Nói “lạ” bởi đây là tác phẩm hiếm hoi của một tác giả người Việt ghi chép lại những câu chuyện kinh dị, li kì, kì ảo... mang hơi hướm truyện dân gian lưu truyền ở Nam Bộ từ xưa. Thực và ảo đan cài vào nhau, nhiều tình tiết li kỳ đến đứng tim, khiến độc giả có cảm giác hồi hộp khi đọc “Nam thiên chí dị”.

"Nam thiên chí dị” là tác phẩm thứ hai của cố tác giả Kỳ Hương sau cuốn “Kỳ ảo đất phương Nam”. Điểm dễ nhận thấy trong 2 tác phẩm này là không gian truyện đều lấy bối cảnh và chủ đề về miền Tây Nam Bộ và Sài Gòn thời điểm trước và sau năm 1975. Tuy nhiên, điểm khác biệt của “Nam thiên chí dị” so với “Kỳ ảo đất phương Nam” ở chỗ đây là tuyển tập các truyện thuộc dạng tiểu thuyết ngắn (novella) đến rất ngắn.

Để hình thành nên tác phẩm này, theo lời kể của con gái cố tác giả Kỳ Hương, thì tác giả đã miệt mài cùng những trang giấy viết tay khi thu thập tư liệu, cặm cụi với ngọn đèn khuya bên chiếc máy đánh chữ cũ kỹ để những trang bản thảo cứ đầy lên qua thời gian. Và dẫu không kịp nhìn mặt đứa con tinh thần vì bạo bệnh, nhưng hẳn tác giả yên lòng khi tác phẩm thành hình, đến tay bạn đọc và nhận nhiều phản hồi tích cực.

Với dung lượng gần 400 trang, bối cảnh và chủ đề của Nam thiên chí dị là những truyện kỳ ảo mang hơi hướm kinh dị diễn ra ở không gian tập trung nơi miền Tây Nam bộ và cả đất Sài Gòn qua mốc thời gian trước và sau năm 1975. Lần mở từng truyện riêng trong Nam thiên chí dị và đọc nó trong đêm, hẳn độc giả dù có “gan cùng mình” cỡ mấy, cũng có cảm giác rờn rợn sống lưng với những tình tiết kỳ ảo, kinh dị nơi những con chữ, đúng tinh thần “truyện dị thường” mà tác giả hướng tới cho bạn đọc. Nhưng cũng thảng đâu đó, là những cái kết nhân văn, những suy nghĩ về tình người, hồn đất đọng lại. Điều này được chứng thực khi những trang sách lần mở.

Chẳng hạn như, đọc truyện “Bùa Lỗ Ban”, độc giả sẽ tò mò với thuật ếm bùa khi dựng nhà của giới thợ mộc qua hành động của ông Hậu thợ cả cùng thói nhậu rượu kèm gan gà có một không hai của ông. Lại thỉnh thoảng lạnh gáy khi thợ Tám vì bị ma lùa đến ốm vật lúc tỉnh lúc mê; hay hồi hộp, dựng tóc khi thợ Hậu dùng rìu phép giết ma bắt hồn trẻ nhỏ để cứu sản phụ khó sinh.

Tới truyện “Nồi cháo gà rừng”, độc giả lại thấp thỏm lo cho sinh mạng của ba cha con vì mê mải hóng nồi cháo gà rừng thơm ngon, béo ngậy mà quên rút thang nhà sàn, để ông cọp dữ trèo lên khiến sinh mạng ba cha con như “ngàn cân treo sợi tóc”. Rồi thở phào khi trong lúc nhất sinh nhất tử ấy, bé Gái nhanh trí nhanh tay hắt nguyên nồi cháo gà rừng vào mặt hổ, hy sinh món ẩm thực “cứu đói” mấy cái bụng rỗng để “cứu mạng” cả gia đình khỏi miệng ông cọp.

Cũng là truyện kinh dị, nhưng đọc “Cái gương chiếu hậu”, ta lại thấy ấm lòng hơn là toát mồ hôi hột khi hồn ma cô gái thỉnh thoảng hiện về để… sửa lại gương chiếu hậu ngay ngắn cho anh chàng thích làm đỏm, hay bẻ gương xe để ngắm nghía khuôn mặt điển trai lúc chạy xe. Cũng do hay soi mình trong gương chiếu hậu mà trước kia lúc rẽ trái, cô gái mất mạng khi không nhìn thấy chiếc ô tô đang lao tới phía sau.

Đậm chất xưa cũ về miệt đất Tây Nam Bộ có thể kể đến các truyện như “Hương Cả Cọp”, “Giáng Tiên lâu”, “Phạm Thị Ngộ”... mỗi truyện không chỉ mang trong nó chất dị thường khiến người đọc sởn gai ốc, mà còn ẩn tàng trong đó là phong tục, lối sống, và cả cái nghĩa đạo lý của người dân đất phương Nam.

Ở một chiều thời gian khác, gần hơn với thực tại là những truyện thời bao cấp như “Quasimodo”, “Khô lâu lộ xỉ”; lại có những truyện đậm chất hiện đại, gần gũi với cuộc sống thường ngày như Mùa thu Paris.

Một điều đáng nói nữa khi đọc “Nam thiên chí dị”, là dù đan xen truyện xưa truyện nay, người và vật hay ma quỷ, thực và ảo, nhưng đọc dễ ngấm, dễ hiểu và cảm thấy gần gũi. Dẫu trong “truyện dị thường” này tác giả dùng nhiều phương ngữ Nam bộ, nhưng không vì thế mà độc giả cảm thấy xa lạ, đây cũng là một cách giữ gìn vốn liếng tiếng Việt của vùng đất phía Nam Tổ quốc trong cơn lốc đô thị hóa có thể làm người nay quên những “hồn xưa bóng cũ”.