và thiết thực đến đâu, mà chỉ chú ý đến những sơ sẩy của họ khi mặc chiếc quần hơi ngắn, cái áo hơi điệu đà, những thứ có thể trở thành tâm điểm công kích. Đó chỉ là hành vi ngụy biện! Bởi nếu thực sự muốn góp ý cho việc làm từ thiện thì hãy góp ý thẳng vào cách làm từ thiện chứ đừng lôi trang phục, vẻ ngoài của người ta ra để chỉ trích. Bởi đôi khi đó chỉ là sở thích cá nhân, hoặc một thói quen ăn mặc.

Những lời chỉ trích đó - với ai đó có thể là ảo, nhưng chúng để lại hậu quả thật với một số người. Hoa hậu H’Hen Niê quá tủi thân đã bật khóc khi có người nói rằng cô “thu nhập cao mà từ thiện có 50 triệu đồng”. Liệu những người chỉ trích đó có biết rằng, H’Hen Niê là trụ cột chính của gia đình 5 người?

Những ngôi sao khi đi làm từ thiện cũng mất rất nhiều công sức, chi phí cá nhân, thậm chí phải lao tâm khổ tứ để tổ chức chuyến đi. Họ phải hi sinh nhiều buổi diễn để trực tiếp đi phân phối hàng cứu trợ. Bằng sự nổi tiếng của mình, những người như Thủy Tiên, Hồ Ngọc Hà… sẽ thu hút sự chú ý của nhiều người, các doanh nghiệp, tổ chức, từ đó số tiền thu được cũng lớn hơn để giúp đỡ được nhiều người hơn.

Chúng ta đã có Luật An Ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng, thiết nghĩ cần có những chế tài để xử lý nghiêm những hành vi thiếu văn hóa này.