Đối với đồng bào Mường, Mo là một trong những di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc, là loại hình nghi lễ gắn liền với các lễ thức tín ngưỡng do thầy Mo thực hiện, mà điển hình nhất là lễ tang ma. Nội dung Mo Mường là áng sử thi lớn phản ánh vũ trụ quan, thế giới quan, nhân sinh quan và đời sống xã hội của người Mường cổ xưa.

Tuy nhiên, qua thời gian, vì những nguyên nhân khách quan và chủ quan nên cơ hội thực hành và gìn giữ những giá trị văn hóa độc đáo của Mo Mường dần bị thu hẹp lại và có nguy cơ mai một. Chính vì thế năm 2020, Mo Mường đã được Thủ tướng chỉ đạo chọn lựa là Di sản văn hóa phi vật thể cần xây dựng Hồ sơ quốc gia đệ trình UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Ngay từ thế kỷ 20, Mo Mường đã được giới khoa học trong nước và quốc tế quan tâm sưu tầm, nghiên cứu đã cho thấy những giá trị văn hóa của Mo Mường. Chuyên khảo về “Tỉnh Mường Hòa Bình” của tác giả Pierre Grossin, tạp chí Đông Dương xuất bản năm 1926 đã tóm lược một phần nội dung của Mo Mường, giới thiệu về truyền thuyết hình thành đất, nước và điều kiện sinh sống của con người thuở ban đầu. Cuốn “Người Mường - Địa lý nhân văn và Xã hội học” của Jeanne Cuisinier, xuất bản tại Paris năm 1948 cũng có một chương viết về tang lễ Mường, trong đó có giới thiệu về Mo Mường.

Năm 1956, cuốn sách “Lược khảo về thần thoại Việt Nam”, nhà nghiên cứu Nguyễn Đổng Chi cũng lược kể lại nội dung của Mo kể chuyện và coi đó là thần thoại Mường. Năm 1975 nhóm tác giả Vương Anh, Hoàng Anh Nhân (Thanh Hóa) giới thiệu bản Mo phiên âm tiếng Mường gồm 28 chương với 8225 câu thơ Mo. Năm 1976 bản Mo “Đẻ đất đẻ nước” được tỉnh Hòa Bình công bố gồm có 17 chương với 6811 câu thơ Mo được dịch ra tiếng Việt.

“Con người quan niệm về sự sống và cái chết nó luôn rất quan trọng và Mo giải quyết được vấn đề đó. Người Mường có nghi lễ Mo rất đặc biệt, trong đó bao chứa toàn bộ tín ngưỡng, quan điểm của sự sống, cái chết và về hồn, về thế giới bên kia. Người Mường không thể thiếu Mo được, nếu một người từ bỏ thế giới này mà không được làm Mo thì đó là một điều bất hạnh” - PGS.TS Kiều Trung Sơn, Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, tác giả cuốn sách “Nghệ thuật diễn xướng Mo Mường” cho biết.

Là đời thứ 8 trong một dòng tộc có truyền thống làm Mo, nghệ nhân Bùi Văn Rửm, ở huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình đã có hàng chục năm thực hành các nghi lễ Mo (còn gọi là “nghề làm phúc”). Theo ông, nghề làm thầy Mo là nghề cổ truyền có từ rất lâu đời trong xã hội Mường cổ xưa truyền lại. Mo mang ý nghĩa rất quan trọng đối với người Mường. Mỗi khi có ai về với ông bà, tổ tiên thì kiểu gì cũng phải Mo, không Mo không được.

“Mo cho người chết nhưng mà lại dạy cho con cái sau này sống có đạo đức, dạy cho cả kiếp làm người không ăn cắp, ăn trộm mà phải chăm chỉ làm ăn. Mo cứ đời này chuyển sang đời khác, cứ một đời người là phải có một người theo. Tuy nhiên, có người học được nhưng mà không làm được” – Nghệ nhân Bùi Văn Rửm chia sẻ.

Theo nghệ nhân Mo Nguyễn Đình Thưởng, xã Ngọc Đồng, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ, Mo không chỉ quan trọng đối với đời sống tâm linh của người Mường mà còn ẩn chứa những yếu tố văn hóa, lịch sử đặc sắc, là chỗ dựa tinh thần của người dân trong cuộc sống hàng ngày: “Dân Mường luôn tin thầy Mo là người có thể tiếp xúc được với thế giới huyền bí. Vì thế, nếu giả sử một ông già, bà cả hoặc trẻ con nào đó đau ốm mà cúng mụ, cúng vía thì sẽ được mạnh khỏe. Người ta tin tưởng ở cái tâm linh ấy”.

Ông Hà Quang Phùng, giáo viên dạy tiếng Mường huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ cho biết, Mo Mường là sự kết tinh những kinh nghiệm trong lao động sản xuất, ứng xử văn hóa, triết lý nhân sinh, thể hiện khí phách, cốt cách của người Mường. Thầy Mo là những người lưu giữ trong mình các tri thức văn hóa dân gian, hiểu sâu về phong tục tập quán, đạo lý làm người nên luôn được trân trọng.

“Những người làm thầy Mo là được cha truyền con nối. Các ông Mo có bài, có bản và được người dân tôn trọng như một bậc sư. Khi đón được thầy Mo là người ta mừng lắm. Cái gì mà nó quá lạc hậu, quá cũ kỹ là kiên quyết bỏ nhưng cái mà thấy rằng nó có lợi, ngoài yếu tố tâm linh ra còn có tinh thần nữa thì cái đó nên phát huy” - ông Hà Quang Phùng chia sẻ.

Kho tàng tri thức của Mo Mường rất đồ sộ, có hàng nghìn câu thơ gắn liền với những câu chuyện dân gian. Trong quá khứ, các thế hệ người dân Mường đã lưu giữ, truyền miệng và phát huy những giá trị của di sản Mo Mường. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, di sản quý giá này đang đứng trước những khó khăn trong việc bảo tồn.

Ông Nông Quốc Thanh, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho rằng, việc Chính phủ đồng ý để Bộ VH-TT&DL và các tỉnh có Mo Mường tiến hành lập hồ sơ để trình UNESCO đưa Di sản này vào diện cần bảo vệ khẩn cấp có một ý nghĩa hết sức to lớn. Tuy nhiên, cần có thêm rất nhiều thông tin dữ liệu về di sản Mo Mường để đáp ứng yêu cầu về mặt nội dung của bộ Hồ sơ quốc gia:

“Mo Mường là một loại hình Di sản hết sức đặc biệt. Nếu được đưa vào danh mục thì thế giới sẽ biết kho tri thức khổng lồ ấy đang được một trong các cộng đồng dân tộc của Việt Nam nắm giữ. Song song với việc trình hồ sơ thì chúng ta phải tiếp tục sưu tầm, nghiên cứu, giải mã các nội dung của di sản này để có thể hiểu rõ, đầy đủ hơn giá trị của di sản này”.

Hiện nay, hầu hết các nghệ nhân Mo đều đã cao tuổi, việc trao truyền cũng gặp nhiều trở ngại. Đây thực sự là những thách thức trong việc bảo tồn Di sản phi vật thể độc đáo này.

Xin mời nghe chi tiết tại đây :